Đà Nẵng: Rác thải rắn sắp quá tải, cần gấp một nhà máy xử lý

15/01/2015 00:00

(TN&MT) - Việc xây dựng một nhà máy xử lý chất thải rắn ở Đà Nẵng là cấp bách khi mục tiêu Đà Nẵng trở thành “thành phố môi trường” vào năm 2020...

   
   
(TN&MT) - Những năm qua, Đà Nẵng đã thực hiện tốt việc tập kết và quy hoạch rác về “một mối” ở bãi rác Khánh Sơn để khống chế mùi hôi, xử lý kịp thời. Tuy nhiên, chỉ vài năm nữa khi bãi rác Khánh Sơn mới với diện tích hơn 48ha sẽ đầy và nếu không có hướng đi cho rác thải ngay từ bây giờ, e rằng việc xử lý rác sẽ gặp bất ổn. Việc xây dựng một nhà máy xử lý chất  thải rắn ở Đà Nẵng là cấp bách khi mục tiêu Đà Nẵng trở thành “thành phố môi trường” vào năm 2020 đang cận kề.
   
Bãi rác Khánh Sơn dần đi vào quá tải, nhu cầu cần một nhà máy xử lý rác thải rắn ở Đà Nẵng là cấp bách.
   
Bãi tập kết rác quá tải
           
  Theo thống kê của Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng, hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 700 tấn chất thải rắn được đưa về bãi rác Khánh Sơn (mới) để xử lý. Trong năm 2014, tại đây đã tiếp nhận gần 300 ngàn tấn chất thải rắn sinh hoạt đô thị, hơn 4 ngàn tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 2 ngàn tấn chất thải rắn y tế... Toàn bộ rác thải sinh hoạt đô thị sau khi đưa về bãi được chôn lấp hợp chuẩn thông qua 5 hộc với tổng diện tích 15ha.
   
  Hiện tại ở bãi rác Khánh Sơn, 2 hộc số 1 và 2 với chiều cao 36m đã được lấp đầy khoảng 1,5 triệu tấn rác. Theo thiết kế, với năng lực chôn lấp khoảng 13 năm thì tới năm 2019 bãi rác sẽ đầy buộc phải đóng cửa. Ông Phạm Minh Thắng - Tổng Giám đốc công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng cho biết, năm 2006 bãi rác Khánh Sơn (cũ) diện tích 9,8ha đã đóng cửa sau 15 năm hoạt động. Tuy nhiên tới nay tình hình xử lý ở bãi rác này vẫn chưa dứt điểm. Cụ thể do bãi được thiết kế chôn lấp hở, không hợp vệ sinh, việc xử lý nước rỉ chỉ được thực hiện thông qua 2 hồ sinh học tự nhiên do vậy môi trường tại đây đang bị ô nhiễm bởi khí thải và nước rỉ rác thải ra vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Để cải thiện môi trường ở đây công ty thường xuyên phải bổ sung chế phẩm sinh học để phân hủy rác, giảm thiểu mùi hôi cũng như phủ đất để hạn chế phát tán mùi hôi ra khu vực dân cư xung quanh.
   
  Thực tế trên cho thấy, với công nghệ chôn lấp, dùng chế phẩm sinh học để khử mùi, thu gom nước rỉ... đã lạc hậu và không đáp ứng được yêu cầu gia tăng khối lượng rác thải khổng lồ của Đà Nẵng hiện nay. Trước năm 2019 khi bãi rác đầy, nếu không có một nhà máy hiện đại xử lý rác thải rắn đô thị, cũng có nghĩa sẽ phải mở một bãi chôn lấp mới tốn kém diện tích lớn, trong khi xử lý môi trường ô nhiễm không thể triệt để.
   
   
Cần một nhà máy xử lý
   
  Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Minh Thắng - Tổng Giám đốc công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng cho hay: “Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay là chôn lấp và không có phân loại chất thải rắn tại nguồn do đó tất cả chất thải rắn đều được thu gom chung vào xe vận chuyển rồi đem chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn. Điều này đã gây ra hàng loạt vấn đề bất cập như tăng diện tích chôn lấp, tăng lượng nước rỉ rác, mất lượng tài nguyên rác có thể tái sử dụng, khó kiểm soát được những rủi ro về ô nhiễm môi trường và sức khỏe cộng đồng. Mặt khác công nghệ xử lý chất thải rắn bằng các chế phẩm EM, bokashi... không còn phù hợp, vẫn phát sinh mùi hôi phát tán ảnh hưởng đến môi trường xung quanh bãi rác”.
   
  Điều đáng ngại, do dùng phương pháp chôn lấp nên bãi rác tốn diện tích lớn, vành đai an toàn của bãi rác cũng khá rộng. Mặc dù Đà Nẵng đã có những nỗ lực lớn trong di dời, tái định cư cho các hộ dân sống gần khu vực bãi rác, tuy nhiên hiện vẫn còn tình trạng người dân chiếm đất canh tác trong khu vực vành đai an toàn của bãi rác, điều này gây ảnh hưởng đến chính sức khoẻ của người dân lẫn vấn đề an ninh trật tự của bãi rác.
   
  Cũng theo ông Thắng, hiện mùi hôi và ruồi ở bãi rác Khánh Sơn đã được xử lý một cách triệt để. Nhưng những tồn tại như đã nói ở trên, cho thấy Đà Nẵng phải cấp bách đòi hỏi xây dựng một nhà máy xử lý chất thải rắn với công nghệ hiện đại trước năm 2020. Nhưng để triển khai nhà máy này, bên cạnh việc kêu gọi đầu tư, tìm kiếm công nghệ thì một vấn đề khá quan trọng khác là giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm người đang nhặt rác tại đây. Mặc dù người dân vào bãi nhặt rác là tự phát song đây lại là nơi mưu sinh bao năm nay của họ, với thu nhập thấp nhất khoảng 150 ngàn đồng/người/ngày. Thế nên khi đưa nhà máy vào hoạt động phân loại rác để tái sử dụng thì phải có phương án chuyển đổi ngành nghề phù hợp cho người nhặt rác. Ông Thắng cho biết thêm, hiện Đà Nẵng vẫn đang trong quá trình đàm phán, tìm kiếm đối tác, công nghệ để xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn.
   
Bài & ảnh: Xuân Lam
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Rác thải rắn sắp quá tải, cần gấp một nhà máy xử lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO