Đà Nẵng lý giải nguyên nhân thiếu nước sinh hoạt

08/11/2018 11:38

(TN&MT) - Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng vừa có thông cáo báo chí thông tin về nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu nước sạch như hiện nay là do nguồn nước thô tại sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn.

Nhà máy nước Cầu Đỏ Đà Nẵng ở hạ du liên tục bị nhiễm mặn
Nhà máy nước Cầu Đỏ Đà Nẵng ở hạ du liên tục bị nhiễm mặn

Theo đó, Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết, từ ngày 31/10 đến ngày 7/11 độ mặn dao động từ 372 mg/l đến 4. 374 mg/l và là mức cao nhất tính từ đầu năm 2018, do vậy trạm bơm phòng mặn An Trạch phải vận hành 24/24 giờ. Trước đó, Dawaco đã gửi văn bản đến Công ty Cổ phần thủy điện Dak Mi 4 và Công ty Cổ phần thủy điện A Vương về tình hình nhiễm mặn và đề nghị các thủy điện có phương án xả nước hợp lý về sông Yên để nguồn nước thô tại Cầu Đỏ không bị nhiễm mặn, mực nước tại An Trạch ở mức trên 1,5m cho các máy bơm hoạt động được.

Đồng thời, UBND thành phố cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị chỉ đạo các chủ hồ chứa ở thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn vận hành xả nước với chế độ phù hợp để đảm bảo nguồn nước cung cấp cho thành phố Đà Nẵng

Trước thực trạng trên, Sở Xây dựng đã ban hành công văn về việc triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo cấp nước an toàn, trong đó yêu cầu Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng khẩn trương tập trung nhân lực, trang thiết bị để triển khai các giải pháp đảm bảo cấp nước an toàn đã được UBND thành phố thống nhất nhằm kịp thời đáp ứng như cầu sử dụng nước sạch của người dân thành phố.

Sở cũng đã báo cáo UBND thành phố nội dung tổng thể các dự án cấp nước trên địa bàn thành phố, trong đó có đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài như tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành dự án nâng công suất nhà máy nước Cầu Đỏ (giai đoạn 160.000 m3/ngđ) và dự án Nhà máy nước hô Hòa Trung (10.000 m3/ngđ) vào tháng 3/2019.

Cuộc sống của người dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng gặp khó khăn khi thiếu nước sinh hoạt
Cuộc sống của người dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng gặp khó khăn khi thiếu nước sinh hoạt

Đầu tư các tuyến ống cấp nước chính để kịp thời truyền tải nước sạch đến các khu vực có áp lực yếu; đẩy mạnh công tác tuyên truyền sử dụng nước tiết kiệm.  Đầu tư các trạm bơm tăng áp theo quy hoạch được duyệt. Giải pháp đảm bảo nhu cầu sử dụng nước sau năm 2020 là xây dựng công trình ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ để kịp thời bổ sung nguồn nước thô cho nhà máy nước Cầu Đỏ và nhà máy nước sân bay sau khi nâng cấp.

Tiếp tục đầu tư xây dựng dự án nâng công suất nhà máy nước Cầu Đỏ thêm 60.000 m3/ngđ (giai đoạn 2). Đầu tư xây dụng nhà máy nước Hòa Liên giai đoạn 1 (công suất 120.000 m3/ngđ) hoàn thành vào cuối năm 2020 va tiếp tục nghiên cứu giai đoạn 2 là 120.000 m3/ngđ) theo quy hoạch cấp nước đã được phê duyệt.  Tiếp tục đầu tư các tuyến cống cấp nước chính theo dự án mở rộng hệ thống cấp nước Đà Nẵng.

Như báo TN&MT đã phản ánh, khoảng vài ngày gần đây, cuộc sống của người dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng gặp khó khăn khi thiếu nước sinh hoạt. Có khu vực người dân phải mua nước bình về sử dụng để nấu ăn, tắm giặt. Theo ông Hồ Hương - Tổng Giám đốc Dawaco, việc đẩy mặn trên sông Cầu Đỏ trông chờ rất nhiều vào các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia, Thu Bồn (Quảng Nam) xả nước. Nhưng hiện mực nước ở các hồ thủy điện cũng đang rất thấp. Chỉ có thủy điện Đăk Mi 4 còn được 11m nước (thấp hơn cả mức bình thường trước đón lũ); trong khi thủy điện A Vương thấp hơn mực nước bình thường trước đón lũ tới 30m.

“Mực nước trung bình tại Trạm quan trắc Ái Nghĩa là 2,6 - 2,7m nhưng mấy ngày nay nhiều lúc chỉ còn 1,8m - 1,9m. Tình hình đang cực kỳ căng thẳng. Nếu trời tiếp tục không mưa, khả năng thiếu nước sinh hoạt cung cấp cho TP sẽ đến rất sớm, ngay từ cuối năm chứ không phải đợi đến mùa hè năm sau”- Tổng Giám đốc Dawaco Hồ Hương lo lắng.

Dawaco hiện đã phát thông báo tới khách hàng dùng nước trên toàn TP cho biết và khuyến khích các khách hàng trên toàn TP sử dụng nước tiết kiệm nước trong thời gian này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng lý giải nguyên nhân thiếu nước sinh hoạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO