Đặc sắc văn hóa truyền thống ở vùng căn cứ cách mạng Cư Pui

07/01/2014 00:00

Xã Cư Pui (huyện Krông Bông, Đắk Lắk) là khu căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ...

(TN&MT) - Xã Cư Pui (huyện Krông Bông, Đắk Lắk) là khu căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ với Di tích lịch sử hang đá Dak Tuar được xếp hạng di tích quốc gia. Mặc dù là xã đặc biệt khó khăn nhưng những năm qua, địa phương luôn nỗ lực giữ gìn, bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa của các dân tộc trên địa bàn.
   
Từ hang đá Dak Tuar...
   
  Trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, Cư Pui giờ đã thay da đổi thịt. Nhà cửa mọc lên nhiều, đời sống người dân ngày được nâng cao. Thế nhưng, niềm tự hào là con cháu sinh ra và lớn lên tại vùng căn cứ cách mạng luôn rực cháy trong lòng mỗi người dân nơi đây. Đã bước sang tuổi 60 nhưng ông Y Viên Niê, một thời là chiến sĩ kề cận, bảo vệ đồng chí Huỳnh Văn Cần, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk trong những năm tháng đấu tranh gian khổ vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát và khỏe mạnh như chàng thanh niên ngày nào. Dẫn chúng tôi lên hang đá Dak Tuar, ông không ngừng kể về những năm tháng hào hùng thời kháng chiến: “Năm 1970 mình được vào gia nhập lực lượng cảnh vệ để tham gia bảo vệ cụ Huỳnh Văn Cần cùng các cán bộ cách mạng là Ma Thượng, Ma Oanh…Xác định đây là nhiệm vụ thiêng liêng, vì bảo vệ các cán bộ cũng là bảo vệ tổ quốc nên anh em luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Luân phiên canh gác ngày đêm, sẵn sàng hi sinh tính mạng miễn sao đảm bảo an toàn cho các cụ”. Niềm tự hào của Y Viên Niê cũng chính là niềm tự hào của những người con ở buôn Dak Tuar, xã Cư Pui anh hùng, nhất là thế hệ trẻ trong buôn hôm nay. Trò chuyện với chúng tôi, anh Y Tưng Niê, cán bộ văn hóa xã tươi cười: “Tôi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất anh hùng, đó là một may mắn. Vì vậy tôi luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của một người cán bộ văn hóa, xứng đáng là thế hệ kế cận của buôn làng”. Giữa bạt ngàn rừng núi, hang đá Dak Tuar với những chứng tích một thời làm căn cứ nuôi quân vẫn mãi còn đó với thời gian, đã trở thành địa chỉ đỏ cho hoạt động “về nguồn”, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay. Nằm cạnh dòng thác Dak Tuar, trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, hang đá Dak Tuar là nơi đứng chân của Tỉnh ủy Đắk Lắk và các đơn vị bộ đội chủ lực của tỉnh. Tháng 5-1965, từ hang đá Dak Tuar, Tỉnh ủy đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc H9 phá ách kìm kẹp của địch, giải phóng một vùng đất rộng lớn về phía đông của tỉnh, nay thuộc huyện Krông Bông. Từ vùng căn cứ cách mạng này, Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo quân và dân trong tỉnh kháng chiến, giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975, mở màn cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.
   
Ông Y Viên Niê kể về một thời kháng chiến hào hùng
    
   
...đến sắc màu văn hóa Cư Pui
   
  Không chỉ được biết đến là xã cách mạng mà Cư Pui còn trở nên nổi bật với những nét văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc. Với 85,6% là bà con dân tộc thiểu số, trong 14 dân tộc anh em cùng chung sống, chiếm đa số là người Kinh, Êđê, Mnông, Giarai, còn lại là một số dân tộc ở các tỉnh phía Bắc vào định cư như: Mông, Tày, Nùng, Thái, Dao, Mường...Tất cả đã quy tụ, tạo nên nét đẹp văn hóa đầy màu sắc cho Cư Pui. Đến với lễ cúng bến nước ở 5 buôn đồng bào dân tộc Êđê, Mnông vào dịp cuối năm, chúng ta sẽ được hòa mình trong không khí rộn ràng mang đậm nét văn hóa của người Tây Nguyên với mong muốn cầu cho nguồn nước luôn sạch, trong, mang lại sức khỏe cho buôn làng. Trong lễ hội văn hóa cồng chiêng, chúng ta sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa cồng chiêng của bà con dân tộc, uống rượu cần, cùng múa hát bên ánh lửa bập bùng giữa núi rừng. Ngoài ra, Cư Pui còn thường xuyên tổ chức buôn vui chơi, buôn ca hát, hội thi hát dân ca truyền thống…nhằm giúp thế hệ trẻ lưu giữ nét đẹp truyền thống của cha ông. Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch xã Cư Pui cho biết: “Trong 2 năm qua, xã đã tổ chức thành công lễ hội văn hóa các dân tộc phía Bắc ở 6 thôn đồng bào Mông vào dịp đầu năm với nhiều nội dung như: chọi trâu, chọi bò, múa khèn, ném còn, đánh cù… Sắp tới, xã sẽ hỗ trợ kinh phí cho các buôn để duy trì đêm rượu cần bên bếp lửa truyền thống của người Êđê, Mnông tại Nhà sinh hoạt cộng đồng các buôn. Đồng thời tổ chức tổng hợp số lượng, sưu tầm các loại nhạc cụ, dụng cụ, đồ dùng lao động sản xuất và sinh hoạt truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ nhằm giúp bà con đồng bào dân tộc giữ gìn và phát huy hơn nữa những nét đẹp truyền thống của mình”.
   
Hòa mình trong không khí sôi động tại lễ hội chọi trâu của người Mông
    
   
  Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk đã lập dự án đầu tư tôn tạo, phát huy các giá trị của di tích tích sử hang đá Dak Tuar nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Là xã cách mạng, mang trong mình những nét đẹp văn hóa đa dân tộc đặc sắc, lại nằm dưới chân dãy núi Chư Yang Sing hùng vĩ được mệnh danh là "kho báu thiên nhiên", Cư Pui sẽ là một điểm du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái hấp dẫn bậc nhất Tây Nguyên trong tương lai không xa.
   
Lễ cúng bến nước của người Êđê
    
   
Tuệ Minh
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc văn hóa truyền thống ở vùng căn cứ cách mạng Cư Pui
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO