“Biến” rác thành… tiền
Từ nhiều năm qua, mỗi cuối tuần, người dân phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng lại í ới gọi nhau xách bao, túi, thùng đi “tặng rác” cho tổ Phụ nữ để bán, lập quỹ hỗ trợ phụ nữ, trẻ em nghèo.
Chị Đỗ Thị Thúy Hà- Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khối phố Thanh Sơn 1A, phường Thanh Bình chia sẻ: 12 năm nay, kể từ khi phong trào thu gom rác thải, phân loại tại nguồn được phát động, chị em trong khu phố hưởng ứng tích cực. Lúc mới triển khai phong trào phân loại rác thải tại nguồn, thu gom những loại rác có thể tái chế hoặc tái sử dụng, chị em phụ nữ không mấy hưởng ứng. Tuy nhiên, các thành viên Hội phụ nữ của khu phố, của phường vẫn động viên nhau lặng lẽ thực hiện, rồi chia nhau đi từng nhà hướng dẫn chị em cách phân loại, làm sao để vừa vệ sinh, gọn gàng ngăn nắp trong nhà mà vẫn có phế thải, phế liệu có thể góp được. “Mưa dầm thấm lâu”, nay thì việc phân loại rác không chỉ chị em làm, mà thành nếp chung trong mỗi gia đình, hễ có giấy, bìa, vỏ lon bia, nước ngọt, đồ nhựa hay kim loại không dùng đều được cất giữ riêng, không bỏ chung với rác hữu cơ, thúc ăn thừa… như trước. Cứ 2 tuần một lần, các chị trong tổ phụ nữ lại đẩy xe đi thu gom từng nhà.
“Mỗi lần thu xong bán cũng được vài trăm ngàn. Quỹ học bổng “Ước mơ xanh” cũng nhờ thế mỗi năm thêm lớn, góp phần giúp đỡ cho trẻ em nghèo, đồng thời cũng là góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian thu gom, xử lý rác của thành phố, vừa bảo vệ môi trường.”- chị Đỗ Thị Thúy Hà cho biết.
Bà Tăng Hoàng Hôn Thắm- Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Đà Nẵng cho biết, từ năm 2005, Hội LHPN TP đã triển khai mô hình “Thu gom rác thải tại hộ gia đình”, với mục đích vận động chị em thu gom, phân loại rác thải, góp phần giảm thiểu tình trạng thải rác khó phân hủy ra môi trường sống, giảm được gánh nặng xử lý rác thải cho thành phố, đồng thời tận dụng các sản phẩm từ rác bán gây quỹ hoạt động cho Chi hội và thực hiện công tác an sinh xã hội tại địa phương.Hiện nay trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã duy trì hoạt động 964 nhóm/CLB Sống xanh với 16.202 thành viên và 80% Chi hội thực hiện các mô hình “Thu gom phân loại rác thải”, “Tận dụng vải bạt cũ may túi đi chợ, thay thế túi nilông”,…
“Việc xử lý rác thải sinh hoạt vốn khó giải quyết tận gốc. Nhưng từ khi có mô hình thu gom rác của các cấp Hội phụ nữ đã giải quyết hợp lý và hiệu quả số lượng lớn rác từ các hộ gia đình của đông đảo chị em phụ nữ trong TP. Kết quả đã khiến nhiều người bất ngờ”- bà Tăng Hoàng Hôn Thắm cho biết.
Nâng cao trách nhiệm cộng đồng
Ông Đặng Quang Vinh- Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đà Nẵng cho biết: Lượng rác thải của thành phố đang tăng lên nhanh chóng từ 750 tấn/ngày,đêm cách đây 2 năm thì đến nay đã tăng lên 950 tấn/ngày đêm. Theo dự báo của Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng, bãi rác Khánh Sơn sẽ phải đóng cửa vào năm 2020. Thành phố cũng đã có chủ trương xúc tiến đầu tư vào Khu liên hợp xử lý chất thải rắn. Tuy nhiên, dự án phải mất đến 3 năm mới có thể đi vào hoạt động. Để kéo dài tuổi thọ của bãi rác Khánh Sơn, giảm thiểu lượng rác thải chôn lập, TP đang tích cực triển khai mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn mà cách làm của hội phụ nữ thành phố là một điển hình.
Bên cạnh mô hình “Thu gom phân loại rác thải” của Hội LHPN TP, từ năm 2017 đến nay, TP. Đà Nẵng đã phối hợp với thành phố Yokohama (Nhật Bản) triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn tại 02 phường thuộc quận Hải Châu bước đầu đã đạt kết quả tích cực trong tuyên truyền, vận động về xử lý rác thải. Thành phố đã triển khai phân loại rác thải thông qua hoạt động tuyên truyền, vận động để người dân tự phân thành 2 loại rác: Rác tài nguyên và rác chôn lấp để tái sử dụng, nhằm giảm thiểu lượng rác thải đưa ra môi trường. Thời gian tới, TP sẽ tiếp tục triển khai tại 2 phường thuộc quận Hải Châu, Thanh Khê và nhân rộng lên toàn thành phố.
Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu Môi Trường và Cộng đồng Việt Nam (CECR) đã quyết định chọn Đà Nẵng để triển khai dự án Đại dương không nhựa: Chương trình thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa vì một cộng đồng khỏe mạnh và thành phố xanh" tại hai quận Thanh Khê và Sơn Trànhằm góp phần hiện thực hoá mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành “Thành phố Xanh và Thông minh”. Qua đó, đóng góp cho mục tiêu quan trọng trong Chiến lược Quản lý Chất thải rắn tại Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để Chiến lược này có thể thành công, đòi hỏi phải có các quy định và chính sách tốt cũng như sự thay đổi hành vi và sự tham gia tích cực của mọi công dân, mọi doanh nghiệp trong công tác phân loại, tái chế rác thải rắn, đặc biệt là rác thải nhựa.
Bà Nguyễn Ngọc Lý- Giám đốc CECR cho rằng: Sở dĩ việc phân loại rác thải tại nguồn đã triển khai từ rất lâu nhưng không hiệu quả vì giữa chính sách của nhà nước và người dân chưa gặp được nhau khi cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, tuyên truyền chưa sâu rộng. Trong khuôn khổ dự án muốn nhấn mạnh trách nhiệm của từng công dân đối với xã hội trong bảo vệ môi trường. Cùng với việc Đà Nẵng đang xúc tiến đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn nhằm nâng cao hiệu quả tái chế chất thải rắn thì chắc chắn việc phân loại rác thải tại nguồn sẽ đạt được nhiều thành công.
“Chúng ta phải có trách nhiệm tham gia bảo vệ môi trường bởi vì chính chúng ta thải ra rác. Do vậy đây là hành động để công dân thể hiện trách nhiệm đối với xã hội mà cần được giáo dục, tuyên truyền sâu rộng và mỗi người cần làm một cách tự nhiên để trở thành văn hóa. Dự án mong muốn tạo cơ hội cho tất cả mọi người cùng tham gia. Một mặt hỗ trợ cho nhà nước, một mặt hỗ trợ cho chúng ta, đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững hơn.”- bà Lý nhấn mạnh.