Đà Nẵng có nên cấp phép dự án “Tháp ven sông” cao 29 tầng?

12/01/2019 17:12

(TN&MT) - Đầu năm 2019, theo quy hoạch điều chỉnh đã được duyệt, một công trình hỗn hợp căn hộ ở, khách sạn thương mại dịch vụ… với quy mô 2 tầng hầm, 29 tầng nổi sẽ “ mọc” tại dọc bờ Tây sông Hàn thuộc phường Bình Thuận (quận Hải Châu). Đáng nói, việc UBND TP. Đà Nẵng cho phép dự án này đã từng bị phán ứng sẽ càng gia tăng áp lực giao thông với hai nút phía Tây cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý đang ùn tắc cục bộ nghiêm trọng và phá vỡ cảnh quan đô thị.

Việc UBND TP. Đà Nẵng cho phép dự án này đã từng bị phán ứng sẽ càng gia tăng áp lực giao thông với hai nút phía Tây cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý
Việc UBND TP. Đà Nẵng cho phép dự án này đã từng bị phán ứng sẽ càng gia tăng áp lực giao thông với hai nút phía Tây cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý

Phê duyệt xây tháp cao tầng giữa “bão” dư luận

Theo tìm hiểu, được biết vào ngày 9/10/2018, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ký Quyết định 4552/QĐ-UBND về việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/5000 Tháp ven sông tại khu A1-1 thuộc Khu dân cư nhà ở, khách sạn, căn hộ kết hợp thương mại dịch vụ 2 tháng 9 tại tuyến đường Bạch Đằng nối dài, ven sông Hàn, cạnh cầu Trần Thị Lý (quận Hải Châu).

Theo đó, trên khu đất có tổng diện tích tổng diện tích 3.125,3 m2 sẽ xây dựng công trình hỗn hợp quy mô 2 tầng hầm và 29 tầng nổi; các chức năng sử dụng gồm Căn hộ ở (288 căn hộ), khách sạn, thương mại dịch vụ, nhà trẻ, sinh hoạt cộng đồng, hội nghị, hội thảo, hồ bơi,… Quyết định trên cũng nêu rõ, điều chỉnh mục đích sử dụng đất từ đất thương mại dịch vụ sang đất ở để phù hợp với chức năng công trình xây dựng.

Tiếp sau Quyết định 4552/QĐ-UBND vào ngày 22/11/2018, ông Tô Văn Hùng- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng đã ký tờ trình số 822/TTr-STNMT về việc đề nghị ban hành Quyết định chuyển mục đích sử dụng đất tại khu đất nói trên. Cụ thể, Sở TNMT đề nghị UBND TP. Đà Nẵng xem xét, ban hành quyết định cho phép Công ty TNHH MTV Đầu tư Sun Frontier được chuyển mục đích sử dụng đất khu đất có diện tích 1.882,0 m2 tại trên tổng 3.125,3 m2 từ đất thương mại dịch vụ sang đất ở, để thực hiện dự án Tháp ven sông, thời hạn sử dụng đất 50 năm kể từ ngày ký quyết định.

Khu đất có diện tích 3.125,3 m2 được xây tòa tháp quy mô 2 tầng hầm, 29 tầng nổi trên đường Bạch Đằng nối dài
Khu đất có diện tích 3.125,3 m2 được xây tòa tháp quy mô 2 tầng hầm, 29 tầng nổi trên đường Bạch Đằng nối dài

Mới nhất, ngày 2/1/2019, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ký quyết định 33/QĐ-UBND về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án “tháp ven sông” tại khu A1-1 thuộc khu dân cư nhà ở, khách sạn, căn hộ kết hợp thương mại dịch vụ. Quyết đinh nêu rõ, dự án sẽ có quy mô 288 căn hộ chung cư với 864 người; 125 phòng khách sạn…

Đáng nói, liên quan đến dự án, đã nhiều ý kiến bày tỏ trước các cuộc họp của thành phố vì cho rằng, nếu các dự án triển khai ở vị trí trên, sẽ càng gia tăng áp lực giao thông với hai nút phía Tây cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý, vốn ùn tắc cục bộ nghiêm trọng nên gây bức xúc dư luận.

Đơn cử, tại hội nghị phản biện, tìm phương hướng giải quyết ách tắc nút giao thông phía tây cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý tổ chức vào tháng 7/2018, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban MTTQVN TP. Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng từng chính thức kiến nghị lãnh đạo TP không nên để phát sinh những áp lực mới đối với địa điểm này. “Một tòa nhà 29 tầng làm khách sạn, căn hộ rõ ràng xe cộ sẽ vào liên tục, trong khi sở dĩ hai nút giao thông này ùn tắc do các xe du lịch cỡ lớn. Chỉ cần 3 xe như thế đi qua vòng xuyến sẽ ách tắc. Do đó nhất thiết không nên tăng thêm áp lực giao thông khi chưa giải quyết được thực trạng hiện nay, đừng cứ anh làm, anh phá sẽ rất khó”- ông Tiếng nhấn mạnh.

Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án “Tháp ven sông”
Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án “Tháp ven sông”

Trong khi đó, trong năm 2018, chính Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng từng có văn bản gửi các sở ngành và UBND các quận, huyện về quy định quản lý xây dựng công trình cao tầng trên địa bàn Đà Nẵng. Tại văn bản này có nêu, trên địa bàn quận Hải Châu và quận Thanh Khê chỉ được xây dựng tối đa 8 tầng vì thành phố đang nghiên cứu việc dừng không cấp phép xây dựng các dự án nhà cao tầng.

Có mất cảnh quan bờ sông Hàn

KTS Nguyễn Văn Chung- Liên hiệp các Hội KHKT Đà Nẵng cho biết, từ khi Đà Nẵng làm quy hoạch cảnh quan hai bên bờ sông Hàn đến nay, ông đã kiên trì đề nghị không đề cập tuyến đường Bạch Đằng nối dài thành đường giao thông, mà đó cần phải tuyến đường cảnh quan, đường đi bộ, xe đạp… Và bằng mọi cách tối đa để chuyển đổi toàn bộ vệt đất sát bờ sông thành công viên, kết hợp với cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi hình thành một không gian văn hóa- nghệ thuật, “điểm đến” cho du lịch. Trước đây, lãnh đạo và người dân Đà Nẵng đều quyết tâm giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi để làm chứng tích lịch sử cho một giai đoạn phát triển của đô thị Đà Nẵng.

“Đà Nẵng vốn quá thiếu công viên, cây xanh. Theo quy hoạch phê duyệt năm 2002, toàn bộ khu vực từ cầu Trần Thị Lý đến cầu Tiên Sơn và từ đường 2/9 ra bờ sông Hàn là “Công viên trung tâm TP”. Nhưng bây giờ thì mất rồi, không còn nữa. Vì vậy cố gắng dành lại một số quỹ đất nào đó có thể để tăng chỉ tiêu cây xanh cho người dân, TP rất nên làm. Và như thế mới phù hợp định hướng phát triển bền vững và xây dựng “TP môi trường” như nguyện vọng của lãnh đạo và nhân dân Đà Nẵng”- KTS Nguyễn Văn Chúng nêu quan điểm.

Thực tế Đà Nẵng đang phải đau đầu đối diện với những tồn tại, bất cập trong đô thị, do hậu quả chỉ chú trọng phân lô bán nền mà không chú trọng đến quy hoạch
Thực tế Đà Nẵng đang phải đau đầu đối diện với những tồn tại, bất cập trong đô thị, do hậu quả chỉ chú trọng phân lô bán nền mà không chú trọng đến quy hoạch

Liên quan đến nhà cao tầng, ông Hồ Duy Diệm, nguyên Trưởng ban quy hoạch TP. Đà Nẵng cho biết, ông ủng hộ việc phát triển nhà cao tầng bởi thực tế cho thấy, nếu chuyển dân số từ nhà thấp tầng lên nhà cao tầng, diện tích còn lại dành để làm trường học, công viên, làm đường… mới là giải pháp tối ưu. Tuy nhiên, để phát triển cao ốc phải đi đôi với phát triển hạ tầng, mạng lưới giao thông, phải kiểm soát mật độ dân số, phải có đầy đủ các tiện ích phục vụ đời sống người dân tại khu vực…

Quay trở lại với câu chuyện tòa tháp 29 tầng được phê duyệt, theo ông Diệm, với hiện trạng hiện nay của quận Hải Châu không nên tiếp tục cấp phép xây dựng nhà cao tầng. Qua thống kê, mật độ dân số của quận Hải Châu và Thanh Khê đã vượt quá “sức chịu đựng” của hạ tầng giao thông cũng như các tiêu chuẩn khác. “Tôi lấy ví dụ, với tình trạng nạn kẹt xe, tắt đường, tranh chấp chỗ đậu xe, ngập lụt,… ở quận Hải Châu như hiện nay, việc anh cho xây nhà cao tầng và kéo theo lượng người “khổng lồ” đến ở sẽ cho tình trạng ngày càng nghiệm trọng. Đặc biệt, trường học đâu, công viên đâu, cây xanh đâu,… để có thể đáp ứng người phát sinh từ dự án này”, Hồ Duy Diệm đặt câu hỏi.

Cũng theo ông Diệm, thực tế Đà Nẵng đang phải đau đầu đối diện với những tồn tại, bất cập trong đô thị, do hậu quả chỉ chú trọng phân lô bán nền mà không chú trọng đến quy hoạch. “Quy hoạch đô thị khác với quy hoạch phân lô bán nền. Quy hoạch phân lô bán nền là anh cứ vẽ con đường, rồi chia lô ra để bán mà không quan tâm đến những nhu cầu của cuộc sống như ăn ở, vui chơi, giải trí, bãi đỗ xe, công viên…”- ông Diệm nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng có nên cấp phép dự án “Tháp ven sông” cao 29 tầng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO