Đại biểu Quốc hội: Cần công khai thông tin đấu giá tài sản

24/10/2016 00:00

(TN&MT) - Sáng 24/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật đấu giá tài sản...

Phiên thảo luận theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, nhìn chung không khí thảo luận ngày hôm nay rất sôi nổi, ý kiến phong phú, đa dạng, khá sâu sắc và toàn diện. Đa số ý kiến đại biểu đều đánh giá cao các ý kiến trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đấu giá tài sản của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ TN&MT - Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Hà và cùng Đoàn Đại biểu Bà Rịa - Vũng Tàu tại phiên thảo luận sáng 24/10. Ảnh: Quốc Khánh
Bộ trưởng Bộ TN&MT - Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Hà và cùng Đoàn Đại biểu Bà Rịa - Vũng Tàu tại phiên thảo luận tại Hội trường sáng 24/10. Ảnh: Quốc Khánh

“Các đại biểu đã tham gia nhiều vào nội dung của dự án luật, như tiêu chuẩn đấu giá viên, đào tạo nghề đấu giá, hình thức hành nghề của đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, trình tự thủ tục đấu giá tài sản, các hành vi bị cấm, trách nhiệm và chế tài xử lý trách nhiệm khi có vi phạm” - ông Phùng Quốc Hiển nhận xét.

Theo Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, riêng về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm khoản nợ xấu còn ý kiến khác nhau lớn. Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ban thư ký của Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về vấn đề này trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua luật. Các đại biểu cũng tham gia vào kỹ thuật lập pháp, các nội dung còn xung đột, chưa chặt chẽ của một số điều khoản trong dự thảo luật.

Đại biểu tham luận tại Hội trường sáng 24/10. Ảnh: Quốc Khánh
Đại biểu tham luận tại Hội trường sáng 24/10. Ảnh:Quốc Khánh

“Các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được Tổng thư ký ghi chép và phản ánh đầy đủ. Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu và giải trình, đồng thời chỉ đạo Ủy ban Kinh tế và cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự án luật trước khi trình Quốc hội thông qua” - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho hay.

Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn xin đăng tải một vài ý kiến của Đại biểu Quốc hội để bạn đọc theo dõi: 

ĐBQH DƯƠNG MINH TUẤN
ĐBQH DƯƠNG MINH TUẤN

ĐB DƯƠNG MINH TUẤN - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: “Cần đăng tải việc mua bán tài sản ở cổng thông tin điện tử và báo địa phương”

Tôi xin bày tỏ sự thống nhất cao đối với dự thảo Luật đấu giá tài sản, thống nhất với báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Theo gợi ý của Chủ tọa tôi xin có ý kiến về tính tương thích giữa Luật đấu giá tài sản với Luật thi hành án dân sự.

Theo quy định của Luật thi hành án dân sự (sửa đổi) có quy định số tiền mua tài sản trúng đấu giá chỉ giao cho bên có tài sản khi người trúng đấu giá nhận được tài sản. Nếu người trúng đấu giá đã nộp đủ tiền nhưng không nhận được tài sản thì có quyền yêu cầu hủy kết quả và nhận lại tiền. Điều này trong dự thảo Luật đấu giá tài sản chưa thể hiện rõ.

Chính vì vậy, đề nghị Quốc hội cho bổ sung trong Điều 72 "hủy kết quả đấu giá tài sản trong trường hợp người trúng đấu giá đã nộp đủ tiền nhưng không nhận được tài sản" và bổ sung quy định vào dự thảo đó là "tiền trúng đấu giá nộp vào tổ chức trung gian và chỉ chuyển cho người có tài sản khi người trúng đấu giá nhận đầy đủ tài sản".

Tại Điều 56 của dự thảo, người có tài sản đấu giá thông báo công khai trên báo in hoặc báo hình của Trung ương hoặc địa phương và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá. Quy định như dự thảo khi đọc qua chúng ta thấy khá đầy đủ, chặt chẽ. Tuy nhiên, thực tế rất nhiều người muốn mua tài sản đấu giá nhưng không biết được thông tin, bởi lẽ vì lý do gì đó người có tài sản đấu giá hoặc tổ chức bán đấu giá tài sản không đăng ở trang báo địa phương mà đăng ở trang Trung ương nhưng ít người đọc, ít người xem và đăng có một trang thông tin chuyên ngành.

Chính vì vậy, nhiều người không tiếp cận được, do đó đề nghị trong Điều 56 điều chỉnh lại nhất thiết phải đăng việc mua bán tài sản ở trang địa phương và trang thông tin điện tử cùng với trang báo địa phương. Tôi xin hết ý kiến, cảm ơn Quốc hội.

ĐBQH VƯƠNG NGỌC HÀ
ĐBQH VƯƠNG NGỌC HÀ

ĐB VƯƠNG NGỌC HÀ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang: “Phải bỏ suy nghĩ: nơi xa xôi đấy có gì để đấu giá tài sản”

Từ góc nhìn của địa phương, với điều kiện hiện tại tôi thấy rằng trong dự thảo luật cũng cần phải rà soát một cách cụ thể hơn hoặc có thể tro,ng quá trình triển khai thực hiện có hướng dẫn rõ ràng.

Ví dụ, tại Điều 38 quy định tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước có quy định "tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản riêng của một tổ chức đấu giá tài sản mở tại tổ chức tín dụng".

Đối với địa bàn của chúng tôi trong quá trình thực hiện chắc chắn sẽ mắc, bởi vì đối với địa hình của các tỉnh miền núi phía bắc để đồng bào đi một chặng đường rất xa đến với huyện thì mới có tổ chức tín dụng này thì sẽ rất khó khăn và chúng tôi cũng rất mong muốn các ngân hàng có thể mở thêm các chi nhánh của mình tại xã để đồng bào đi lại đỡ khó khăn hơn. Bởi vì, ngoài việc này nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế tại địa phương.

Có ý kiến cho rằng tại nơi xa xôi đấy có gì để đấu giá tài sản, thì thưa Quốc hội đối với những quy định về việc đấu giá tài sản nhà nước cũng như việc thi hành án, những nội dung cần đấu giá tài sản đối với khu vực vùng sâu, vùng xa là vẫn có. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu thật kỹ nội dung này.

ĐBQH TRẦN VĂN MINH
ĐBQH TRẦN VĂN MINH

Đại biểu TRẦN VĂN MINH - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh: “Nghiên cứu ký việc: tài sản tổ chức đấu giá tài sản chỉ niêm yết việc đấu giá tài sản tại chủ sở của tổ chức mình”

Về niêm yết việc đấu giá tài sản được quy định tại Điều 34, Điểm b, Khoản 1 dự thảo lần này đã có điều chỉnh cho phù hợp hơn so với lần trình kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIII với quy định tài sản là bất động sản thi hành án thì khi đấu giá tài sản tổ chức đấu giá tài sản chỉ niêm yết việc đấu giá tài sản tại chủ sở của tổ chức mình, nơi chổ chức cuộc đấu giá và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có bất động sản đấu giá.

Tuy nhiên, dự thảo luật vẫn giữ lại quy định đối với các loại tài sản là bất động khác thì việc phải niêm yết tại trụ sở của mình, nơi tổ chức cuộc đấu giá và Ủy ban nhân dân xã phường thị trấn nơi có bất động sản đấu giá, tổ chức đấu giá vẫn phải niêm yết việc đấu giá tại nơi có bất động sản theo tôi cũng nên cân nhắc lại quy định này.

Bởi vì, tổ chức đấu giá tài sản khó có thể thực hiện được điều này, cụ thể đối với việc niêm yết bán đấu giá quyền sử dụng đất mà có lô đất trống hoặc những tài sản không có chỗ để gián niêm yết như ao, hồ, thửa đất nằm giữa cánh đồng v.v... thì tổ chức đấu giá tài sản sẽ không biết phải niêm yết và bảo vệ niêm yết này như thế nào. Như vậy, quy định này có lẽ chỉ mang tính chất hình thức và theo tôi nên bỏ cho phù hợp với tình hình thực tế.

Khoản 4 quy định ngoài việc niêm yết tại các Khoản 1, 2, 3 điều này tổ chức đấu giá tài sản thực hiện thông báo công khai việc đấu giá tài sản theo quy định tại Điều 57 của luật này theo yêu cầu của người có tài sản đấu giá, tuy nhiên theo quy định tại Điều 57 thì thông báo công khai việc đấu giá tài sản là bắt buộc do vậy Điều 34, Khoản 4 nếu để cụm từ  "theo yêu cầu của người có tài sản đấu giá" thì không phù hợp và tôi cũng đề nghị bỏ.

Về đấu giá bỏ phiếu gián tiếp ở Điều 43 đề nghị bổ sung cơ chế xử lý phiếu đấu giá trong trường hợp người tham gia đấu giá hoặc đại diện của người tham gia đấu giá không tham gia buổi công khai giá, việc bổ sung quy định này để luật thêm được chặt chẽ để khi có tình huống xảy ra thì có căn cứ pháp luật để xử lý và tránh được cuộc đấu giá bất hay.

Về tài sản đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá trả giá tại Điều 59 dự thảo luật quy định không áp dụng việc đấu giá tài sản trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, trả giá được quy định tại Điều 49 đối với tài sản nhà nước được quy định tại Khoản 1. Tuy nhiên, trên thực tế đối với những loại tài sản nhà nước sau khi thanh lý và đấu giá có những loại tài sản có giá trị sử dụng không cao và số người tham gia đấu giá rất hạn chế và không ít trường hợp chỉ có một người tham gia.

ĐBQH TRANG
ĐBQH HOÀNG THỊ THU TRANG

ĐBQH HOÀNG THỊ THU TRANG - Đoàn tỉnh Nghệ An: “Cần có quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp giữa chính quyền địa phương, lực lượng công an và các tổ chức bán đấu giá”

Tôi cho rằng, ngoài đấu giá viên, để tổ chức một phiên đấu giá có sự tham gia tích cực của một lực lượng khác không phải là đấu giá viên như thư ký, chuyên viên,... thực tiễn cho thấy đây có thể là một nhóm người có khả năng vi phạm rất lớn, tuy nhiên dự thảo luật chưa đề cập đến.

Vì vậy, tôi đề nghị dự thảo xem xét bổ sung các quy định về tiêu chuẩn điều kiện, hành vi cấm và các quy định khác để quản lý hành vi của nhóm người này.

Hiện nay, nhiều cuộc bán đấu giá tài sản, đặc biệt là bất động sản hiện nay đang bị chi phối bởi một nhóm đối tượng và chúng ta quen gọi là cò, thậm chí có cả xã hội đen, mặc dù không tham gia trực tiếp nhưng vẫn bằng mọi cách uy hiếp những người tham gia đấu giá để chi phối làm ảnh hưởng đến kết quả bán đấu giá thu lời bất chính vô hiệu hóa các quy định pháp luật của nhà nước gây hoang mang trong nhân dân.

Tôi tin tưởng và kỳ vọng vào những quy định mới đột phá của dự thảo. Tuy nhiên, không chắc chắn những quy định này sẽ triệt tiêu hoàn toàn nạn cò, nạn xã hội đen trong bán đấu giá tài sản.

Vì vậy, tôi cho rằng cần có quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp giữa chính quyền địa phương, lực lượng công an và các tổ chức bán đấu giá trong việc bảo vệ các phiên đấu giá, nhất là những phiên đấu giá tài sản bán đấu giá có giá trị lớn.

ĐBQH NGUYỄN LÂM THÀNH
ĐBQH NGUYỄN LÂM THÀNH

ĐB NGUYỄN LÂM THÀNH - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn: “Thời gian niêm yết và tài sản đấu giá góp phần quan trọng góp phần quyết định tính công khai minh bạch của việc đấu giá”

Về thời gian niêm yết và tài sản đấu giá là một quy định rất quan trọng góp phần quyết định tính công khai minh bạch, việc quy định trong dự thảo thời gian quá ngắn dễ tạo kẽ hở cho những hoạt động trục lợi trong đấu giá. Do vậy, Điểm a, Khoản 1 cần tăng thời gian niêm yết đối với tài sản là động sản chậm nhất là 15 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá thay vì 7 ngày như trong dự thảo mặc dù trong báo cáo tiếp thu của Ủy ban Kinh tế có nói đã chỉnh sửa nhưng tôi thấy vẫn theo dự thảo trước đây.

Về thời gian xem tài sản đấu giá Điều 35, dự thảo cần quy định rõ hơn việc tổ chức xem tài sản đấu giá ít nhất trong 2 ngày làm việc. Hơn nữa, dự thảo không quy định mốc thời gian bắt buộc hợp lý trước khi tiến hành cuộc đấu giá dễ dẫn đến cách làm hình thức và thiếu minh bạch.

Khoản 1 nên sửa bổ sung là: "tổ chức đấu giá tài sản, tổ chức cho người tham gia đấu giá được trực tiếp xem tài sản hoặc mẫu tài sản ít nhất là trong 2 ngày làm việc sau khi đã niêm yết việc đấu giá và chậm nhất 7 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá".

Tương tự tại Khoản 2 quy định về việc xem hồ sơ giấy tờ cần được thực hiện chậm nhất 10 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá vì cần có thời gian kiểm tra xác minh. Liên quan đến nội dung này cần bổ sung điều khoản quy định về điều kiện cho tài sản được đấu giá ví như tính hợp pháp của tài sản đấu giá việc thực hiện đầy đủ các quy định về thủ tục và trình tự đấu giá.

Thông báo việc công khai đấu giá, đây là nội dung rất quan trọng góp phần quyết định tính minh bạch, công bằng và hiệu quả của việc đấu giá. Tuy nhiên, dự thảo quy định về mức khởi điểm giá trị tài sản từ 50 triệu đồng trở lên phải thông tin công khai trên phương tiện thông tin đại chúng trung ương và địa phương tôi cho là chưa hợp lý dẫn đến phát sinh các thủ tục hành chính thời gian và chi phí rất nhiều cho những hoạt động đấu giá.

Do vậy, dự thảo cần nghiên cứu điều chỉnh theo hướng: Một là, tất cả các tài sản đấu giá đều phải được đưa lên mạng thông tin trung tâm đấu giá địa phương; Hai là, nâng mức khởi điểm giá trị tài sản ít nhất từ 100 triệu trở lên thay vì 50 triệu như dự thảo phải thông tin công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Tuy nhiên, cũng cần có sự phân loại, phân loại từng mức giá trị tài sản phải đăng trên phương tiện thông tin cấp tỉnh hoặc trung ương, có thể quy định từ 100 triệu đến dưới 1 tỷ thì đăng trên báo in hoặc báo hình của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trên 1 tỷ thì đăng trên báo in hoặc báo hình của trung ương và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản...

Việt Hùng - Hải Ngọc(lược ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội: Cần công khai thông tin đấu giá tài sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO