Đã thấy "hình hài" quy hoạch biển Việt Nam

21/03/2017 00:00

(TN&MT) - Quy hoạch sử dụng biển (hay quy hoạch không gian biển) là một công cụ mới trong quản lý biển. Khác với các loại quy hoạch khác, Quy hoạch sử dụng biển Việt Nam tập trung vào đối tượng chung là tài nguyên và môi trường biển, chú trọng đến giá trị của các hệ sinh thái biển và sự hợp lý về nhu cầu khai thác, sử dụng biển của các ngành. Sau rất nhiều năm nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới, vừa qua Bộ TN&MT đã đưa ra được bản Dự thảo Quy hoạch biển Việt Nam được các Bộ, ngành, nhà khoa học đánh giá cao về hàm lương khoa học và cách tiếp cận thực tiễn.

Quy hoạch vì sự phát triển  và xử lý chồng chéo

Để phục vụ phát triển kinh tế biển một cách bền vững Quy hoạch được xây dựng và triển khai theo cách tiếp cận đa ngành, dựa vào hệ sinh thái, áp dụng cách tiếp cận của quy hoạch không gian biển như một quá trình với các chu trình (thông qua các kế hoạch), từ đơn giản đến phức tạp,  từ tổng thể đến cụ thể. Các phương pháp chính được sử dụng phục vụ Quy hoạch bao gồm: phân vùng chức năng biển, theo giá trị sinh thái, tài nguyên và nhu cầu sử dụng bảo vệ, bảo tồn các vùng biển; phân tích mâu thuẫn (giữa bảo tồn và phát triển và giữa các loại hình phát triển với nhau) bằng cách chồng chập bản đồ và lập ma trận mâu thuẫn; phân tích thể chế quản lý biển, bao gồm chính sách, pháp luật, quy định sử dụng và việc tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng biển của các Bộ, ngành, địa phương có biển. Từ đó, đề xuất xử lý các vùng chồng lấn trong quy hoạch phát triển các ngành kinh tế biển và quy hoạch bảo vệ, bảo tồn tài nguyên, môi trường biển bằng cách chồng chập bản đồ và sắp xếp mức độ ưu tiên đối với các loại vùng. Mâu thuẫn còn được giải quyết bằng việc đề xuất tham vấn chuyên gia, các Bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan khác.

Biển Việt Nam được quy hoạch thành 6 loại vùng. Ảnh: Hoàng Minh
Biển Việt Nam được quy hoạch thành 6 loại vùng. Ảnh: Hoàng Minh

Hầu hết các vùng đều là vùng sử dụng đa mục tiêu, song với các mức độ ưu tiên khác nhau đối với mỗi loại hình hoạt động. Theo cách tiếp cận này, Quy hoạch sử dụng biển Việt Nam dựa trên 3 nhóm tiêu chí chính để phân các vùng biển, bao gồm: Nhóm tiêu chí về bảo vệ, bảo tồn: có các sinh cảnh, hệ sinh thái ven bờ như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển, rong biển, bãi triều, cửa sông, đầm phá, vũng, vịnh, đảo, cùng với các khu bảo tồn biển, khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, có giá trị tự nhiên, sinh thái và đa dạng sinh học.

Nhóm tiêu chí về phát triển kinh tế: có ưu thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên và vị thế để phát triển các ngành kinh tế biển như dịch vụ cảng, đường thủy, du lịch, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, phát triển năng lượng, công nghiệp ven bờ...

Nhóm tiêu chí về quốc phòng, an ninh: có vị trí chiến lược và nhu cầu bảo vệ chủ quyền, an ninh, an toàn trên biển.

Quy hoạch 6 vùng sử dụng

Trên cơ sở phân vùng đồng thời theo giá trị tài nguyên, sinh thái và nhu cầu phát triển kinh tế, nhu cầu thiết lập các vùng quốc phòng, an ninh trên biển và việc xử lý các vùng chồng lấn bằng cách xác định mức độ ưu tiên của các hoạt động sử dụng biển: Quốc phòng an ninh; bảo tồn tự nhiên; bảo vệ sinh cảnh; phát triển du lịch; khai thác dầu khí; đánh bắt, nuôi trồng hải sản và các hoạt động khác, biển Việt Nam được quy hoạch thành 6 loại vùng, bao gồm: Vùng sử dụng đặc biệt; vùng ven bờ chú trọng bảo tồn và phát triển mạnh kinh tế tổng hợp; vùng ven bờ phát triển kinh tế tổng hợp kết hợp bảo tồn; vùng ưu tiên khai thác dầu khí; vùng ưu tiên khai thác hải sản; vùng cho các hoạt động sử dụng khác.

Mỗi loại vùng được định nghĩa, có tiêu chí phân loại, chính sách sử dụng với các hoạt động được phép, không được phép và hạn chế. Theo 6 loại vùng nêu trên, biển Việt Nam được quy hoạch thành 34 nhỏ hơn có giá trị sử dụng (hoặ ưu tiên phát triển) có đặc điểm gần giống nhau như: Loại vùng sử dụng đặc biệt (11 vùng); loại vùng ven bờ chú trọng bảo tồn và phát triển mạnh kinh tế tổng hợp (5 vùng); loại vùng ven bờ phát triển kinh tế tổng hợp kết hợp bảo tồn (4 vùng) loại vùng ưu tiên khai thác dầu khí (6 vùng); loại vùng ưu tiên khai thác hải sản (3 vùng) loại vùng cho các hoạt động sử dụng khác (5 vùng). Các vùng này đều gắn với vùng ven bờ, ngoài khơi của 28 tỉnh, thành có biển và được chỉ rõ trong bản đồ quy hoạch được tích hợp các  tính năng từng vùng.

Tại quy hoạch biển Viêt Nam đến 2035, giai đoạn 2017 – 2025 sẽ tập trung Giải quyết các vấn đề trong sử dụng tài nguyên, không gian biển, hoàn thiện thể chế và  tăng cường năng lực quản lý biển.

Trong đó, về mặt thể chế cần phải xây dựng được Cơ chế điều phối đa ngành trong quản lý biển, đảo được thiết lập và hoạt động có hiệu quả ở cấp Trung ương và địa phương ở các tỉnh, thành phố có biển; Cơ chế phối hợp liên ngành hỗ trợ hoạt động cấp phép, giám sát và chế tài xử lý vi phạm trong sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển được thiết lập và hoạt động có hiệu quả và hệ thống kiểm soát và xử lý sự cố môi trường biển quốc gia được thiết lập và hoạt động hiệu quả.

Về sử dụng không gian, tài nguyên, môi trường biển: Quy hoạch chi tiết 16 khu bảo tồn biển các vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển, bao gồm cả vùng lõi, vùng đệm được xây dựng và triển khai; Các ngành kinh tế liên quan đến biển (cảng và hàng hải, dầu khí, du lịch, thủy sản) điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành và tất cả các tỉnh, thành phố có biển điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với quy hoạch sử dụng biển và phân vùng chức năng vùng bờ Việt Nam; Tất cả các tỉnh, thành phố có biển triển khai phân vùng chức năng vùng bờ trên địa bàn mình.

K.Liên

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đã thấy "hình hài" quy hoạch biển Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO