Đà Nẵng: Phát triển bền vững phải gắn với môi trường

22/08/2016 00:00

(TN&MT) - Đó là yêu cầu của Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của Sở.

Ngày đầu đi thực tế của ông Nguyễn Xuân Anh với cương vị là Bí thư Thành ủy là điểm nóng ô nhiễm môi trường tại bãi rác Khách Sơn
Ngày đầu đi thực tế của ông Nguyễn Xuân Anh với cương vị là Bí thư Thành ủy là điểm nóng ô nhiễm môi trường tại bãi rác Khách Sơn

Hướng đến mục tiêu trở thành đô thị đủ năng lực để ngăn ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường, xử lý và khắc phục các sự cố môi trường dựa trên nền tảng ý thức của tất cả người dân thành phố, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đến làm ăn và sinh sống tại Đà Nẵng về công tác bảo vệ môi trường, xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường.

Qua báo cáo từ Sở TN&MT về công tác quy hoạch điều tra, khai thác khoáng sản, tài nguyên biển được chú trọng. Hiệu quả trong công tác QLNN về môi trường càng được nâng cao, đặc biệt là hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường và quản lý chất thải, góp phần hoàn thành các mục tiêu đề ra trong lộ trình “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường” vào năm 2020.

Để giải quyết điểm nóng ô nhiễm môi trường tại bãi rác Khánh Sơn, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở TN&MT thành lập tổ giám sát thường xuyên hoạt động xử lý chất thải của các đơn vị tại khu vực này với sự tham gia của địa phương và nhân dân Khánh Sơn. Trong tương lai, Thành ủy, HĐND và UBND TP đã thống nhất chọn địa điểm xây dựng Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang với quy mô khoảng 100ha. Trong năm 2016, triển khai công tác chuẩn bị đầu tư để triển khai xây dựng giai đoạn 1 và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động chính thức vào cuối năm 2017 để giảm tải cho Bãi rác Khánh Sơn.

Bên cạnh đó, qua xử lý từ ngày 1/4/2016 đến nay, mùi hôi tại khu vực cửa sông Phú Lộc đã cơ bản giảm được khoảng 80%. Dự kiến đến tháng 12 này sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng để thu gom toàn bộ nước thải nhằm xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại KCN DVTS Đà Nẵng và Âu thuyền Thọ Quang.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra được triển khai có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả với 17 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 43 đơn vị, qua đó xử phạt vi phạm hành chính đối với 23 trường hợp với tổng số tiền hơn 605 triệu đồng.

Sau khi nghe báo cáo từ lãnh đạo Sở TN&MT, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh đánh giá cao đóng góp của ngành TN&MT đối với tiến trình phát triển của thành phố. “Đà Nẵng được biết đến như là một thành phố du dịch, có môi trường sống tốt, sạch sẽ cũng nhờ những đóng góp rất lớn của ngành TN&MT”-ông Nguyễn Xuân Anh nói. Song song với đó, ông cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm cần phải nhìn nhận một cách trực diện để có hướng khắc phục trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn lực đất đai của thành phố không còn được dồi dào như trước. “Đà Nẵng đặt mục tiêu trở thành thành thành phố môi trường, thành phố an bình, sạch – xanh – đẹp, thế nhưng môi trường vẫn là vấn đề nóng và chưa được giải quyết triệt để, chưa đạt yêu cầu thành phố đề ra”- đồng chí Bí thư nhấn mạnh.

Ngành TN&MT vẫn chưa phát huy hết vai trò là cơ quan tham mưu chủ lực trên lĩnh vực TN&MT; chưa kịp thời giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt trên lĩnh vực đất đai; công tác thanh tra, kiểm tra trên lĩnh vực môi trường vẫn còn nhiều hạn chế, chưa kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm. Công tác quản lý khai thác khoáng sản, tài nguyên vẫn còn nhiều bất cập, bộc lộ nhiều yếu kém, mà ví dụ cụ thể là phía tây thành phố hiện đang “tan hoang như bãi chiến trường” dẫn đến dư luận không hay về những tiêu cực trong việc quản lý, cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản.

Cũng theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh, giai đoạn phát triển mới cũng đặt ra những yêu cầu nhiệm vụ mới đối với ngành, đặc biệt trên lĩnh vực môi trường vốn là lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm và thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. “Phải nhận thức rõ phát triển bền vững phải gắn với môi trường”-ông Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh.

Do vậy, ông đề nghị ngành tập trung tham mưu cho lãnh đạo thành phố các giải pháp khai thác, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ đất, đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng, phát triển thành phố. Ông cũng đặc biệt yêu cầu đôi với công tác cấp GCN Quyền sử dụng đất phải được quản lý hết sức chặt chẽ, không để xảy ra tiêu cực, làm thất thoát tài nguyên; đấu thầu, đấu giá đất phải công khai, minh bạch; và giải quyết những vấn đề còn tồn đọng liên quan đến thẩm định giá, giao đất, thu hồi đất, chuyển quyền sử dụng đất đối với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Mặt khác, tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, không để phát sinh các điểm nóng mới về môi trường; có cơ chế kiểm soát, chế tài phạt mạnh, thu hồi giấy phép, đóng cửa hoạt động đối với các cơ sở tái diễn vi phạm về môi trường. Đồng thời, tập trung phối hợp, bố trí các nguồn lực và phân kỳ xử lý các điểm nóng môi trường trên tinh thần phải quyết liệt. Bí thư Thành ủy yêu cầu 2 ngành Tài chính và Kế hoạch – Đầu tư phải ưu tiên cân đối ngân sách, bố trí vốn để ngành TN&MT đầu tư trang thiết bị thực hiện nhiệm vụ của ngành.

Trên lĩnh vực khai thác khoáng sản, Bí thư Thành ủy cũng đồng tình với ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn là cần phải quản lý chặt chẽ và rà soát lại việc cấp phép khai thác khoáng sản. “Phải có thanh tra, kiểm tra xem có tiêu cực trong việc cấp phép khai thác khoáng sản tại Hòa Vang hay không? Nếu có sai phạm phải có hướng xử lý”- ông Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Đối với công tác vệ sinh môi trường, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết chủ trương của thành phố là sẽ dần tiến đến xã hội hóa việc thu gom, xử lý rác để tăng tính cạnh tranh, tăng hiệu quả và giảm chi phí xử lý.

Cũng tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy đã thống nhất chủ trương các quận, huyện phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất TP tiến hành rà soát các dự án khu tái định cư đang triển khai dở dang để triển khai dứt điểm và có quỹ đất bố trí TĐC cho người dân, cũng như các dự án nên tạm dừng triển khai, yêu cầu chậm nhất ngày 15/9 phải báo cáo Thường trực UBND TP và Thường trực Thành ủy.

Bài & ảnh: Võ Hà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Phát triển bền vững phải gắn với môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO