Đà Nẵng: Tìm giải pháp quản lý bền vững nguồn nước hồ đô thị

05/02/2015 00:00

(TN&MT) - Từ việc bị ảnh hưởng xấu về môi trường bởi quá trình đô thị hóa quá nhanh, vấn đề ô nhiễm nguồn nước của các hồ, đầm ở Đà Nẵng đã trở nên rất nghiêm...


(TN&MT) - Từ việc bị ảnh hưởng xấu về môi trường bởi quá trình đô thị hóa quá nhanh, vấn đề ô nhiễm nguồn nước của các hồ, đầm ở Đà Nẵng đã trở nên rất nghiêm trọng. Trước tình trạng đó, Đà Nẵng đã triển khai hàng loạt các biện pháp như: Nạo vét, kè đá, xây dựng cống thu gom nước thải sinh hoạt… với mục tiêu “cứu sống” và quản lý bền vững nguồn nước ở các hồ đô thị.
   
Ô nhiễm nguồn nước mặt
   
  Hiện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có hơn 40 hồ, đầm lớn nhỏ nằm rải rác với tổng diện tích mặt nước 1,8 triệu m2, dung tích chứa nước tối đa hơn 3 triệu m3. So với năm 2005, số lượng và diện tích các hồ ở quận Hải Châu, Liên Chiểu và Sơn Trà giảm đáng kể. Ngược lại thành phố cũng đã hình thành 4 hồ điều tiết mới (hồ Hòa Xuân, Hòa Phước, hồ điều tiết E1, E2) trong các khu đô thị đang được quy hoạch tại Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ.
   
  Tuy nhiên, hệ thống hồ trên địa bàn TP Đà Nẵng đang là những khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hằng ngày các loại rác rưởi, chất thải vẫn vô tư đổ về... Hồ ô nhiễm có “bề dày lịch sử” nhất là Đầm Rong, nước có màu đen xỉn và ngập ngụa rác thải. Hồ Xuân Hòa A ô nhiễm do tiếp nhận, thoát nước mưa và nước thải đô thị cho khu vực các phường An Khê, Thanh Khê Tây và nước từ hệ thống hồ Phần Lăng, cỏ, rác và bèo đầy hồ.
   
  Hồ Công viên 29 - 3 có diện tích mặt nước lớn nhất quận Thanh Khê cùng với mật độ che phủ cây xanh cao nên được ví như lá phổi của quận nói riêng và thành phố nói chung. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm nguồn nước hồ này ngày càng nặng hơn do hồ phải tiếp nhận nước thải từ nhiều nguồn khác nhau, và để xử lý sẽ cần một khoản kinh phí rất lớn.
   
Tình trạng rác thải và bùn bồi lắng gây ô nhiễm ở các hồ
   
  Chất lượng nước của hồ Đảo Xanh đang bị ô nhiễm do chủ yếu nhận nước thải sinh hoạt và lượng bùn lắng trong hồ rất cao, hiện nay năng lực tiếp nhận các chất này trong hồ đã quá tải, gây nên mùi hôi khó chịu cho nhân dân sinh sống gần đây và khách tham quan.
   
  Theo quy hoạch phát triển đô thị của thành phố Đà Nẵng, chức năng của hồ, đầm là đảm nhận điều tiết nước, điều hòa khí hậu, tạo cảnh quan và có thể tự làm sạch nước thải đô thị. Thế nhưng hiện nay, công tác quản lý, khai thác và bảo vệ môi trường các hồ một cách thiết thực, hiệu quả và lâu dài hơn là vấn đề không đơn giản.
   
Cần sớm có giải pháp xử lý triệt để
   
  Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề ô nhiễm ở các hồ đô thị trên địa bàn thành phố. Các biện pháp thường xuyên được thực hiện ở hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung là đầu tư nạo vét bùn, vớt bèo và xây dựng hệ thống cống bao, đập tràn quanh hồ, để kiểm soát phần lớn nước thải đô thị chảy vào hồ vào mùa khô. Sau đó sẽ xử lý mùi hôi do ô nhiễm bằng chế phẩm sinh học, giúp giảm hơn 90% các mùi ô nhiễm tại đây, nạo vét toàn bộ tuyến cống bao và thay thế các cửa van bằng đập tràn bê tông để kiểm soát chặt chẽ hơn sự rò rỉ nước thải từ hệ thống cống thoát nước. Sau nhiều nỗ lực, kết quả đo quan trắc của các cơ quan khoa học về mức độ ô nhiễm hồ Thạc Gián – Vĩnh Trung cho thấy, các thông số về nhiệt độ, độ pH, DO, K/c  đều bằng hoặc thấp hơn quy định.
   
  Để cải tạo môi trường hồ Đảo Xanh và hồ Công viên 29/3, thành phố đã sử dụng một số giải pháp kỹ thuật để xử lý ô nhiễm môi trường như: Kết hợp đồng thời các phương pháp sử dụng thực vật thủy sinh và bổ sung hệ vi sinh phân hủy; sử dụng nước hồ để tưới cỏ xung quanh khu vực công viên 29/3; thay các ngưỡng tràn bằng các cửa phay để ngăn triệt để nước thải vào hồ và thuận tiện điều chỉnh lưu lượng nước vào hồ công viên 29/3 khi có mưa; xây dựng hố ga đối với hệ thống thải sinh hoạt để tách cặn bùn trước khi cho nước chảy vào hồ; Duy trì vệ sinh quanh hồ, trên mặt hồ; Lắp đặt các đập chắn dòng để giảm lượng bùn bồi lắng và ngăn rác thải vào hồ Đảo Xanh…
   
  Vừa qua, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vừa ký Quyết định 40/2014/QĐ-UBND ban hành Quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng... tài nguyên nước trên địa bàn TP. Trong đó xác định rõ vùng bảo hộ vệ sinh khu vực khai thác nước mặt là sông, suối (tính từ điểm lấy nước (công trình thu nước) lên thượng nguồn >=200m; tính từ điểm lấy nước (công trình thu nước) xuống hạ nguồn >=100m); nước mặt là hồ chứa, đập nước (tính từ điểm lấy nước (công trình thu nước) ra hai phía >=300m).
   
  Theo đó, trong khu vực bảo vệ nguồn nước mặt, nghiêm cấm xây dựng bất cứ công trình nào trên bờ, trên mặt nước, dưới mặt nước (trừ các công trình phục vụ cho việc bơm nguồn nước mặt) làm ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nước; nghiêm cấm xả nước thải vào nguồn nước sông, suối, kênh, rạch, hồ, đầm, ao khi chưa xử lý đạt tiêu chuẩn quy định.
   
  Ngoài ra, để bảo vệ nguồn nước hồ một cách bền vững, cần triển khai đồng bộ các biện pháp kỹ thuật công trình: Xây dựng hệ thống cống bao thu gom nước thải vào mùa khô và lắp đặt các van xả đáy thau rửa hồ vào mùa mưa, áp dụng các quá trình công nghệ sinh thái: ất ướt với các loại thực vật tạo cảnh qsuan, lọc nổi với với chuối hoa và bèo tây để kiểm soát sự phú dưỡng và tạo cảnh quan, áp dụng các mô hình quản lý môi trường đô thị dựa vào các hoạt động cồng đồng.
   
  Theo các chuyên gia môi trường cần triển khai áp dụng các giải pháp bảo vệ môi trường thí điểm cho hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung với thời gian khoảng 2 năm, làm cơ sở  cho việc hoàn thiện quy trình công nghệ và mô hình quản lý tổng hợp nguồn nước hồ đô thị. Trên cơ sở kết quả có được mở rộng áp dụng cho tất cả các hồ còn lại trên địa bàn thành phố.
   
   Bài và ảnh:Ni Na
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Tìm giải pháp quản lý bền vững nguồn nước hồ đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO