Đà Nẵng: Phát triển nông nghiệp bị hạn chế do thiếu nước

26/03/2017 00:00

(TN&MT) - Nhiều diện tích đất nông nghiệp ở Đà Nẵng đang phải bị bỏ hoang hoặc sử dụng không tối đa vì tình trạng thiếu nước tưới trong mùa khô. Theo điều tra, phân tích của các chuyên gia thì hiện tượng thiếu nước tưới bên cạnh nguyên nhân do BĐKH thì phần lớn là do viện vận hành hồ thủy điện thượng nguồn.

Theo báo cáo của Chi Cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đà Nẵng  thì vụ Đông - Xuân năm 2013 có 500 ha diện tích phải chống hạn với kinh phí chống hạn là 1,777 tỷ đồng
Theo báo cáo của Chi Cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đà Nẵng thì vụ Đông - Xuân năm 2013 có 500 ha diện tích phải chống hạn với kinh phí chống hạn là 1,777 tỷ đồng

Sản xuất nông nghiệp thiếu nước trầm trọng

Khoảng 20.000 ha đất sản xuất nông nghiệp vùng hạ lưu sông Vu Gia trông chờ vào nguồn nước của sông này, trong đó có gần 4.000 ha của thành phố Đà Nẵng. Trước đây, trữ lượng nước sông Vu Gia chuyển về sông Thu Bồn qua sông Quảng Huế là 20%, nhưng để giảm áp lực của lũ vào các đập và kè đá chặn sông Quảng Huế mới, dự án đã tiến hành nạo vét cửa vào sông Quảng Huế để lũ dễ thoát về sông Thu Bồn qua sông này với cao trình nạo vét đến 3m tại cửa sông, dốc dần 4% đến cao trình 1,7m tại khu vực hợp lưu giữa sông cũ và sông mới. Điều này làm trữ lượng nước chảy từ sông Vu Gia về sông Thu Bồn vào mùa kiệt gấp 2-3 lần so với trước đây. Bên cạnh đó, những năm gần đây, lòng sông Vu Gia bị bồi lắng nặng khiến lượng nước đổ về sông Ái Nghĩa ít hơn trước đây rất nhiều, đe dọa việc cấp nước tưới và sinh hoạt ổn định cho Đà Nẵng vào mùa khô hạn.

Theo báo cáo của Chi Cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đà Nẵng, thì vụ Đông - Xuân năm 2013 có 500 ha diện tích phải chống hạn với kinh phí chống hạn là 1,777 tỷ đồng. Tới vụ Hè - Thu diện tích phải chống hạn tăng lên 1000 ha. Do hạn nặng nên 298 ha diện tích lúa phải bỏ hoang, tổng kinh phí chống hạn là 1,127 tỷ đồng. Điều đáng lưu ý là việc bỏ hoang diện tích đất này xảy ra lần đầu tiên trong lịch sử, trong quá khứ tuy có thiếu nước trong sản xuất nông nghiệp ở Đà Nẵng nhưng không tới mức phải bỏ hoang diện tích canh tác.

Để chủ động đủ nông sản thực phẩm phục vụ cư dân thành phố và khách du lịch ngày càng đông trong tương lai, việc chủ động nguồn nước tưới có ý nghĩa quan trọng nhằm ổn định sản xuất nông nghiệp, giảm sự phụ thuộc của thành phố vào việc nhập khẩu nông sản từ các tỉnh khác hoặc từ nước ngoài, góp phần làm gia tăng thu nhập cho nông dân của thành phố.

Vận hành hồ chứa thủy điện ảnh hưởng tới tưới và lũ

Hiện, ba hồ thủy điện lớn ở thượng nguồn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đã đi vào vận hành đó là Sông Tranh 2, Đăk Mi 4 và A Vương. Quy trình vận hành liên hồ mùa lũ đã được ban hành theo quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 13/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Quy trình không đưa ra một công thức hay một hàm quan hệ giữa lượng xả của mỗi hồ với các biến đầu vào như dung tích của chính hồ đó và các hồ liên quan, chuỗi dòng chảy đến các hồ trong quá khứ, mực nước tại các điểm khống chế dưới hạ du, dự báo mưa trên lưu vực v.v. nên rất khó cho việc giám sát việc thực hiện quy trình này. Thực tế vận hành các hồ trong mùa lũ trong thời gian gần đây đã làm cho nhiều người nghi ngờ rằng thủy điện là một trong những nguyên nhân gây ra lũ dưới hạ du.

Sông suối trơ đáy vào mùa cạn, không đủ nước cung cấp cho vùng hạ du
Sông suối trơ đáy vào mùa cạn, không đủ nước cung cấp cho vùng hạ du

Việc vận hành các hồ chứa A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2 trong trận lũ xảy ra giữa tháng 11 năm 2013 đã phần nào củng cố nghi ngờ về “nhân tai” do vận hành thủy điện gây ra. Cụ thể là, chiều ngày 15/11/2013, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Quảng Nam cho biết: tính từ 19 giờ ngày 13/11/2013 đến chiều 15/11/2013 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng có mưa liên tục, lượng mưa phổ biến từ 100 mm - 150 mm. Nhiều nơi mưa lớn lên đến 300 mm. Khi đó, tại hồ chứa của Thủy điện Sông Tranh 2 mực nước hồ đã dâng lên đến 165,2m/161m (cao trình ngưỡng tràn) và lưu lượng nước về hồ là 5242,87 m3/s, lưu lượng tự tràn qua ngưỡng tràn và qua các tổ máy là 2789,53 m3/s. Tất cả 6 cửa xả đã chảy tự do. Trong khi đó, tại Thủy điện A Vương mực nước hồ 379,35m/380m và lưu lượng nước về hồ 200 m3/s, phát điện 78 m3/s (mức phát điện tối đa). Thủy điện Đắk Mi 4 có mực nước hồ 258,28m/258m và lưu lượng nước về hồ 4360 m3/s, lưu lượng xả tràn là 3900 m3/s . Mưa lớn kết hợp với việc xả đồng thời từ các hồ chứa đã làm cho hạ du bị ngập nhanh và nặng. Tài sản của người dân đã bị ngập hoặc cuốn trôi do không đủ thời gian để sơ tán. Nếu các chủ hồ đều vận hành đúng theo quy trình thì quy trình vận hành liên hồ này còn có ý nghĩa vận hành liên hồ hay không khi mà các hồ đều xả tối đa về hạ du cùng lúc?

Trái lại, về mùa cạn khi mà hạ du cần nước cho sản xuất và sinh hoạt thì Thủy điện Đăk Mi 4 thường xuyên chỉ xả về 2 đến 3 m3/s do quy trình vận hành liên hồ trong mùa cạn vẫn chưa có. Tranh luận về mực nước khống chế tại Ái Nghĩa về mùa cạn vẫn chưa đi đến thống nhất. Dự thảo quy trình vận hành liên hồ đề xuất mực nước khống chế tưới tại Ái Nghĩa ở mức 2,53 m trong suốt mùa cạn là mức hài hòa lợi ích cho các bên liên quan. Tuy nhiên, đại diện của TP. Đà Nẵng cho rằng mức nước khống chế trong mùa cạn là 2.8 m mới hợp lý, bởi vì trị số 2,53 m là giá trị trung bình của mực nước trung bình tháng có dòng chảy nhỏ nhất trong năm trong liệt tài liệu từ năm 1976 đến nay và khi chọn cao trình mực nước khống chế 2,53 m tại Ái Nghĩa thì cũng đồng nghĩa với việc bắt hạ du sông Vu Gia luôn luôn ở trong trạng thái thiếu nước, cạn kiệt nguồn nước. Đồng thời, Đà Nẵng đề xuất lượng nước trả về cụ thể như sau: khi Trạm Ái Nghĩa thấp hơn 2,8m, Thủy điện Đăk Mi4 xả trả lại sông Vu Gia 25m3/s; khi Trạm Ái Nghĩa bằng 2,8m-2,93m, thủy điện Đăk Mi4 xả trả lại sông Vu Gia 12,5m3/s; khi Trạm Ái Nghĩa cao hơn 2,93m, thủy điện Đăk Mi4 chỉ xả trả lại sông Vu Gia 5m3/s.

Các vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn gây thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô hay các vấn đề lũ lụt gây thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa cần phải được khắc phục. Bởi, đây không chỉ là nguyên nhân làm chậm tốc độ tăng trưởng, gây ô nhiễm môi trường mà còn là nguyên nhân làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo vì đối tượng có thu nhập thấp thường là đối tượng dễ bị tổn thương bởi hạn hán và lũ lụt.

Bài & ảnh:Yến Nhi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Phát triển nông nghiệp bị hạn chế do thiếu nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO