Đà Nẵng đậy nắp sông Phú Lộc: Lãng phí tiền của, gây ô nhiễm

05/08/2015 00:00

(TN&MT) -Sở TN&MT TP Đà Nẵng vừa tổ chức cuộc họp đánh giá tác động môi trường dự án "Cải tạo môi trường kênh thoát nước sông Phú Lộc". Tại cuộc họp này, 100% ý...

 

(TN&MT) - Lâu nay, mùi hôi trên sông Phú Lộc (TP. Đà Nẵng) đã trở thành “điểm nóng” ô nhiễm môi trường tại thành phố này, mới đây, Sở Tài nguyên & Môi trường (TN-MT) Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp Hội đồng đánh giá tác động môi trường dự án “Cải tạo môi trường kênh thoát nước sông Phú Lộc”. Tại cuộc họp này, 100% ý kiến của các chuyên gia đều đồng ý quan điểm “phải dừng ngay dự án vốn quá lãng phí và làm xấu môi trường”.

Đất, cát liên tục bòi lấp cửa sông, nếu dự án lắp bê tông xây dựng vườn hoa, sân chơi trên mặt cửa sông sẽ có nguy cơ làm mất dòng chảy và gây ô nhiễm
Đất, cát liên tục bòi lấp cửa sông, nếu dự án lắp bê tông xây dựng vườn hoa, sân chơi trên mặt cửa sông sẽ có nguy cơ làm mất dòng chảy và gây ô nhiễm

Lãng phí và gây thêm ô nhiễm

Theo thiết kế, dự án sẽ đổ sàn bê tông phủ trên mặt sông Phú Lộc (quận Thanh Khê) với chiều dài hơn 200m, ngay đoạn cửa sông. Bên dưới sẽ đóng 142 chiếc cọc nhồi, trên sàn trồng cây xanh, tạo khu vui chơi cho người dân, đồng thời thông thêm hàng chục lỗ thông gió. Tổng diện tích sử dụng 14.476m2, với mức đầu tư gần 126 tỷ đồng, do UBND TP. Đà Nẵng làm Chủ đầu tư. Theo kế hoạch sẽ triển khai trong năm nay. Dự án được phê duyệt tại Quyết định 1770/QĐ-UB ngày 31/3/2015 nhưng chiều ngày 31/7/2015 mới họp Hội đồng đánh giá tác động môi trường (ĐMT) theo quy trình ngược, mà lẽ ra phê duyệt báo cáo ĐMT rồi mới phê duyệt dự án.

Tuy nhiên, khi đưa ra Hội đồng đánh giá tác động môi trường dự án, 100% ý kiến của các chuyên gia đều đồng ý quan điểm phải dừng ngay dự án. “Dự án có tên là cải tạo môi trường, nhưng không hề đưa ra biện pháp nào để khắc phục ô nhiễm môi trường ở đây, mà tập trung vào việc tạo cảnh quan, khu vui chơi. Chúng ta nên hiểu đây thực chất là một công viên trên bề mặt sông, trước nay chưa có công viên nào đầu tư  lớn và có nhiều hệ lụy đến vậy” - ông  Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng nói. Hệ lụy được ông Thắng chỉ ra: khi đổ bê tông trên mặt sông sẽ thu hẹp diện tích tiếp xúc ánh nắng mặt trời của dòng nước, quá trình hiếu khí bị suy giảm nên sinh ra mùi hôi thối. Người trên bờ không chịu được, người đi thuyền dưới sàn hít khí này sẽ vô cùng độc hại. Thứ hai, việc trồng cây trên sàn bê tông yếu, mỏng sẽ không thể nào trụ được nếu có bão. Thứ ba, 142 chiếc cọc nhồi cắm ngay cửa sông sẽ cản trở dòng chảy, gây khó khăn cho tàu thuyền qua lại.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Cát (Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng) cũng cho rằng dự án này được triển khai coi như mặt sông sẽ bị bịt kín. Việc bịt kín mặt sông sẽ khiến hệ thống thủy sinh bên trong lòng sông vốn là hầm này sẽ thay đổi, và không khéo khúc sông này còn ô nhiễm hơn. Việc biến sông hở thành sông kín chẳng những không cải tạo được môi trường mà còn có tác dụng ngược lại. KTS Hoàng Quang Huy - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng cho rằng, mục tiêu ban đầu của dự án này là “nhằm giải quyết nạn ô nhiễm môi trường”, thế nhưng với những gì mà đơn vị điều hành dự án báo cáo đã cho thấy “đây chỉ là một hình thức đầu tư vườn hoa”. Chính vì vậy, theo ông Huy, đổ vào đây 126 tỉ đồng chỉ để làm một vườn hoa là một quyết định quá vội vàng, gây lãng phí tiền của. Cũng theo ông Huy, vườn hoa và sân vui chơi trẻ em này không thể phát triển bền vững vì ở ngay cửa sông, trực diện với vịnh Đà Nẵng và hướng thẳng góc với Biển Đông, nơi đón gió, mưa bão (vào mùa mưa) và nắng nóng gay gắt vào mùa khô. Lớp đất đổ trên mặt sàn BTCT chỉ dày 0,8 ~ 1,00m làm sao trồng và phát triển được cây rễ cọc, cây tán lớn, cây cổ thụ cao, thấp, lá bàn, lá kim… tạo thành những mảng rừng đứng vững trước mưa gió, bão, che chắn được nắng nóng gay gắt và cát bụi bay từ biển vào? Đặc biệt là làm sao khử mùi hôi, điều tiết vi khí hậu để hoàn thành việc “cải tạo môi trường” dù chỉ ở một đoạn ngắn cửa sông Phú Lộc?

