Trong phần phát biểu của mình, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết cho rằng: Về các hành vị bị nghiêm cấm ở Điều 5 thì ở khoản 6, bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi, khi biết rõ người mua chưa đủ 18 tuổi, người đã có dấu hiệu say rượu.
“Tôi đề nghị là bỏ cụm từ "khi biết rõ người mua chưa đủ 18 tuổi", vì nếu quy định thế này thì người bán rượu bia vẫn có thể bán cho người dưới 18 tuổi và họ sẽ nói rằng tôi chưa biết rõ người đó không đủ 18 tuổi. Cho nên quy định thế không chặt chẽ, vì ta quy định là biết rõ mới không bán, cho nên ở đây mình nói như vậyngười ta vẫn bán và người ta lý giải rằng tôi không biết rõ nên tôi vẫn bán.” – Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết nói.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết cho rằng nên bổ sung thêm "cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; người có dấu hiệu say rượu bia" và bổ sung một nội dung nữa "sử dụng người chưa đủ 18 tuổi bán rượu bia".
“Điều này hết sức cần thiết, tức là đã không bán cho người đủ 18 tuổi rồi thì chúng ta cũng không cho người ta sử dụng những người chưa đủ 18 tuổi để bán rượu bia.” – Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết nhấn mạnh.
Góp ý về dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết cũng bàn về khoản 4 Điều 3 chính sách của nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia có nêu "khen thưởng kịp thời cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong phòng, chống tác hại của rượu, bia". Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết cho rằng nhất trí là cần phải có khen thưởng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là có nên đưa vấn đề xử lý vi phạm pháp luật về phòng chống tác hại của rượu, bia trong dự thảo để đảm bảo tính nghiêm minh trong việc thưởng phạt hay không.
Bên cạnh đó, góp ý về khoản 11 Điều 5 cán bộ, công chức, người lao động, cán bộ chiến sỹ trong lực lượng vũ trang, trong cơ quan tổ chức doanh nghiệp và học sinh, sinh viên uống rượu bia trước và trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa ca làm việc, thời gian học tập, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ, "trừ trường hợp đặc biệt", Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết cho rằng, cân nhắc có đưa vào hay không.
Vì trong dự thảo nghị định Chính phủ gửi cho đại biểu Quốc hội, chưa thấy nội dung quy định như thế nào là những trường hợp đặc biệt. “Nếu như chúng ta không biết được những trường hợp đặc biệt nào thì vẫn có thể lách ở điểm này để sử dụng rượu, bia trong thời gian làm việc, vậy nên chúng ta cần cân nhắc về quy định này.” – Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết nói.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết cũng nêu lên vấn đề và cần làm rõ về khoản 6 Điều 32 trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh rượu, bia quy định "kể từ ngày luật này có hiệu lực không thành lập các cơ sở bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100 mét tính từ khuôn viên của các cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông". Đại biểu Tuyết đề nghị làm rõ tại sao lại quy định là 100 mét và cần có đánh giá tác động của quy định này. Điềunàynghiên cứu kỹ để bảo đảm tính hợp lý và khả thi của quy định này trong luật.