Đà Nẵng: Cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ môi trường

10/05/2017 00:00

(TN&MT) - Nhằm hướng tới mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành thành phố thân thiện môi trường, trong những năm qua, công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường của TP. Đà Nẵng đã được mở rộng đáng kể, thể hiện ở việc tích cực mở rộng hợp tác song phương, đa phương với các nước, các tổ chức trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH).

Nằm trong chương trình “Nhà ở chống bão vì một thành phố có khả năng chống chịu” do quỹ Rockefeller (Hòa Kỳ) tài trợ đã giúp nhiều hộ dân TP. Đà Nẵng có được căn nhà kiên cố, an toàn trong mùa mưa bão
Nằm trong chương trình “Nhà ở chống bão vì một thành phố có khả năng chống chịu” do quỹ Rockefeller (Hòa Kỳ) tài trợ đã giúp nhiều hộ dân TP. Đà Nẵng có được căn nhà kiên cố, an toàn trong mùa mưa bão

Thu hút nhiều dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường

Ngay từ giai đoạn đầu, Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường” đã nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, kể cả các cơ quan phát triển thuộc các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thể hiện qua một loạt các dự án về bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH.

Dự án “Phát triển đô thị Đà Nẵng thân thiện với môi trường và khí hậu” là dự án hợp tác kỹ thuật Việt – Đức do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển và phát triển Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ nhằm xây dựng Chiến lược ứng phó BĐKH trong lĩnh vực năng lượng và khí nhà kính thành phố Đà Nẵng. Dự án “Hỗ trợ xây dựng chiến lược khí hậu địa phương” do Cơ quan phát triển Pháp tài trợ gọi tắt là dự án SP-RCC. Dự án này nhằm hỗ trợ Đà Nẵng xây dựng chiến lược giảm thiểu BĐKH trong lĩnh vực năng lượng và phát thải khí nhà kính khu vực đô thị, đồng thời nâng cao năng lực cho cán bộ công tác trong lĩnh vực BĐKH.

Dự án “Tẩy độc môi trường ô nhiễm dioxin tại Sân bay Đà Nẵng” do USAID tài trợ góp phần giải quyết các hậu quả chiến tranh và xử lý một trong những điểm nóng về môi trường của Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, còn có các dự án “Năng lượng sạch tại Việt Nam VCEP”; “Tăng cường năng lực phòng chống và thích ứng với thiên tai cho cộng đồng dễ bị tổn thương vùng duyên hải miền Trung”; “Giảm rủi ro thiên tai quận Cẩm lệ” do Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID, Trung tâm nghiên cứu và hợp tác Quốc tế Canada, Trung tâm phòng ngừa thảm họa Châu Á tài trợ.

Ngoài Hoa Kỳ, Hà Lan, Đức, Nhật Bản cũng là một trong các quốc gia hỗ trợ Đà Nẵng mạnh mẽ các dự án về môi trường. Trong thời gian vừa qua, thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Nhật Bản đã tài trợ một loạt các dự án về cải thiện môi trường nước, không khí và giảm thải cacbon.

Thông qua Chương trình Mạng lưới các thành phố châu Á có khả năng chống chịu với BĐKH do Quỹ Rockefeller (Hoa Kỳ) tài trợ; Tăng cường năng lực phòng chống thiên tai tại 13 xã nghèo thường xuyên gặp bão lụt ở ven biển TP. Đà Nẵng của  Bộ Ngoại giao Đức và tổ chức Malteser International (Đức)… các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã giúp Đà Nẵng bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH trong những năm vừa qua.

Ngoài ra, nhiều dự án khác như: Nhà ở chống bão vì TP. Đà Nẵng có khả năng chống chịu, xây dựng khả năng chống chịu ở đô thị thông qua giáo dục lồng ghép; xây dựng mô hình thủy văn và mô phỏng sự phát triển đô thị, đánh giá toàn diện nhằm hướng đến khả năng chống chịu BĐKH đối với nguồn tài nguyên nước thành phố Đà Nẵng… cũng được thực hiện có hiệu quả.

Nhằm hướng đến mục tiêu Thành phố môi trường, Đà Nẵng đang tăng cường kêu gọi đầu tư, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường
Nhằm hướng đến mục tiêu Thành phố môi trường, Đà Nẵng đang tăng cường kêu gọi đầu tư, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường

Đẩy mạnh hợp tác trong giai đoạn tới

Xác định tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt là trong bối cảnh TP. Đà Nẵng thực hiện đề án “Xây dựng thành phố môi trường đến năm 2020”, hiện, Đà Nẵng đang tiếp tục tham gia các thể chế, diễn đàn về quản lý tài nguyên, môi trường và tranh thủ các nguồn lực về vốn và công nghệ của nước ngoài để thực hiện các chương trình, dự án bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, ứng phó với BĐKH, phục vụ triển khai có hiệu quả Đề án Xây dựng thành phố môi trường giai đoạn 2 và giai đoạn 3.

Đồng thời thành phố cũng sẽ mở rộng quan hệ hợp tác về quản lý và xử lý môi trường với các nước có công nghệ xử lý môi trường hiện đại, các địa phương là thành phố sinh thái.

Dựa trên mạng lưới mà thành phố đã xác lập thông qua hợp tác đa phương như tham gia các thể chế, diễn đàn cũng như hợp tác song phương với các địa phương trên thế giới, Đà Nẵng cũng cần quảng bá hình ảnh, mục tiêu hướng đến thành phố môi trường, kêu gọi đầu tư, tài trợ cho các dự án về môi trường. Nhất là trong bối cảnh tuần lễ cấp cao APEC 2017 sắp diễn ra tại Đà Nẵng. Đây là cơ hội vàng để Đà Nẵng quảng bá hình ảnh đến các nước, thu hút các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, các ngành cũng cần chủ động lập các dự án cụ thể kêu gọi hợp tác lĩnh vực môi trường, tranh thủ nguồn lực tài chính, kiến thức và kinh nghiệm của các quốc gia tiên tiến để hoàn thành mục tiêu thành phố môi trường vào năm 2020.

Hợp tác quốc tế đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại TP. Đà Nẵng. Việc tăng cường hợp tác quốc tế sâu rộng cũng là một trong những phương thức nâng cao vị trí và hình ảnh của thành phố trên trường quốc tế và khu vực, để hình ảnh thành phố Đà Nẵng – một thành phố luôn hướng đến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thành phố sinh thái để lại dấu ấn đậm nét trong lòng bạn bề quốc tế.

Bài & ảnh:Yến Nhi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO