Đà Nẵng: Nhà đầu tư chặn đường ra biển của cộng đồng dân cư?

02/07/2017 00:00

(TN&MT) - Đà Nẵng đang đánh mất dần thương hiệu cũng như niềm tin của cộng đồng dân cư sở tại lẫn du khách thập phương vì những hạt sạn không đáng có.  

 

(TN&MT) - Bãi biển Đà Nẵng từng được vinh danh là bãi biển quyến rũ nhất hành tinh, xứng tầm đối với một TP trẻ hiện đại lớn thứ 3 của Việt Nam. Quá trình Đà Nẵng xây dựng thương hiệu và phấn đấu để đạt được những nét nổi bật như hôm nay không phải là ngày một, ngày hai. Nhưng, Đà Nẵng lại đang đánh mất dần thương hiệu cũng như niềm tin của cộng đồng dân cư sở tại lẫn du khách thập phương vì những hạt sạn không đáng có.

Những khu đất bỏ trống trên đường Hồ Xuân Hương do khai thác không hiệu quả
Những khu đất bỏ trống trên đường Hồ Xuân Hương do khai thác không hiệu quả

Đường xuống bãi biển công cộng, ai giao cho nhà đầu tư?

Phát triển là xu hướng tất yếu, nhưng sự phát triển đó có gắn liền với lợi ích của cộng đồng hay không? Hay là chỉ đem lại lợi nhuận cho những nhà đầu tư lớn? Một câu hỏi đang còn bỏ ngõ! Và cho đến nay các nhà đầu tư lớn vẫn độc quyền chiếm dụng không gian biển, từ đó biến cái chung thành tài sản riêng của họ!

Tại TP biển Đà Nẵng cũng không ngoại lệ! Ai đã vượt thẩm quyền giao bãi biển cho các nhà đầu tư? Vì trong điều luật không có quy định nào cho phép giao không gian biển cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, luật bất thành văn là các nhà đầu tư đã ngang nhiên chiếm dụng bãi biển và đường xuống bãi biển làm của riêng!

Hiện tượng các khu nghĩ dưỡng cao cấp và resort “nuốt rừng, độc quyền bãi biển” không còn là chuyện lạ ở Đà Nẵng từ nhiều năm nay. Không gian biển là tài sản chung và thuộc chủ quyền quốc gia. Nhưng, cư dân bản địa và du khách muốn tắm biển không phải dễ vì nhiều nơi không còn đường xuống biển!

Những khu đất bỏ trống trên đường Hồ Xuân Hương do khai thác không hiệu quả
Những khu đất bỏ trống trên đường Hồ Xuân Hương do khai thác không hiệu quả

Tước đoạt tiện ích và sinh kế của cộng đồng

Mục sở thị dọc cung đường này, PV Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường nhận thấy một dải bờ biển dọc theo đường Võ Nguyên Giáp từ Hồ Xuân Hương đến đường Minh Mạng thuộc phường Mỹ An và phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn đã bị bịt kín bởi các khu nghĩ dưỡng cao cấp và resort. Ngoài ra, còn có nhiều dự án khác xí phần đất dựng hàng rào che chắn không còn đường xuống biển. Muốn tắm biển, cư dân sở tại phải đi xa mới có đường xuống bãi tắm.

Hỏi chuyện đường xuống biển, ông Thái Văn Cát ở đường Hồ Xuân Hương nói đùa trong chua chát: “Nơi đây mang tiếng là vùng ven biển, nhưng giờ đây làm gì còn biển. Một dải đất dài hút tầm mắt, thành phố đã giao hết cho các nhà đầu tư, đất của họ nên họ xây bít hết không còn lối ra biển. Chúng tôi là cư dân bản địa, hơn 10 năm rồi đâu còn được tắm biển ở vùng Bắc Mỹ An này nữa! Trước đây, sớm chiều đi bộ tà tà chừng 10 phút là chân đã chạm bãi cát, chạy nhảy một hồi rồi lao xuống biển ngâm mình trong làn nước mát. Nay, muốn nhìn biển cũng chẳng được chứ nói đến tắm là điều hoàn toàn xa xỉ!”.

Đường Hồ Xuân Hương nối dài giao với đường Võ Văn Kiệt (thuộc phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) mấy mươi năm trước đã có 1 đường xuống bãi tắm Bắc Mỹ An.  Nhưng cách đây trên 10 năm, con đường này đã bị phong tỏa... 

Tại các buổi tiếp dân và tiếp xúc cử tri ở quận Ngũ Hành Sơn, nhiều năm qua người dân bức xúc đã kiến nghị chính quyền TP. Đà Nẵng yêu cầu nhà đầu tư mở đường xuống biển. Nhưng, nguyện vọng chính đáng đó của cư dân nơi đây đến bao giờ thành hiện thực vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng từ phía chính quyền TP. Đà Nẵng!

Chị Trần Thị Hồng Hà, một du khách đến từ Hà Nội lưu trú tại khách sạn Hemera, số 91 Hồ Xuân Hương cho biết: “Tôi rất hài lòng vì khách sạn này có không gian gần biển thoáng mát, nhưng điều bức xúc nhất của tôi cũng như khách lưu trú ở đây là không có đường xuống tắm biển mặc dù biển rất gần. Tôi và con phải đi bộ loanh quanh vẫn chưa tìm ra đường xuống biển, nắng quá đành dắt con đi về!”.

PV Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường khảo sát vài khách sạn tầm cỡ trong khu vực, qua tìm hiểu được biết công suất khai thác phòng bình quân chưa đến 40% vào mùa du lịch cao điểm. Nhà hàng ăn theo khách sạn, một mảnh đất trước đó được cho thuê làm nhà hàng vì thua lỗ nên đành tháo dỡ. Nguyên nhân cũng là không có đường xuống biển!

Được biết, trước đó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã chỉ đạo Sở Xây dựng nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch các dự án ven biển làm sao để có đường thông ra biển nằm giữa các dự án để người dân được tự do tắm biển.

Lối ra biển không còn, người dân kiến nghị nhiều lần, chính quyền cũng đã vào cuộc. Nhưng mãi cho đến nay, các chủ đầu tư vẫn kiên quyết không trả lại đường ra biển cho cộng đồng! Chặn đường xuống biển, riêng biệt chỉ làm lợi cho một ông chủ hoặc nhóm lợi ích nào đó. Nhưng, cái mất lớn lao hơn trong hiện tại và tương lai là khai thác tiềm năng du lịch, quan yếu nhất là suy giảm niềm tin trong cộng đồng xã hội!

Quá trình Đà Nẵng xây dựng thương hiệu và phấn đấu để đạt được những nét nổi bật như hôm nay không phải là ngày một, ngày hai. Nhưng, Đà Nẵng đang đánh mất dần thương hiệu cũng như niềm tin của cộng đồng dân cư sở tại lẫn du khách thập phương vì những hạt sạn không đáng có!

  Bài & ảnh: Lương Phong – Anh Dũng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Nhà đầu tư chặn đường ra biển của cộng đồng dân cư?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO