Đà Nẵng: Thi công công trình gây nghiêng, lún và nứt nẻ nghiêm trọng nhà dân

25/12/2018 21:11

(TN&MT) - Công trình xây dựng khách sạn Vina Connect 15 tầng có địa chỉ Lô Z 38-39-40 đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà trong quá trình thi công đã làm nghiêng, lún và gây nứt nghiêm trọng căn nhà liền kề của bà Nguyễn Thị Nguyệt ở tại Lô Z 36-37. Đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Thành Quân (Cty CP Thành Quân) chưa khắc phục sự cố cho nhà bà Nguyệt nhưng vẫn tiếp tục thi công, hậu quả là căn nhà của bà Nguyệt ngày càng hư hại nghiêm trọng hơn!

Công trình xây dựng khách sạn Vina Connect gây lún, nứt nhà bà Nguyệt ở bên cạnh
Công trình xây dựng khách sạn Vina Connect gây lún, nứt nhà bà Nguyệt ở bên cạnh

Chưa khắc phục hậu quả cho nhà liền kề vẫn tiếp tục xây dựng

Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Nguyệt, chủ căn nhà có địa chỉ tại Lô Z 36-37 đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà kể từ khi khách sạn Vina Connect tiến hành xây dựng, vào ngày 07/7/2017 giữa 2 bên đã lập biên bản ghi nhận hiện trạng căn nhà của bà Nguyệt có kết cấu ổn định, không có sự cố nào khi tiến hành đánh giá hiện trạng bằng mắt thường. Về phía đại diện chủ khách sạn Vina Connect cam kết sẽ chịu trách nhiệm mọi hư hỏng xảy ra trong quá trình thi công được xác định do lỗi của mình gây ra. Tuy nhiên, Cty CP Thành Quân trong quá trình thi công đã làm nghiêng, lún và gây nứt nghiêm trọng căn nhà của bà Nguyệt.

PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã kiểm tra thực địa bằng mắt thường nhận thấy từ tầng 1 đến tầng 3 dầm, tường nhà bị nứt nhiều nơi, trụ bị xé nứt gây nên hiện tượng phá vỡ kết cấu, ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của ngôi nhà.

Trước đó, khi phát hiện căn nhà bị hư hại, bà Nguyệt đã gởi đơn khiếu nại đến chính quyền quận Sơn Trà yêu cầu dừng thi công khách sạn Vina Connect để khắc phục thiệt hại cho nhà mình. Chính quyền quận Sơn Trà đã nhiều lần tổ chức họp giải quyết nhưng không thành.

Ngày 26/7/2018, Tòa án nhân dân (TAND) quận Sơn Trà nhân được đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của bà Nguyệt “Buộc Cty CP Thành Quân tạm dừng thi công xây dựng đối với công trình khách sạn Vina Connect cho đến khi Cty CP Thành Quân hoàn thành xong việc bồi thường thiệt hại đối với công trình nhà ở của bà Nguyệt theo quy định tại Điều 111, Điều 132 Bộ luật TTDS và khoản 5, Điều 3 Thông tư 03/2018/BXD ngày 24/4/2018 của Bộ Xây dựng”.

TAND quận Sơn Trà đã đề nghị Công ty TNHH Giám định Chuyên Việt (Cty GĐ Chuyên Việt - đơn vị giám định thiệt hại căn nhà của bà Nguyệt) trả lời về việc Cty CP Thành Quân tiếp tục thi công xây dựng công trình khách sạn Vina Connect có gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của con người đang sinh sống trong nhà và có làm xấu hơn tình trạng hiện có tại căn nhà của bà Nguyệt hay không?

Biên bản ghi nhận hiện trạng nhà bà Nguyệt có kết cấu ổn định, không có sự cố nào trước khi xây dựng khách sạn Vina Connect
Biên bản ghi nhận hiện trạng nhà bà Nguyệt có kết cấu ổn định, không có sự cố nào trước khi xây dựng khách sạn Vina Connect

Ngày 27/7/2018, Cty GĐ Chuyên Việt gởi Công văn phúc đáp đến TAND quận Sơn Trà có nội dung: “… Về nguyên nhân tổn thất chính theo nhận định của chúng tôi là xuất phát từ việc xây dựng tầng hầm và tầng móng (bơm hút nước ngầm), ngoài ra thì cũng có một phần do sự tác động của quá trình chất tải của công trình đã làm dịch chuyển địa chất bên dưới căn nhà gây lún lệch, nứt nẻ cho các cấu kiện của căn nhà… Do đó, việc tác động của công trình khách sạn đến căn nhà của bà Nguyệt cũng đã xảy ra và ít nhiều cũng có ảnh hưởng tiếp tục (do quá trình cô kết đất nền bên dưới căn nhà)… và theo nhận định riêng của chúng tôi thì hiện tại nó sẽ không ảnh hưởng đến tính mạng con người sinh sống trong căn nhà, tuy nhiên sẽ ảnh hưởng bất tiện đến quá trình sinh hoạt của chủ nhà do việc thấm dột…”. Căn cứ vào nhận định của Cty GĐ Chuyên Việt, TAND quận Sơn Trà cho là chưa đủ cơ sở nên đã bác yêu cầu của bà Nguyệt về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Theo yêu cầu của Tòa án tại phiên hòa giải ngày 22/10/2018, Cty GĐ Chuyên Việt đã gởi Công văn đến TAND quận Sơn Trà ngày 24/10/2018 có nội dung: “Từ thực tế tổn thất của căn nhà bà Nguyệt (căn nhà này bị nghiêng, lún về phía công trình khách sạn Vina Connect đang xây dựng)… Để thi công phần móng công trình (có thi công tầng hầm), đơn vị thi công đã tiến hành đào đất hố móng tương đối sâu so với mặt đất tự nhiên (độ sâu tương đương 3,0m); tuy đã có vách ngăn nhưng trong lòng tường vây hố móng lại trở thành một giếng thu nước rất lớn. Để thi công móng phải hút một lượng nước rất lớn nhằm hạ mực nước ngầm như hồ sơ khảo sát địa chất công trình đã cho thấy mực nước ngầm ở khu vực công trình xuất hiện cách mặt đất tự nhiên từ 0,7 – 0,9m. Việc hạ mực nước ngầm như trên sẽ làm cho mực nước ngầm trong phạm vi lân cận bị hạ xuống. Kết quả là các vùng đất nền gần với khu vực thi công sẽ bị mất nước lổ rỗng dẫn đến thể tích bị giảm nhanh chóng và tương đối lớn (nhất là đối với lớp đất cát như thực tế địa chất khu vực công trình) gây lún lệch đối với nhà dân lân cận xung quanh.

Tiếp theo nguyên nhân trên, quá trình hút nước hố móng để thi công đã tạo nên các dòng chảy ngầm trong nền đất, các dòng chảy này sẽ cuốn theo các hạt nhỏ trong nền đất xung quanh về phía hố móng gây ra hiện tượng phân bố lại thành phần hạt của lớp đất xung quanh hố móng, gây rỗng nền đất xung quanh hố móng do các hạt có kích thước nhỏ bị cuốn về phía hố móng; dưới tải trọng của ngôi nhà lân cận nền đất xung quanh hố móng bị xẹp xuống gây lún cho chính nhà đó. Thiệt hại do các nguyên nhân trên gây ra một cách tương đối chậm theo thời gian, ban đầu phát sinh dưới dạng các vết nứt nhỏ rất khó phát hiện. Càng về sau, các vết nứt tăng dần theo thời gian. Đến khi các vết nứt và thiệt hại đủ lớn để được phát hiện thì nền đất đã bị rỗng cục bộ trước đó và đang trong quá trình lún để cô kết lại… Chúng tôi chỉ có thể đưa ra cảnh báo về sự sụt lún địa chất bên dưới căn nhà bà Nguyệt cũng có thể xảy ra gây ảnh hưởng đến hàng hóa, tài sản hay con người hoạt động bên trên. Do đó, chúng tôi kiến nghị các bên nên sớm thực hiện khắc phục các tổn thất căn nhà của bà Nguyệt”.

Trong Công văn lần 2 gởi đến TAND quận Sơn Trà về phía Cty GĐ Chuyên Việt đã gióng lên hồi chuông cảnh báo mức độ nguy hiểm căn nhà của bà Nguyệt trong tương lai. Thử hỏi TAND quận Sơn Trà có lưu tâm đến cảnh báo này hay không? Nếu không may xảy ra sự cố thiệt hại đến nhân mạng thì ai là người phải chịu trách nhiệm?

Công văn lần 3 ngày 06/11/2018 của Cty GĐ Chuyên Việt gởi TAND quận Sơn Trà có nêu: “…nếu không có biện pháp làm tăng khả năng chịu lực của nền và móng cũng như chống nghiêng lún cho căn nhà thì căn nhà sẽ tiếp tục bị lún và nứt nẻ kết cấu bên trên do đã bị chuyển vị cưỡng bức…”, qua đó cho thấy căn nhà Lô Z 36-37 đường Trần Hưng Đạo bị nứt, lún nghiêm trọng
Công văn lần 3 ngày 06/11/2018 của Cty GĐ Chuyên Việt gởi TAND quận Sơn Trà có nêu: “…nếu không có biện pháp làm tăng khả năng chịu lực của nền và móng cũng như chống nghiêng lún cho căn nhà thì căn nhà sẽ tiếp tục bị lún và nứt nẻ kết cấu bên trên do đã bị chuyển vị cưỡng bức…”, qua đó cho thấy căn nhà Lô Z 36-37 đường Trần Hưng Đạo bị nứt, lún nghiêm trọng

Lần thứ 3 vào ngày 06/11/2018, Cty GĐ Chuyên Việt có Công văn gởi đến TAND quận Sơn Trà thông tin thêm tình trạng xuống cấp nghiêm trọng căn nhà của bà Nguyệt: “… Thực tế tổn thất của căn nhà bà Nguyệt hiện bị nghiêng vặn không đều và căn nhà đã dựa vào công trình khách sạn Vina Connect đang thi công. Điển hình tại điểm đo mặt hậu căn nhà tại vị trí trục 1, độ lệch theo phương ngang giữa 2 điểm đo có khoảng cách 6.326mm là 37mm. Như vậy, độ nghiêng của trụ trục 1H theo chiều cao từ code +0.000 đến code +11.050m (cao độ đỉnh) là 37mm. Mặt khác một khi căn nhà đã bị nghiêng, lún không đều thì dãy móng phía bên đã bị nghiêng sẽ phải chịu lực lớn hơn lực thiết kế dự tính ban đầu; khi nền đất bên dưới móng đã bị rỗng thì khả năng chịu lực của nền đất sẽ giảm xuống đáng kể và sẽ làm cho quá trình lún nứt tiếp tục diễn ra. Do đó, chúng tôi cho rằng nếu không có biện pháp làm tăng khả năng chịu lực của nền và móng cũng như chống nghiêng lún cho căn nhà thì căn nhà sẽ tiếp tục bị lún và nứt nẻ kết cấu bên trên do đã bị chuyển vị cưỡng bức… Căn nhà của bà Nguyệt đã bị nghiêng, lún ngoài việc xử lý phần thân thì cần phải chống nghiêng, lún và gia cố móng cho căn nhà nhằm hoàn trả hiện trạng ban đầu trước thời điểm tổn thất để bảo đảm tuổi thọ và mỹ thuật của công trình…”.

TAND quận Sơn Trà cần phải giải quyết triệt để vụ việc nghiêm trọng này

Nhằm giải quyết kịp thời vụ việc, ngày 01/11/2018, TAND quận Sơn Trà đã ban hành QĐ số 60 đưa vụ án ra xét xử. Sau 2 lần tạm hoãn phiên tòa vì nhiều lý do, ngày 29/11/2018 phiên tòa lại được tạm hoãn vì bà Nguyệt (nguyên đơn) có đề nghị Tòa án tiến hành giám định bổ sung những thiệt hại mới phát sinh tại căn nhà của bà.

Ngày 20/12/2018, đại diện TAND quận Sơn Trà do Thẩm phán Nguyễn Thị Trâm đã chủ trì việc xem xét, thẩm định tại chỗ đối với căn nhà của bà Nguyệt và công trình khách sạn Vina Connect. Việc tiến hành giám định bổ sung căn nhà của bà Nguyệt do Cty GĐ Chuyên Việt  đảm trách. Cùng ngày, Cty GĐ Chuyên Việt đã có kết quả giám định bổ sung: “Xác định các vết nứt ở tường nhà phát sinh mới, một số vết nứt đã được giám định trước đó nay phát sinh rộng hơn. Trần thạch cao tầng 3 bị thấm dột”.

Vụ việc đã được phơi bày tại thời điểm hiện nay. Nhưng, nếu không kịp thời khắc phục những thiệt hại đã được giám định liệu trong tương lai có phát sinh thêm sự cố nào nữa hay không? Và sự an toàn của căn nhà cũng như những người sống trong đó thử hỏi nếu không may xảy ra thiệt hại về nhân mạng thì ai là người phải chịu trách nhiệm?

Thiết nghĩ, TAND quận Sơn Trà cần có phán quyết tạm thời cho dừng thi công khách sạn Vina Connect để khắc phục hậu quả thiệt hại cho căn nhà của bà Nguyễn Thị Nguyệt nhằm bảo đảm an toàn cho người và kiến trúc lâu dài của căn nhà!

Dưới đây là một số hình ảnh căn nhà Lô Z 36-37 đường Trần Hưng Đạo bị nứt, lún:

h 1 1
h 2
h 3
h 4
h 5
h 6

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Thi công công trình gây nghiêng, lún và nứt nẻ nghiêm trọng nhà dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO