Đại biểu Quốc hội đề nghị quản lý chặt chẽ nợ xấu

07/06/2017 00:00

(TN&MT) - Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 3, sáng 7/6, dưới dự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về: Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng…

Tại phiên họp thảo luận tại hội trường, đã có 26 đại biểu phát biểu ý kiến. Các đại biểu Quốc hội cũng đã tham gia vào nhiều nội dung về dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu và dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, nhất là về dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu các đại biểu cũng quan tâm đến khái niệm nợ xấu, vấn đề quyền thu giữ tài sản, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường và nhấn mạnh không dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu, không dùng cơ chế thuế, phí để xử lý nợ xấu...

Quang cảnh phiên họp sáng 7/6. Ảnh: Quốc Khánh
Quang cảnh phiên họp sáng 7/6. Ảnh:Quốc Khánh

Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn xin lược ghi một vài ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội để bạn đọc theo dõi.

ĐBQH Phạm Phú Quốc - Đoàn TP.HCM: NỢ XẤU PHẢI ĐƯỢC QUẢN LÝ CHẶT CHẼ

ĐBQH Phạm Phú Quốc - Đoàn TP.HCM
ĐBQH Phạm Phú Quốc - Đoàn TP.HCM. Ảnh: quochoi.vn

Điều 7, quyền thu giữ tài sản đảm bảo, về nội dung phải có thỏa thuận và quyền thu giữ tài sản bảo đảm trong hợp đồng bảo đảm. Điều này chỉ đúng khi hợp đồng được ký trước khi Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực, vì theo Điều 301 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý.

Như vậy, sẽ bất lợi cho tổ chức tín dụng nếu phải điều chỉnh ký phụ lục hợp đồng nhưng người đang giữ tài sản đảm bảo không đồng ý ký điều chỉnh phụ lục hợp đồng, vấn đề sẽ không được xử lý. Nghị quyết cũng cần thừa nhận một cách đầy đủ quyền của chủ sở hữu hợp pháp của các tổ chức tín dụng phù hợp với Khoản 6, Điều 320 của Bộ luật dân sự.

Theo tôi, về thủ tục rút gọn là cần thiết nhưng Chính phủ cần hướng dẫn đồng bộ với Bộ luật dân sự và phối hợp với cơ quan công quyền khi thực hiện thu giữ tài sản vì nếu 2.000 giám đốc ngân hàng, hội sở và chi nhánh hoặc tổ chức bộ máy đi xử lý, thu giữ tài sản thì vừa không khả thi và vấn đề trật tự, an toàn xã hội sẽ có vấn đề. Ở Điều 10, xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản, điều kiện đặt ra là phải đảm bảo được 3 điều kiện; dự án phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không tranh chấp và chưa bị thu hồi.

Tôi đề nghị quy định nên hướng tổ chức xử lý nợ được quyền chuyển dự án bất động sản nguyên căn nguyên cư và thủ tục pháp lý tới đâu thì có giá thị trường quy định tới đó. Còn nếu đặt vấn đề đủ 3 điều kiện là được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không tranh chấp và chưa bị thu hồi thì vấn đề này cũng khó xử lý nợ xấu đối với các dự án bất động sản.

Và để hạn chế nợ xấu trong thời gian tới, đòi hỏi lương tâm, năng lực của cán bộ làm công tác tín dụng, nợ xấu phải được quản lý và giám sát, xử lý chặt chẽ, Chính phủ và Ngân hàng nhà nước cần định hướng tín dụng, phục vụ cho chiến lược cơ cấu lại nền kinh tế, tránh bơm vốn cho bong bóng bất động sản để có thể dẫn đến rủi ro tăng nợ xấu, đổ vỡ dây chuyền cho nền kinh tế.

ĐBQH Nguyễn Văn Sơn - Hà Tĩnh: XỬ LÝ NỢ XẤU, CÁC CƠ QUAN PHÁP LUẬT PHẢI VÀO CUỘC ĐỒNG BỘ

ĐBQH Nguyễn Văn Sơn - Hà Tĩnh
ĐBQH Nguyễn Văn Sơn - Hà Tĩnh. Ảnh: quochoi.vn

Vấn đề nợ xấu của chúng ta hiện nay không chỉ là của hệ thống ngân hàng mà là vấn đề của cả nền kinh tế và giải quyết nợ xấu cần sự vào cuộc của cả hệ thống khách hàng, hệ thống ngân hàng và hệ thống chính trị.

Về nguyên tắc xử lý nợ xấu, ngoài nguyên tắc như trong tờ trình, chúng tôi đồng tình với dự thảo bổ sung nguyên tắc không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu, tranh chuyển chéo nguồn trong xử lý nợ xấu, vì nó liên quan đến hệ thống tín dụng nhân dân, cho nên phải nêu rõ nguyên tắc này. Đồng thời với xử lý nợ xấu, Chính phủ cần tiếp tục làm rõ và xử lý nghiêm, cụ thể trách nhiệm của cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu để công khai, minh bạch và nhân dân đồng tình cao trong quá trình xử lý.

Tôi thực sự trăn trở của cử tri ngành ngân hàng cho rằng khi xử lý được vụ việc trong tranh chấp này nếu không cho rút gọn thì tỷ lệ hầu như thu được nợ xấu giảm 25 đến 30%, đây là việc chúng ta giải quyết cho thủ tục rút gọn là hình thức tạo điều kiện cho việc xử lý nợ xấu... Ở đây không chỉ là trách nhiệm của tổ chức tín dụng mà của các cơ quan liên quan, cơ quan pháp luật phải vào cuộc và hướng dẫn cụ thể vào cuộc một cách đồng bộ.

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn TP Hà Nội: NÊN CÂN NHẮC VỀ THU HỒI TÀI SẢN ĐẢM BẢO

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn TP Hà Nội
ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn TP Hà Nội. Ảnh: quochoi.vn

Liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm, tôi nghĩ cần cân nhắc thêm để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa một bên là các tổ chức tín dụng, một bên là người có tài sản bị thu giữ, vì tôi thấy dự thảo nghị quyết quy định thời hạn thu giữ tài sản là tương đối ngắn, 10 ngày thông báo và sau đó 10 ngày tiến hành thu hồi.

Đối với việc thu giữ tài sản liên quan đến bất động sản, liên quan đến nhà ở thì có lẽ trong một số trường hợp có thể phát sinh vướng mắc khi người có tài sản thu giữ bố trí nơi ở mới, đặc biệt là liên quan đến nơi ở của người già, trẻ em. Trong Hiến pháp quy định rất rõ quyền của công dân, đó là quyền có nhà ở, vì vậy nên kéo dài thời hạn này so với quy định trong dự thảo nghị quyết.

Liên quan đến thuế, phí thì dự thảo nghị quyết quy định cơ chế miễn thuế cho việc mua bán nợ xấu, chuyển nhượng tài sản và miễn các loại phí, tôi chưa thực sự tán thành với quy định này, vì trong quá trình xử lý nợ xấu, nếu có khoản thu thuộc đối tượng chịu thuế thì phải thực hiện nghiêm các quy định về thuế.

Trong dự thảo nghị quyết quy định rất rõ việc mua bán nợ được thực hiện theo cơ chế thị trường, các giao dịch cũng theo quy luật thị trường và giá mua bán cũng theo giá thị trường, vì thế sẽ không hợp lý nếu chúng ta có cơ chế miễn thuế như một đặc ân cho việc xử lý nợ xấu. Vì vậy, chúng tôi đề nghị cân nhắc thêm.

Liên quan đến quyền hạn, trách nhiệm của một số cơ quan thì có lẽ có những điểm chưa thực sự hợp lý, trong nghị quyết quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm bố trí vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, tuy nhiên quy định này chưa phù hợp với Luật ngân sách nhà nước cũng như Luật đầu tư công. Vì theo quy định của 2 văn bản này thì quy trình ngân sách được thực hiện trên cơ sở Chính phủ xây dựng dự toán trình Quốc hội xem xét, quyết định bằng nghị quyết dự toán hàng năm khi phân bổ các nguồn lực.

ĐBQH Mai Sỹ Diến - Đoàn tỉnh Thanh Hoá: PHẢI TÌM ĐƯỢC NGUYÊN NHÂN MỚI CÓ GIẢI PHÁP TRIỆT ĐỂ XỬ LÝ NỢ XẤU

ĐBQH Mai Sỹ Diến - Đoàn tỉnh Thanh Hoá
ĐBQH Mai Sỹ Diến - Đoàn tỉnh Thanh Hoá. Ảnh: quochoi.vn

Việc ban hành nghị quyết mấu chốt là xử lý nợ xấu nhưng chỉ là xử lý nợ xấu đã phát sinh, như vậy ta mới xử lý phần ngọn nghị quyết, chưa chỉ rõ về nguyên nhân gây ra nợ xấu, tổ chức, cá nhân nào gây ra nợ xấu. Để xử lý nợ xấu tận gốc, nghị quyết cần bổ sung nguyên nhân gây ra nợ xấu để xử lý tận gốc vấn đề nợ xấu. Đây là vấn đề dư luận và cử tri, người dân quan tâm đến chiều sâu của nghị quyết và vấn đề xử lý tận gốc gây ra nợ xấu.

Những tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu nhưng nhà nước lại mất nhiều tiền, thời gian, công sức để đi xử lý nợ xấu. Vì vậy, nghị quyết cần có những quy định cụ thể, rõ ràng việc xử lý những tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu như quan điểm của Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Về mặt khoa học phải tìm được nguyên nhân mới có giải pháp triệt để. Thực tiễn hiện nay có nhiều khoản cho vay vượt quá giá trị của tài sản đảm bảo nhiều lần, nhiều khoản cho vay biết trước không thể thu nợ được nhưng vì những lý do khác nhau, tổ chức tín dụng vẫn cho vay. Nghị quyết cần phải tìm nguyên nhân và có giải pháp xử lý tận gốc, xử lý những tổ chức, cá nhân vì chủ quan mà gây ra nợ xấu mới hy vọng hạn chế được nợ xấu.

Vấn đề các vụ án về tín dụng của các tổ chức tín dụng trong thời gian vừa qua cũng đã minh chứng điều này, ngoài các nguyên tắc do ngân hàng nhà nước đề nghị, Chính phủ đề nghị thì Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã yêu cầu phải đảm bảo 2 nguyên tắc là không dùng ngân sách nhà nước trong xử lý nợ xấu.

Cần xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức tín dụng để xảy ra nợ xấu, nguyên tắc này trong dự thảo nghị quyết cũng xác định rõ không dùng ngân sách nhà nước trong xử lý nợ xấu nhưng phần về trách nhiệm của các tổ chức tín dụng để xảy ra nợ xấu chưa có trong tiếp thu này. Tôi thấy rằng cần phải bổ sung, xác định nguyên nhân để xảy ra nợ xấu để xử lý triệt để.

Hải Ngọc - Châu Tuấn (lược ghi)

          

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội đề nghị quản lý chặt chẽ nợ xấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO