Đà Nẵng: Thách thức đối mặt nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu

29/07/2013 00:00

(TN&MT) - Sáng 26/7, tại TP. Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị Định hướng các giải pháp quản lý tài nguyên nước mặt TP. Đà Nẵng trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

   
(TN&MT) - Sáng ngày 26/7, tại TP. Đà Nẵng, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP. Đà Nẵng phối hợp với Viện chuyển đổi Môi trường và xã hội Hoa Kỳ (ISET) tổ chức Hội nghị Định hướng các giải pháp quản lý tài nguyên nước mặt TP. Đà Nẵng trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai cùng Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Phùng Tấn Viết đến dự và chỉ đạo hội nghị.
   
   
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai phát biểu chỉ đạo hội nghị
    
  Tại Hội nghị, nhiều ý kiến của các đại biểu từ các Sở, ban ngành, các doanh nghiệp liên quan trao đổi thẳng thắn về những vấn đề cấp bách của nguồn nước mặt Đà Nẵng hiện nay trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Các đại biểu cùng thảo luận những thách thức, đánh giá những tiềm năng, rủi ro trong tương lai, có phải do cạn kiệt hay vấn đề ô nhiễm; tạo ra những giải pháp mới để bảo vệ nguồn nước bền vững lâu dài trong tương lai.
   
  Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng, lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn rất giàu về tài nguyên nước. Tuy nhiên có nhiều thách thức, mùa mua có 4 tháng, mưa lại tấp nập gây thừa nước, tạo nên lũ lớn cho hạ lưu. Đã có nhiều cảnh báo về thủy điện Đăk Mi 4, đây là nguyên nhân gây ra thiếu nước trên hạ lưu sông Vu Gia, trong đó có Đà Nẵng.
   
  Ông Thắng nhấn mạnh, trước tình hình biến đổi khí hậu có nhiều năm phải đối phó với diễn biến không đi theo quy luật làm cho vụ đông xuân hư hỏng, vụ hè thu lại ngập lụt. Ông Thắng cũng đề nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục ủng hộ cho lưu vực sống Vu Gia - Thu Bồn, trong quá trình xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa, tạo điều kiện tốt nhất trong việc chống hạn thiếu nước cho hạ lưu sống Vu Gia.
   
  Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam lại cho rằng: Sự phối hợp các ngành Trung ương và địa phương chưa được đồng bộ, sự quản lý tài nguyên nước trên địa bàn chưa đi sâu sát vào quy hoạch các khu dân cư, cụm công nghiệp chưa có, cán bộ quản lý còn thiếu, chưa có chuyên môn sâu. Theo ông Dũng, cần tăng cường giám sát việc khai thác nguồn nước từ các nguồn nước mặt, nước ngầm một cách cụ thể.
  Đồng thời thực hiện Nghị định 99 của Chính phủ về chi trả dịch vụ, bảo vệ rừng, đẩy nhanh dành lại diện tích rừng đã mất, có cơ chế quản lý, độ ẩm giữ nước, tuyên truyền vận động sử dụng nước hiệu quả thay đổi theo mùa. Cải thiện nâng cấp các hệ thống thoát lũ, hệ thống tưới tiêu, đê điều hạn chế suy thoái tài nguyên nước, xử lý các nguồn gây ô nhiễm ở Khu công nghiệp, khai thác khoáng sản trái phép…
   
 Toàn cảnh hội nghị
     
   
  Bà Đào Minh Hiền - Cục Điều tiết Điện lực của Bộ Công Thương lại cho rằng: Vấn đề biến đổi khí hậu đã tác động trên toàn thế giới, gây ra những bão lụt, khô hạn hằng năm càng khốc liệt. Việc vận hành của các nhà máy thủy điện, phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt, điều tiết nước giữa mùa khô và mùa lũ, ảnh hưởng liên quan đến công tác triển khai thực hiện. Giải pháp cho việc quản lý là phải hoàn chỉnh khung pháp lý. Hiện hệ thống văn bản pháp lý vẫn còn thiếu, Nghị định 112 đối với hồ chứa thủy điện với mùa lũ, mùa kiệt, tất cả các lưu vực khác vẫn đang còn thiếu. Cũng theo bà Hiền, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã gửi đi lấy ý kiến dự thảo quy trình vận hành liên hồ chứa, rất quan trọng về mặt khung pháp lý, các văn bản quan trọng khác như quy định về dòng chảy tối thiểu, nhu cầu sử sụng nước hạ lưu… các thời vụ trong năm, kế hoạch chủ động trong việc vận hành sau này.
   
  Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai cho biết: Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, làm sao đảm bảo an ninh nguồn nước là vấn đề hiện nay tất cả các nước quan tâm. Việc quản lý tài nguyên nước đã có nhiều ý kiến đưa ra, nổi lên là vấn đề phối hợp giữa các cơ quan liên quan. Tuy nhiên, hệ thống văn bản pháp lý chưa hoàn thiện, luôn bổ sung cập nhật theo tình hình biến đổi cuộc sống. Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cũng đề nghị các Sở, ban ngành, các tổ chức cá nhân đọc, hiểu rõ các Nghị định, Thông tư và Luật đã quy định rõ ràng.
   
  Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cũng nhấn mạnh, lượng nước sử dụng là phần nhỏ, giá trị tài nguyên nước bao gồm nhiều giá trị khác, nhiều đối tượng khác nhau, đảm bảo nước cho sinh hoạt cũng hết sức quan trọng, cần suy nghĩ sao cho hợp lý để sử dụng. Các nhà máy thủy điện, cục điều tiết điện lực tiếp tục phát huy kết quả trong việc chia sẻ nguồn nước. Khi xây dựng các công trình đề nghị chú ý đến công tác tăng cường quản lý, kịch bản biến đổi khí hậu. Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cũng cho hay, kinh nghiệm vận hành của các hồ chứa đã có, nhờ các sáng tạo đó sản lượng điện đã tăng rất nhiều. Chúng ta cần đề xuất ý tưởng thành hiện thực, chuyển thành ý thức, hành động chắc chắn sẽ có đủ nước phát triển kinh tế-xã hội.
  Bài và ảnh: Xuân Lam
   
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Thách thức đối mặt nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO