Đà Nẵng: Hiệu quả từ cải cách hành chính trong quản lý đất đai

30/07/2015 00:00

(TN&MT) - Việc ban hành chính sách hỗ trợ và khuyến khích trả nợ sớm tiền sử dụng đất đối với các hộ gia đình, cá nhân được giao quyền sử dụng đất là một trong những cải cách thủ tục hành chính đất đai của UBND TP. Đà Nẵng, rất được người dân đồng tình, ủng hộ.

Gỡ vướng tài chính

Theo đó, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất có ghi nợ tiền sử dụng đất phải nộp trước và sau thời điểm ngày 1/7/2014 (bao gồm cả trường hợp được bố trí đất tái định cư và không thuộc diện tái định cư), nếu thanh toán nợ trước hạn thì được hỗ trợ giảm trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp theo mức hỗ trợ là 2%/năm của thời hạn trả nợ trước hạn tính trên số tiền sử dụng đất trả nợ trước hạn.

Nếu trả nợ tiền sử dụng đất kể từ ngày ban hành quyết định này đến ngày 30/6/2015: Được hỗ trợ lãi suất với mức giảm bằng 30% tổng số tiền lãi phát sinh (nếu có). Nếu trả nợ từ ngày 1/7/2015 đến ngày 31/12/2015: Được hỗ trợ lãi suất với mức giảm 25% tổng số tiền lãi phát sinh (nếu có). Chính sách này được áp dụng đối với trường hợp nợ tiền sử dụng đất trước ngày 1/3/2011 nay trả hết nợ hoặc trả nợ một phần tiền sử dụng đất. Trường hợp trả nợ một phần thì số tiền được hỗ trợ để khuyến khích trả nợ sớm được tính theo tỷ lệ trên cơ sở số tiền thực trả và số tiền nợ đến thời điểm thanh toán.

Quy hoạch thiếu thực tế dẫn đến khiếu kiện
Quy hoạch thiếu thực tế dẫn đến khiếu kiện

Được biết, trong thời gian qua, Đà Nẵng đã chuyển dịch đất đai theo cơ chế “Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch”, sau đó đưa đất sạch vào đấu giá. Khi thu hồi đất không thực hiện bồi thường chủ yếu bằng tiền mà sử dụng tiền kết hợp với nhà ở, đất ở. Điều này đã khiến cho quỹ đất của thành phố được sử dụng hiệu quả và người dân hết sức đồng tình.

Tăng nguồn thu từ đất

Hơn 15 kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng từ chỗ là một đô thị nghèo, thu ngân sách Nhà nước hạn hẹp, nay đã có bước phát triển mạnh mẽ. Từ năm 2003 đến nay, tính riêng nguồn thu từ đất vào ngân sách Nhà nước, Đà Nẵng đã huy động được trên 20.000 tỷ đồng để tái đầu tư cho phát triển hạ tầng đô thị và xã hội. Bên cạnh đó, Đà Nẵng đã cho nhân dân trả chậm tiền sử dụng đất khoảng 6.845 tỷ đồng, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân có đất bị thu hồi, ổn định cuộc sống mới sau giải tỏa.

Từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã thực hiện thu hồi đất, giao đất và cho thuê đất để triển khai hơn 1.390 dự án với tổng diện tích hơn 17.500 ha, trong đó có 207 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép với tổng vốn đầu tư hơn 3,12 tỷ USD; chuyển mục đích trên 500 ha đất quốc phòng để thực hiện hơn 150 dự án phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Với sự đồng thuận của chính quyền và người dân, hơn 95.000 hộ dân đã giải tỏa, di dời đất đai, nhà ở để xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố văn minh, hiện đại. Nhờ vậy, diện mạo của thành phố thay đổi, cuộc sống của người dân được cải thiện.

Xác định công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thực hiện chính sách thu hồi đất đai là vấn đề then chốt trong đô thị hóa, Đà Nẵng chủ trương chọn đây là khâu đột phá trong phát triển hạ tầng đô thị. Tập trung quản lý chặt chẽ chất lượng đồ án quy hoạch nhằm nâng cao giá trị tài nguyên đất, giải quyết tốt việc phân chia bình đẳng phần giá trị tăng thêm của đất đai gắn với hạ tầng mới đầu tư và đảm bảo phát triển đúng quy hoạch. Nhiều chính sách tài chính đất đai riêng có ở Đà Nẵng, được UBND TP. Đà Nẵng triển khai rất hiệu quả như: Chính sách về thưởng tiến độ bàn giao mặt bằng đối với những hộ giải tỏa chấp hành bàn giao mặt bằng đúng thời gian quy định, chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất, chính sách đối với công tác tái định cư.

Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng được chuyên môn hóa cao, thể hiện sự quan tâm thiết thực đến lợi ích của người dân và được quán triệt đầy đủ, nhất quán đối với tất cả các dự án trên địa bàn. Nhờ vậy, việc thực hiện giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư khá công bằng, minh bạch, giảm thiểu tình trạng khiếu kiện của công dân. Mọi vấn đề liên quan đến đền bù, giải tỏa, bố trí tái định cư đều có sự tham gia trực tiếp của chính quyền địa phương từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc dự án. Trong các trường hợp khiếu kiện đặc biệt, Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp bố trí tiếp dân, lắng nghe, chỉ đạo giải quyết các kiến nghị.

 Chính nhờ giải quyết cụ thể, kịp thời và thỏa đáng quyền lợi của nhân dân, minh bạch trong xử lý thủ tục hành chính mà Đà Nẵng đã trở thành một địa phương đi đầu trong cả nước về việc nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân trong các khâu đền bù, tái định cư, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng để quy hoạch xây dựng, tăng thu giá trị từ đất.    

Bài và ảnh: Xuân Lam

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Hiệu quả từ cải cách hành chính trong quản lý đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO