Đà Nẵng tập trung giải quyết ô nhiễm môi trường

26/08/2016 00:00

(TN&MT) - Sau Kỳ họp thứ 2 của Hội đồng nhân dân TP. Đà Nẵng khóa IX với nhiều vấn đề môi trường được đặt ra, hiện nay UBND TP. Đà Nẵng đang quyết liệt triển khai giải quyết triệt để các điểm gây ô nhiễm môi trường.

Mục tiêu bảo vệ các bãi biển là vấn đề quan trọng nhất hiện nay của thành phố Đà Nẵng
Mục tiêu bảo vệ các bãi biển là vấn đề quan trọng nhất hiện nay của thành phố Đà Nẵng

Các điểm ô nhiễm được tăng cường giám sát

Với đề án xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường, mục tiêu tham vọng là đến năm 2020 Đà Nẵng sẽ thu gom và xử lý 100% nước thải khu công nghiệp và đô thị, 75% chất thải rắn được xử lý tái chế, 25% lượng nước được tái chế.

Hiện nay, Đà Nẵng có 6 khu công nghiệp, 1 cụm công nghiệp triển khai thu gom và xử lý tập trung tại 5 Trạm xử lý nước thải tập trung, đối với môi trường và xả thải tại khu công nghiệp, thành phố quản lý tốt. Dẫu vậy, thành phố vẫn còn một số điểm ô nhiễm môi trường gây bức xúc như:  khu vực Âu thuyền Thọ Quang;  Bãi rác Khánh Sơn cũ và mới; nước thải ven biển phía Đông, Trạm xử lý nước thải Phú Lộc; Trạm xử lý nước thải Hòa Khánh, Liên Chiểu; Trung tâm chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng và mới đây xuất hiện thêm vụ việc chôn lấp chất thải trái phép của Công ty TNHH TM và Dịch vụ môi trường Ánh Dương…

Lời khẳng định thành phố Đà Nẵng kiên quyết không đánh đổi kinh tế lấy ô nhiễm môi trường của ông Nguyễn Xuân Anh- Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng và chỉ đạo UBND thành phố từ nay đến cuối năm phải tăng cường giải quyết các vấn đề môi trường, phải quyết tâm ở mức cao nhất đã đẩy nhanh tiến độ giải quyết ô nhiễm tại các điểm ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

Theo đó, tại Nhà máy Xử lý nước thải Liên Chiểu, sau sự cố vào cuối tháng 5 vừa qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải phối hợp với chủ đầu tư nhà máy đã tiến hành khắc phục. Sở Tài nguyên & Môi trường thành phố đã lập tổ kiểm tra, giám sát quá trình khắc phục, đến nay mùi hôi cơ bản được giải quyết. Hiện tại, Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng tăng cường 4 kỹ sư môi trường để vận hành nhà máy.

Đối với Nhà máy Xử lý nước rỉ rác tại Bãi rác Khánh Sơn đang trong quá trình lựa chọn công nghệ và nhà đầu tư. Riêng vị trí bãi rác mới đang được khảo sát, quy hoạch tại xã Hòa Nhơn, đại diện Sở Tài nguyên & Môi trường cho biết, hiện lo ngại là khu vực quy hoạch có cao trình cao, nên khi đưa vào sử dụng, nước rỉ rác có nguy cơ chảy về sông Túy Loan, ảnh hưởng đến nguồn nước. Vì vậy, Sở Tài nguyên & Môi trường đang chỉ đạo Trung tâm Kỹ thuật môi trường tiến hành nghiên cứu. Nếu có ảnh hưởng thì kiến nghị để tìm vị trí khác. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu phải đánh giá toàn diện, từ nguồn nước đến vấn đề dân sinh. Nếu có ảnh hưởng thì phải nghiên cứu một cách tổng thể.

Đối với Trung tâm Chế biến gia súc - gia cầm Đà Nẵng, hiện nay cũng đã cam kết sẽ triển khai nghiêm túc việc bảo vệ môi trường. Trung tâm đang gửi hồ sơ đến Quỹ Đầu tư phát triển thành phố để vay vốn đầu tư hệ thống xử lý nước thải nội bộ và sẽ đầu tư trong tháng 9/2016. Từ nay đến cuối năm 2016, khi hoàn thiện nhà máy xử lý nước thải, Trung tâm Chế biến gia súc - gia cầm Đà Nẵng cam kết sẽ không để nước thải chưa qua xử lý chảy ra môi trường…

Thành phố Đà Nẵng đang quyết tâm hoàn thành đề án xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường “kiên quyết không đánh đổi kinh tế lấy ô nhiễm môi trường”
Thành phố Đà Nẵng đang quyết tâm hoàn thành đề án xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường “kiên quyết không đánh đổi kinh tế lấy ô nhiễm môi trường”

Riêng vụ việc Công ty Ánh Dương chôn lấp rác thải trái phép, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã trực tiếp mở cuộc họp và phê bình các ngành liên quan, trong đó có ngành Tài nguyên & Môi trường cũng như lực lượng Cảnh sát Môi trường; đồng thời đề nghị Cảnh sát Môi trường khẩn trương điều tra, xử lý và đề xuất phạt nặng, xem xét thu hồi giấy phép kinh doanh; đề nghị Sở Tài nguyên & Môi trường tăng cường công tác giám sát việc chấp hành bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp. Đến nay Công ty Ánh Dương đã bị đóng cửa hoàn toàn.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, vấn đề quan trọng nhất hiện nay của TP. Đà Nẵng là đặt ra mục tiêu bảo vệ các bãi biển. Đây là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn tài nguyên du lịch số 1 của Đà Nẵng. “Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Chính phủ, Ngân hàng Thế giới, Đà Nẵng cơ bản kiểm soát được vấn đề xả thải từ các khu công nghiệp, khu dân cư ra bãi biển. Hiện nay 75% nước thải sinh hoạt và công nghiệp được thu gom và xử lý”.

Hồi sinh Âu thuyền Thọ Quang 

Hiện tại, Âu thuyền Thọ Quang có 37 cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản; 11 cơ sở đóng, sửa chữa tàu thuyền; 12 xưởng sản xuất nước đá; 19 tàu cung ứng dầu của các doanh nghiệp hoạt động thường xuyên. Riêng năm 2015, số lượng tàu thuyền cập cảng là hơn 19.000 lượt với sản lượng hàng hóa gần 140.000 tấn.

Qua thống kê, lượng rác thải phát sinh trong quá trình buôn bán, sinh hoạt của người dân tại đây trung bình 75m3/tháng. Bên cạnh đó là một khối lượng lớn rác thải do các tàu cá xả trực tiếp xuống mặt nước hàng ngày chưa được thu gom khiến bùn lưu trữ lâu ngày gây mùi hôi thối. Một yếu tố gây nên tình trạng ô nhiễm nữa là từ hoạt động của các nhà máy chế biến thủy sản, tàu cá, các chợ đầu mối đổ trực tiếp xuống Âu thuyền. Trong khi đó 2 trạm xử lý nước thải chưa có cơ chế kiểm soát chất lượng nước sau khi xử lý khiến tình trạng ô nhiễm môi trường khó được kiểm soát.

Sau gần hai tháng chỉ đạo giải quyết ô nhiễm môi trường tại Âu thuyền Thọ Quang, tình trạng ô nhiễm cơ bản được giải quyết. Được biết, đến tháng 10/2016, các cống bao xung quanh âu thuyền sẽ được hoàn thành để thu gom nước thải về Trạm Xử lý nước thải Sơn Trà xử lý.

Âu thuyền Thọ Quang từng là điểm nóng ô nhiễm cũng đang dần hồi sinh nhờ quyết tâm giải quyết các điểm ô nhiễm của TP. Đà Nẵng
Âu thuyền Thọ Quang từng là điểm nóng ô nhiễm cũng đang dần hồi sinh nhờ quyết tâm giải quyết các điểm ô nhiễm của TP. Đà Nẵng

Vừa qua, Sở Tài nguyên & Môi trường TP. Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp nhằm triển khai kế hoạch giám sát và ngăn ngừa ô nhiễm tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang.

Theo đó, đại diện các cơ quan liên quan cho rằng thành phố cần phân công cụ thể nhiệm vụ của từng sở, ban, ngành. Cụ thể, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn sẽ phụ trách về hạ tầng thoát nước; Sở Tài nguyên & Môi trường sẽ kiểm tra, giám sát việc xử lý chất lượng nước thải; Ban quản lý Khu công nghiệp và chế xuất sẽ kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống đấu nối, thu gom rác thải của các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp.

Cuộc họp cũng đã chính thức ra quyết định thành lập Tổ cộng đồng giám sát, đánh giá kết quả bảo vệ môi trường tại khu vực Âu thuyền Thọ Quang. Tổ giám sát có nhiệm vụ tham gia vào việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại khu neo đậu và trú bão cho tàu thuyền Thọ Quang, khu vực Chợ đầu mối thủy sản Đà Nẵng… nhằm phát hiện và phản ánh đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về các hành vi xả thải không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường để có giải pháp xử lý kịp thời.

Âu thuyền Thọ Quang là điểm ô nhiễm gây nhức nhối cho TP. Đà Nẵng trong nhiều năm qua. Từng là 1 trong 3 điểm nóng ô nhiễm môi trường dai dẳng nhất của TP. Đà Nẵng, đến nay Âu thuyền cũng đang dần hồi sinh nhờ sự quyết tâm chỉ đạo của thành phố.

Bài và ảnh: Yến Nhi– Quỳnh Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng tập trung giải quyết ô nhiễm môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO