Theo báo cáo, từ chủ trương của UBND TP. Đà Nẵng vào năm 2014, Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng (GPXD) tạm (có thời hạn) trên địa bàn TP gồm 10 tuyến đường có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, với khoảng 743 GPXD.
Qua rà soát riêng trên địa bàn quận Sơn Trà, Sở Xây dựng cho thấy hầu hết các công trình nhà hàng, quán tạm chủ yếu kinh doanh trên các tuyến đường Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp với tổng cộng 55 công trình. Trong đó, có 38 công trình có GPXD tạm (còn hạn sử dụng 32 công trình, hết hạn 6 công trình), 17 công trình không có GPXD, tự ý chuyển đổi công năng từ nhà ở, biệt thự sang nhà hàng. Trong số 17 hàng quán không phép, nhiều quán nổi tiếng về hải sản tại Đà Nẵng.
Cũng theo Sở Xây dựng, đa số các nhà hàng, quán tạm đều xây dựng lấn chiếm phần diện tích khoảng lùi 4 m (diện tích đậu xe) phía trước để làm trụ sắt, bạt kéo phục vụ mục đích kinh doanh, buôn bán, gây mất mỹ quan đô thị. Ngoài ra, một số công trình được chuyển đổi công năng từ nhà ở, nhà biệt thự sang nhà hàng.
Từ kết quả rà soát, Sở Xây dựng đề nghị UBND TP. Đà Nẵng chỉ đạo UBND các quận, huyện chủ trì, có kế hoạch yêu cầu chủ đầu tư (CĐT) tự tháo dỡ trước trong quý II/2019, để xây dựng theo đúng quy hoạch được duyệt đối với các công trình xây dựng không phép hoặc hết thời hạn sử dụng. Trường hợp CĐT không tự tháo dỡ sẽ bị cưỡng chế phá dỡ và CĐT, chủ cho thuê quyền sử dụng đất phải chịu mọi chi phí cho việc phá dỡ công trình.
Sở Xây dựng cũng đề nghị UBND TP xem xét đồng ý chủ trương bãi bỏ việc cấp phép tạm (có thời hạn). Việc cấp phép xây dựng phải thực hiện đúng theo quy định tại Điều 94, Luật Xây dựng số 50/2014/QH13.
Đối với các công trình trước đây đã cấp phép xây dựng tạm mà CĐT tự ý xây dựng lấn chiếm phần khoảng lùi phía trước 4 m, xây dựng vượt tầng, Sở Xây dựng đề nghị UBND TP giao UBND các quận, huyện chỉ đạo Đội kiểm tra quy tắc đô thị, UBND các phường, xã nơi xây dựng công trình tháo dỡ phần sai phạm nêu trên, để trồng cây xanh làm diện tích đậu xe theo mẫu đã được UBND TP thống nhất. Sở Xây dựng cũng đề nghị UBND TP giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện rà soát kiểm tra việc bảo vệ môi trường của các nhà hàng, quán tạm.
Trong đó, đặc biệt lưu ý đến vấn đề xả nước thải, vì đa số các nhà hàng, quán tạm đều không có hệ thống xử lý nước thải sơ bộ trước khi đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị. Trước đó, cũng trên tuyến đường ven biển - du lịch Võ Nguyên Giáp, nhiều công trình xây dựng lại ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè làm nơi tập kết vật liệu xây dựng và để xe khiến nhiều du khách phải đi xuống lòng đường và bức xúc.
Thanh tra Sở GTVT TP. Đà Nẵng sau đó lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường, đường sắt về hành vi để vật liệu đất đá, phương tiện thi công ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 13 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, yêu cầu khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Trong một diễn biến khác, như Báo TN&MT đã thông tin trước đó, trước thực trạng nước thải ô nhiễm ào ạt chảy ra biển ngày một nhiều mỗi khi có mưa lớn, để tìm hiểu nguyên nhân nguồn gốc lượng nước thải trên, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra và phát hiện loạt khách sạn lớn dọc tuyến đường biển Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà, quận Ngũ Hành Sơn) có nhiều sai phạm liên quan đến hồ sơ môi trường, cấp phép đấu nối xử lý nước thải, khai thác nước dưới đất...
Theo đó, các khách sạn bị đề nghị xử phạt về nước thải gồm: khách sạn Balcona Đà Nẵng, TMS Luxury, Risemount Premier Đà Nẵng, Parosand Đà Nẵng, Paris DeliLuxtery, Sea Castle 2, Lê Hoàng, Hùng Anh, Zentimeter, Parze Ocean, Misa, Sea Front.
Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND TP. Đà Nẵng chỉ đạo Sở Xây dựng, UBND quận Sơn Trà, quận Ngũ Hành Sơn xem xét, xử lý vi phạm đối với hàng loạt trường hợp vi phạm về cấp phép xây dựng. Trong đó, bốn khách sạn tăng thêm phòng lưu trú gồm: khách sạn Golden Star (từ 49 lên 60 phòng), Aria Grand Hotel (từ 40 lên 73 phòng), Aria (tăng từ 48 lên 69 phòng), Queen’s Finger Hotel (từ 49 lên 54 phòng).
Ngoài ra, tại quận Ngũ Hành Sơn và quận Sơn Trà có hàng chục khách sạn vi phạm những nội dung khác như chưa có hồ sơ đấu nối thoát nước thải, không đúng cam kết tại hồ sơ môi trường đã được phê duyệt, khai thác nước dưới đất nhưng không đăng ký, không có giấy phép xây dựng...