Trước tình hình đó, Hội Quy Hoạch Phát triển đô thị Đà Nẵng cho hay, theo đề nghị của Sở TN-MT Đà Nẵng, Hội Quy Hoạch Phát triển đô thị Đà Nẵng vừa có văn bản 46/QH.VP gửi Sở này để phản biện nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án “cải tạo môi trường kênh thoát nước sông Phú Lộc”. Theo đó, sau khi nghiên cứu nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường về dự án “cải tạo môi trường kênh thoát nước sông Phú Lộc” (do Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng lập, UBND TP. Đà Nẵng làm chủ đầu tư, Ban Giao thông công chính Đà Nẵng điều hành dự án), và thực địa kiểm tra thực trạng đoạn sông chính chảy trên địa bàn phường Hòa Minh, Hội cho rằng, dự án này lấy tên gọi “cải tạo môi trường kênh thoát nước sông Phú Lộc” là không đúng.

Do lẽ, dự án này xác định lưu vực sông Phú Lộc đảm nhận lưu vực thoát nước thải khoảng 3.400 ha với nhiều tuyến kênh, cống chính trong khu vực chảy đến sông này; cụ thể là tuyến Hòa Minh, kênh Hòa Phú, kênh Yên Thế - Bắc Sơn, cống Xuân Hà, cống An Khê, cống Khe Cạn, kênh Phần Lăng. Thế nhưng quy mô của dự án được xác định chỉ là đổ sàn bê tông cốt thép (BTCT) phủ một đoạn rất ngắn ở cửa sông, và trên bề mặt lớp BTCT này đổ đất trồng cây, hoa, cỏ để hình thành nhóm cây xanh, vườn hoa, sân thể thao, vui chơi trẻ em, giao thông, sân bãi có diện tích 14.476 m2. Trong khi đó, ngay tại đoạn ngắn ở cửa sông này, cơ quan lập dự án không hề đề xuất giải pháp xử lý nguồn nước, cải thiện môi trường nước, biện pháp thu gom, xử lý rác thải và xác súc vật, giải pháp kè chắn sóng và cát bồi, biện pháp và độ sâu cần nạo vét lòng sông, biện pháp tổ chức cho ghe, thuyền thúng của ngư dân ra vào qua cửa sông và vị trí neo đậu tránh trú của tàu thuyền…

Nên thay bằng dự án mới

Cũng tại văn bản số 46/QH.VP, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Đà Nẵng đề xuất nên thay dự án “Cải tạo môi trường kênh thoát nước sông Phú Lộc” bằng dự án mới có tên gọi “Cải tạo môi trường thoát nước và kiến trúc cảnh quan đoạn hạ lưu sông Phú Lộc” (vỉa hè hai bờ sông sẽ hình thành cây xanh bóng mát, hoa cỏ, khu vui chơi và cảnh quan tương tự như hai bờ sông Hàn hiện nay).

Phạm vi nghiên cứu của dự án là vệt sông và hai bên bờ sông, có chiều dài từ cầu Phú Lộc đến vịnh biển Đà Nẵng; chiều rộng là toàn bộ các khu đất trống, các khu chợ, nhà hàng, trường học và một lớp nhà ở của dân hai bên bờ sông (hình thành kiến trúc hiện đại, văn minh). Theo đó, dự án mới này sẽ nghiên cứu, điều tra, đánh giá hiệu quả đạt được của các dự án có liên quan trên toàn lưu vực sông Phú Lộc; nghiên cứu dòng chảy, chất lượng nước, vệ sinh môi trường, bồi lắng đoạn hạ lưu sông Phú Lộc (từ cầu Phú Lộc đến mặt nước vịnh Đà Nẵng); đề xuất mặt cắt thông thủy (chiều rộng, độ sâu mực nước mùa khô) lòng sông đoạn hạ lưu sông Phú Lộc (từ cầu Phú Lộc đến vịnh Đà Nẵng).

Đồng thời nghiên cứu đề xuất kiến trúc cảnh quan vệt hai bên bờ sông (mở rộng vỉa hè tổ chức cảnh quan và tổ hợp không gian kiến trúc hai bờ sông); nghiên cứu đề xuất giải pháp xử lý và quản lý chất lượng nước, không khí, môi trường, cảnh quan toàn bộ lưu vực sông Phú Lộc; nghiên cứu giải pháp tổ hợp đồng bộ hạ tầng kỹ thuật vệt đoạn hạ lưu sông Phú Lộc (từ cầu Phú Lộc đến mặt nước vịnh Đà Nẵng).

Hiện trên toàn bộ lưu vực sông Phú Lộc đang có nhiều dự án môi trường, bao gồm dự án nâng cấp cải tạo trạm xử lý nước thải Phú Lộc (thu gom và xử lý nước thải bẩn 40.000 m3/ngày đêm và tiếp tục nâng công suất lên 120.000 m3/ngày đêm); dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên do WB tài trợ vốn đầu tư đã, đang tiến hành nạo vét đất đá, bùn rác lắng đọng, xây dựng kênh mương, cống thoát nước mưa, tách cống thoát nước thải, xây dựng đường, sân, bãi; dự án phát triển bền vững TP. Đà Nẵng do WB tài trợ vốn đầu tư đê chắn song, chắn cát bồi lấp cửa sông Phú Lộc, kiến trúc cảnh quan, giao thông, sân bãi hai bên bờ sông Phú Lộc...

 

Bài & ảnh: Thanh Hải – Xuân Lam – Võ Hà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng đậy nắp sông Phú Lộc: Lãng phí tiền của, gây ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO