Ông Nguyễn Đính - Trưởng thôn An Trạch, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang cho biết, tuyến đường vành đai Hòa Phước - Hòa Khương khi thi công qua thôn An Trạch đã cắt ngang đường liên thôn, đây là tuyến đường huyết mạch, hàng ngày phục vụ việc đi lại, làm ăn sinh sống, trẻ em tới trường… của người dân trong thôn và xã Hòa Tiến. Để nối liền con đường liên thôn, Ban Quản lý dự án đã cho thi công một con đường ngược lên phía Bắc, chui qua gầm cầu bắt qua sông Yên của đường vành đai.
Về phía Nam, Ban Quản lý dự án cũng cho thi công một cống thoát nước qua đường vành đai, nhưng theo ý kiến của người dân, cống này không tác dụng. Theo người dân, cần phải thi công một cống thoát nước ngay tại nơi đường liên thôn bị đường vành đai cắt ngang, vừa đảm bảo giao thông thuận lợi, vừa có tác dụng thoát lũ khi mùa mưa đến. Thêm nữa, đường vành đai chạy qua thôn An Trạch, nhưng người dân không thể lên đường vành đai cao hơn mặt bằng thôn đến gần 3 mét.
Chính vì những bất cập đó, người dân đã đề nghị phải làm đường để từ thôn lên được đường vành đai thuận tiện cho việc tham gia giao thông. Thời gian qua, người dân cũng nhiều lần phản đối, không cho đơn vị thi công, thi công đoạn cắt ngang đường liên thôn, dự án đang trong tình trạng có nguy cơ chậm tiến độ.
Qua tìm hiểu của PV, được biết, trước đó, đơn vị thi công dự án đường vành đai đã cho đổ đất, vật liệu chắn ngang tuyến đường liên thôn, trong khi chưa thi công đoạn đường nối liền đường liên thôn như đã nêu trên. Có thể nói đây là việc làm thiếu trách nhiệm, khi người dân phản đối, đơn vị thi công mới tiến hành làm đoạn đường nối liền tuyến đường liên thôn.
Tuy vậy, theo đánh giá của người dân, đoạn đường chui qua gầm cầu sông Yên, chỉ cách bờ sông chưa đầy 20 mét, nhưng không hề có lan can, rào chắn đảm bảo an toàn, nhất là trong mùa mưa lũ, đây là khu vực luôn nằm trong tình trạng ngập lụt nặng. Hơn nữa, cống thoát nước tại đoạn đường nối liền đường liên thôn này lại thi công theo kiểu “ngược đời”, tức là nằm sâu dưới đất so với mặt bằng tới hơn 1 mét, tạo thành một hố xoáy sâu, vô tình đã trở thành một cái “bẫy” nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Xuôi về phía Nam, cách đoạn đường liên thôn cũ đã bị đường vành đai chắn ngang, đơn vị thi công cho xây dựng một đường cống chạy ngang đường vành đai, nhưng đáy cống lại thấp hơn mặt bằng hai bên đến hơn 70cm, hoàn toàn không có tác dụng thoát nước. Trong mùa mưa năm 2018 vừa qua, nước ngập úng nặng tại khu vực, đã làm hơn 7ha đất nông nghiệp tại thôn hiện nay không thể canh tác. Đến mùa nắng này lại khô cháy, vì không có nguồn nước tưới.
Với những bức xúc ngổn ngang đó, người dân đã có ý kiến và ngăn cản đơn vị thi công công trình đường vành đai. UBND huyện Hòa Vang đã tổ chức họp nhân dân tới 7 lần, vận động người dân không ngăn cản thi công, nhưng ý kiến của người dân trước sau như một, yêu cầu Ban Quản lý dự án đường vành đai phải xem xét, nghiên cứu thi công sao cho hợp lý trước những ý kiến của người dân.
Mới đây, ngày 23/4/2019, UBND TP. Đà Nẵng đã có Công văn về việc “liên quan đến phương án kết nối đường liên thôn nối thôn An Trạch với đường Hòa Phước - Hòa Khương”, và đã thống nhất phê duyệt xây dựng tuyến đường này, với kinh phí 2,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa hoàn toàn thống nhất để đơn vị thi công tiếp tục thi công dự án.
Tại một cuộc họp với nhân dân trong khu vực mới đây, ông Trần Văn Trường - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hòa Vang đã bày tỏ quan điểm đồng ý với ý kiến của người dân, đề nghị chính quyền thành phố, ngành chức năng, Ban Quản lý dự án đường vành đai Hòa Phước - Hòa Khương cho mở đường cống ngay tại điểm mà đường vành đai đã cắt qua đường liên thôn An Trạch.
Ông Trường cũng cho rằng, cần khẩn trương cho thi công đường đấu nối giữa đường liên thôn An Trạch với đường Hòa Phước - Hòa Khương. Người dân tin tường rằng, chính quyền thành phố, ngành chức năng sẽ sớm xem xét, nghiên cứu ý kiến của người dân, để họ được đảm bảo, không làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt bình thường như trước đây.