Đà Nẵng: Phát triển thương hiệu du lịch bền vững

21/04/2015 00:00

(TN&MT) - Với những đặc trưng vốn có của mình, thành phố Đà Nẵng thừa hưởng những sức hấp dẫn về du lịch biển, sinh thái, văn hóa… Và được biết đến như là một trung tâm du lịch nổi tiếng ở miền Trung, cộng thêm vào đó là một thành phố trẻ năng động, sáng tạo, tạo dựng được nhiều lợi thế so sánh mà các địa phương khác phải ao ước.

Dù lượn không động cơ được đông đảo du khách yêu thích
Dù lượn không động cơ được đông đảo du khách yêu thích

Cần tương xứng tiềm năng và lợi thế

Nhờ điều kiện thiên nhiên ưu đãi, với khí hậu đa dạng kiểu khí hậu núi cao và núi vừa; khí hậu núi thấp và trung du; vừa có kiểu khí hậu đồng bằng duyên hải - bán đảo đã tạo cho Đà Nẵng có sự đa dạng sinh học cao về các nguồn gen, loài sinh vật trong hệ sinh thái biển và rừng, … Nhiều địa danh du lịch sinh thái nổi tiếng đã có thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam như: Bà Nà – Núi Chúa, Sơn Trà – Non Nước và Hải Vân – thiên hạ đệ nhất hùng quang; biển…

Du khách tham quan
Du khách tham quan "Cây đa di sản" ở Sơn Trà

Sản phẩm du lịch của Đà Nẵng đến nay đã từng bước được đa dạng hóa, chất lượng ngày càng được nâng cao, thương hiệu du lịch Đà Nẵng ngày càng được khẳng định uy tín trên thị trường trong và ngoài nước, là điểm đến của nhiều sự kiện, hội nghị lớn mang tầm cỡ quốc gia, khu vực và quốc tế. Đặc biệt, dịch vụ bắn pháo hoa quốc tế, cầu Rồng, Bà Nà Hills là sản phẩm du lịch đã có thương hiệu và nổi tiếng trên cả nước, đây cũng là sản phẩm du lịch đặc trưng của Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng hướng đến mục tiêu trở thành đô thị đủ năng lực để ngăn ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường, xử lý và khắc phục các sự cố môi trường dựa trên nền tảng ý thức của tất cả người dân thành phố, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đến làm ăn và sinh sống tại Đà Nẵng về công tác bảo vệ môi trường, xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường.

Tính đến cuối năm 2014, Đà Nẵng có 71 dự án đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ du lịch với tổng vốn đầu tư 8.180,9 triệu USD (171.799 tỷ đồng), trong đó có 15 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 1.668,5 triệu USD (35.039 tỷ đồng) và 56 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 6.512,4 triệu USD (136.760 tỷ đồng).

Khai thác tốt tiềm năng từ du lịch sinh thái

Để làm phong phú các sản phẩm du lịch cho Đà Nẵng, việc xây dựng  và phát triển các tour du lịch sinh thái là một trong những lựa chọn đúng đắn, phù hợp với thị hiếu của khách du lịch khi mà nhận thức về tác động của biến đổi khí hậu ngày càng cao. Do đó, việc kết hợp giữa các sở ban ngành của thành phố là rất quan trọng và phải có tầm nhìn, dự báo nhu cầu của khách trong tương lai đối với các dịch vụ du lịch.

Hiện Đà Nẵng đã có dịch vụ du lịch trực thăng, du lịch kinh khí cầu và dù lượn. Các dịch vụ này sẽ giúp du khách có thể chiêm ngưỡng thành phố từ trên cao. Trong tương lai, Đà Nẵng cần quy hoạch những công trình lồng ghép nghệ thuật tạo hình phục vụ du lịch. Du lịch xe đạp là một trong những loại hình du lịch thân thiện với môi trường và rất phù hợp với Đà Nẵng nơi có những cung đường đẹp nổi tiếng như đường bao bãi biển Xuân Thiều, Mỹ Khê - Ngũ Hành Sơn, cung đường Sơn Trà, vòng quanh sông Hàn…

Nhằm thúc đẩy các làng nông nghiệp truyền thống, chính quyền địa phương cần tạo dựng sản xuất nông nghiệp xanh cạnh tranh và thúc đẩy huyện Hòa Vang thành các làng sinh thái dựa trên sản xuất sạch và an toàn. Hòa Vang cũng cần đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải để giảm ô nhiễm môi trường.

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thành phố sẽ tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp hơn. Việc bồi dưỡng và đào tạo nghiệp vụ quản lý du lịch cũng sẽ được chú trọng; từng bước chuẩn hóa nâng cao chất lượng; đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch có chất lượng nhằm bảo đảm tính chuyên nghiệp trong tổ chức hoạt động và phục vụ khách du lịch; xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và an toàn…

Với những thành tựu đạt được của ngành du lịch trong những năm qua, có thể khẳng định ngành kinh tế du lịch có vai trò hết sức quan trọng trong cơ cấu kinh tế của thành phố, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm, thu hút đầu tư, nâng cao vị thế, hình ảnh của Đà Nẵng.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được như hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế về du lịch. Vì vậy, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thực hiện theo những nguyên tắc về phát triển du lịch bền vững, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng và đồng tâm nhất trí giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, người dân thành phố và du khách trong việc triển khai các giải pháp. Hy vọng trong tương lai không xa, Đà Nẵng sẽ thực sự trở thành thành phố du lịch nổi tiếng không chỉ trong cả nước mà sẽ vươn ra tầm khu vực và thế giới.

Bài và ảnh: Ni Na

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Phát triển thương hiệu du lịch bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO