Đà Nẵng: Những dòng kênh ô nhiễm quanh năm

21/09/2017 00:00

(TN&MT) - Mặc dù đã được đầu tư, nâng cấp và cải tạo nhưng nhiều tuyến kênh thoát nước thải trên địa bàn TP. Đà Nẵng vẫn đang gây ô nhiễm khiến người dân bức xúc.

Hàng chục năm nay, người dân sinh sống tại 2 tổ 130 và 131, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng phải sống chung với tình trạng nước thải đen ngòm, bốc mùi hôi thối lên từ dưới lòng kênh hở Hòa Xuân. Mặc dù tuyến kênh hở Hòa Xuân nằm sát Trạm xử lý nước thải Khuê Trung nhưng do đây là khu vực “hứng” trọn toàn bộ lượng nước thải sinh hoạt từ tuyến cống đường Hồ Nguyên Trừng ra hồ Khuê Trung và sông Cẩm Lệ nên nước thải vẫn không được xử lý triệt để dẫn đến tình trạng ô nhiễm kéo dài, đời sống người dân bị ảnh hưởng.

Có trạm xử lý vẫn ô nhiễm…

Dẫn chúng tôi ra sát bờ kênh hở Hòa Xuân dài gần 500m, ông Võ Một, ngụ tổ 131, phường Hòa Cường Nam, than phiền: “Mang tiếng là tuyến kênh có trạm xử lý nước thải nằm cạnh nhưng nước thải sau xử lý chảy ra kênh lại đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc cả ngày lẫn đêm khiến người dân chúng tôi không thể thở nổi. Do lòng kênh bị ô nhiễm nặng cũng khiến dịch bệnh và ruồi, muỗi phát triển đột biến khiến cuộc sống người dân thêm bất an”.

Ông Võ Đức Lâm, Chủ tịch phường Hòa Cường Nam cho biết, kênh hở Hòa Xuân dài chỉ vài trăm met nhưng đã khiến hơn 100 hộ dân trên địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề. Cách đây một tháng, lo sợ dịch bệnh lây lan nên lãnh đạo phường đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng TP tiến hành phun thuốc dọc kênh để diệt ruồi, muỗi. Ông Lâm cho hay, trên địa bàn phường có Trạm Xử lý nước thải Khuê Trung được đặt rất gần kênh hở Hòa Xuân nhằm xử lý nước thải tại khu vực này nhưng không biết đơn vị có thường xuyên xử lý nước thải hay không(?).

Kênh Phú Lộc thường xuyên xảy ra tình trạng cá chết do ô nhiễm nước thải
Kênh Phú Lộc thường xuyên xảy ra tình trạng cá chết do ô nhiễm nước thải

Người dân cho biết công trình công viên Thanh Niên rộng hơn 10ha mới được xây dựng xong để phục vục mục đích công cộng nhưng hiện nay vẫn vắng bóng người dân ra vào do không chịu nổi mùi hôi thối bốc lên từ lòng kênh Hòa Xuân và quanh lòng hồ Khuê Trung.

Tại khu vực quận Liên Chiểu, nhiều tuyến kênh dẫn nước thải có tổng chiều dài hơn 14 km như: tuyến kênh Phước Lý dẫn về hồ Hòa Phú, tuyến kênh từ hồ Bàu Sấu đến Trạm Xử lý nước thải Phú Lộc, một phần tuyến kênh Đa Cô dẫn về hồ Trung Nghĩa… cũng rơi vào tình trạng ô nhiễm do chưa có hệ thống thu gom nước thải, nước mưa theo quy định. Ông Lê Thế Nhân, Chủ tịch phường Hòa Minh cho biết cả phường có tới 3 tuyến kênh và 3 hồ chứa bị ô nhiễm nặng do một lượng lớn nước thải sinh hoạt trong dân vẫn chưa được xử lý trước khi xả ra kênh. Riêng tuyến kênh Đa Cô mặc dù đã xây dựng và cải tạo xong cách đây nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa đi vào vận hành khiến nước thải chảy qua khu vực này không thể thoát và ứ đọng gây ô nhiễm.

Đáng kể nhất là tuyến kênh Phú Lộc đi qua địa bàn phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê. Đây là khu vực nổi tiếng về mức độ ô nhiễm kéo dài khiến người dân bức xúc, nhất là mỗi khi tình trạng cá chết trắng kênh xảy ra vào mùa hè. Theo ông Huỳnh Thanh Hải, Chủ tịch phường Thanh Khê Tây, do kênh Phú Lộc (dài khoảng 1.8 km) nằm ở cuối nguồn của nhiều tuyến kênh và cống xả thuộc nhiều địa bàn lân cận khiến toàn bộ lượng nước thải đều chảy dồn về đây. Tại khu vực mươngKhe Cạn, Cầu Sắt, nơi giáp ranh với phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), do lượng nước thải chảy dồn về quá nhiều gây ứ đọng nước thải khiến tình trạng ô nhiễm không kéo dài.

Ô nhiễm là điều khó tránh khỏi

Ngoài khả năng dẫn nước thải, các tuyến kênh hở được đầu xây dựng nhằm mục đích làm trục thoát nước chính, làm giảm ngập úng ở nhiều khu vực. Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng cho biết, đơn vị đang tiếp nhận và quản lý hơn 19 kênh mương dẫn nước thải trên toàn địa bàn TP với tổng chiều dài gần 17 km. Nhưng hiện nay chỉ có 3 tuyến kênh gồm kênh Phú Lộc, kênh hở Hòa Xuân và kênh Phần Lăng là được TP đầu tư hệ thống thu gom, xử  lý nước thải; còn lại hầu hết các tuyến kênh còn lại đều đang trong tình trạng ô nhiễm do nước thải không được thu gom và xử lý riêng.

Ông Mã lý giải, tại khu vực kênh hở Hòa Xuân do trước đây chưa có hệ thống xử lý nước thải nên xảy ra tình trạng ô nhiễm. Hiện nay, một phần lượng nước thải tại đây đã được Trạm Xử ký nước thải Khuê Trung hút về hơn 1.000 m3/ngày đêm để xử lý bằng cách khử mùi, sau đó xả ra sông Cẩm Lệ; phần nước thải còn lại được Trạm Xử lý nước thải Hòa Xuân hút về để xử lý đạt chuẩn A, không còn gây ô nhiễm. Lượng nước thải còn lại được trạm cho người rải khoáng hóa để giảm mùi hôi.

Tuyến kênh Đa Cô chảy vào hồ Trung Nghĩa (quận Liên Chiểu) đang bị ô nhiễm do chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải
Tuyến kênh Đa Cô chảy vào hồ Trung Nghĩa (quận Liên Chiểu) đang bị ô nhiễm do chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải

Đối với những tuyến kênh chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải như Đa Cô, Yên Thế - Bắc Sơn, kênh Suối Đá, Hòa Minh, Phước Lý…, tình trạng ô nhiễm kéo dài dẫn đến hiện tượng cá chết như vừa qua là chuyện khó tránh khỏi. Tuyến kênh Phần Lăng (dài 1.1 km) đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thành và sẽ sớm đi vào hoạt động nhằm thu gom, xử lý lượng nước từ sân bay Đà Nẵng. Riêng tuyến kênh Yên Thế - Bắc Sơn (quận Cẩm Lệ), mặc dù đã có hệ thống thu gom nhưng hiện nay vẫn chưa thể đi vào vận hành do vướng nhiều khâu khác.

Về tình trạng ô nhiễm kéo dài tại tuyến kênh Phú Lộc, ông Mãi cho rằng do khu vực này tiếp nhận một lượng lớn nước thải  từ các kênh như Đa Cô, Khe Cạn, Yên Thế - Bắc Sơn… dẫn đến tình trạng ô nhiễm nặng như người dân phản ánh. Ngoài ra, mặc dù đã có Trạm Xử lý nước thải Phú Lộc, với  công suất 40.000 m3/ngày đêm nhưng hiện vẫn đang quá tải khiến nước thải tràn ra ngoài mỗi khi có mưa lớn. “Chủ trương đầu tư toàn bộ hệ thống thu gom nước thải trên toàn bộ các tuyến kênh đã có từ lâu nhưng việc đầu tư, nâng cấp phải có lộ trình do phụ thuộc vào nguồn vốn được cấp trong thời gian đến” - ông Mã giải thích.

Bài & ảnh: Xuân Lam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Những dòng kênh ô nhiễm quanh năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO