Đà Nẵng: Chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn

12/03/2016 00:00

(TN&MT) - Do ảnh hưởng của El Nino, thời tiết diễn biến bất thường, lượng mưa phổ biến giảm nhiều so với những năm trước. Tình hình hạn hán nghiêm trọng, kéo dài diễn ra trên diện rộng, nhiều khu vực trong cả nước. Đà Nẵng cũng là một trong các tỉnh bị ảnh hưởng không nhỏ từ El Nino, khí hậu năm nay bất thường và diễn ra phức tạp.

Phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường đang đi thực tế tại trạm bơm An Trạch (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng)
Phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường đang đi thực tế tại trạm bơm An Trạch (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng)

Thời gian qua, Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã cử các đoàn công tác đến để khảo sát, kiểm tra tình hình và yêu cầu các công trình thủy điện phải tuân thủ đúng quy trình vận hành liên hồ chứa. Tuy nhiên, theo dự báo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay cũng là năm mà nghề nông phải đối phó với hạn hán nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.

Tìm hiểu về kế sách phòng chống hạn và đối phó với nguy cơ thiếu nước cho vụ mùa trong mùa nắng sắp tới, chúng tôi có buổi làm việc tại Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng. Ông Trương Văn Lân, Giám đốc công ty cho biết, trước tình hình khí hậu thay đổi bất thường, hạn hán kéo dài, nguy cơ thiếu nước và nhiễm mặn là không thể tránh khỏi. Công ty cũng đã lên phương án chống hạn, dự trữ nước cho vụ mùa Hè Thu sắp tới ngay từ đầu năm. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp mà Công ty đang phục vụ là 4.010 ha, gồm huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng), huyện Đại Lộc và huyện Điện Bàn (Khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Nam). Đồng thời, đơn vị còn nhận nhiệm vụ cung cấp nước thô cho nhà máy nước Cầu Đỏ (Đà Nẵng), từ đầu năm 2016 đến nay khoảng 900.000m3. Theo kết quả quan trắc cho thấy, hiện nay, mực nước tại các hồ chứa cũng như trên các dòng sông vẫn ổn định.

Mực nước tại các hồ chứa nước của các nhà máy thủy điện vẫn đang thiếu nước nghiêm trọng
Mực nước tại các hồ chứa nước của các nhà máy thủy điện vẫn đang thiếu nước nghiêm trọng

Đứng trước tình hình được dự báo sẽ bị khô hạn kéo dài, Công ty đã khảo sát kỹ các vùng có nguy cơ khô hạn xảy ra đầu tiên. Ở Hòa Vang (Đà Nẵng), các địa phương như các xã: Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Phong nằm trong diện “cảnh báo sớm”, vì đặc điểm của các địa phương này nằm gần các con sông, việc giữ nước rất khó, nước tưới dễ bị ngấm theo mạnh nước ngầm rồi chảy về dòng sông khi mực nước sông bị cạn kiện. Khó khăn hơn, nhiều địa phương lại nằm trên vùng đất cát, rất khó cho việc giữ tưới ở mùa khô.

Theo ông Lân, từ khi có sự can thiệp của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) đối với các Công ty thủy điện nằm trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, các nhà máy thủy điện đã vận hành xả nước vè hạ lưu tương đối đúng quy trình nên dòng nước dồi dào và ổn định. Tại Trạm bơm An Trạch mực nước bình quân là 2m; sáng nay, mực nước lên vượt ngưỡng là 2,3m/2m. Trước đây, mực nước tại đập có lúc xuống đến 1,4m, trạm bơm không vận hành được. Trong vụ Đông Xuân, lượng nước ổn định nên đơn vị vẫn chủ động được nguồn nước để tưới tiêu. Tuy nhiên, khi bước vào vụ Hè Thu, tức là bắt đầu từ ngày 15 tháng 5, nếu tình hình khô hạn không “hạ nhiệt”, không có các đợt mưa lũ tiểu mãn, lượng nước tự nhiên tại các hồ chứa bị hạ thấp thì vấn đề thiếu nước sản xuất là rất căng thẳng. Mục tiêu là dự trữ nước tại các hồ chứa để tưới tiêu cho vụ Hè Thu sắp tới, đơn vị đã sử dụng tất cả các trạm bơm chống hạn. Hiện tại Trạm bơm Túy Loan, nằm trên sông Túy Loan bị nhiễm mặn nên vận hành không hiệu quả. Khó khăn của đơn vị hiện nay là tiền điện phục vụ cho các trạm bơm tăng nhiều so với mấy năm trước.          

 Ngay từ đầu năm 2016, công ty đã xây dựng phương án chống hạn. Hiện nay, công ty đang quản lý hệ thống công trình thủy lợi gồm: Trạm thủy nông An Trạch, trạm bơm chính có 7 máy bơm, và các trạm bơm chống hạn có 5 máy bơm, phục vụ cấp nước cho 524 ha đất sản xuất. Trạm thủy nông chính Bích Bắc có 7 máy bơm, ngoài ra còn có các trạm bơm vệ tinh, cấp nước cho 3 xã ở Hòa Vang và 1 xã Điện Hòa cùng một phần diện tích thị xã Vĩnh Điện, Điện Bàn với 423 ha. Trạm thủy nông Túy Loan có trạm bơm với 5 máy chính cung cấp cho 130 ha đất sản xuất ở Hòa Vang. Trạm thủy nông Đồng Nghệ có hồ chứa nước đồng nghệ dung tích hơn 17 triệu m3, cung cấp  nước cho 800 ha ở Hòa Vang và  xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc). Trạm thủy nông Hòa Trung có hồ chứa Hòa Trung dung tích hơn 11 triệu m3, cung cấp nước cho 230 ha đất sản xuất vùng Tây Bắc huyện Hòa Vang.

Theo các cán bộ điều hành đập An Trạch (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng), các hồ thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia-Thu Bồn mới chỉ xả nước vào các ngày đầu mỗi tuần, còn ngày cuối tuần vẫn ngừng xả nước, sẽ rất khó khăn trong mùa khô sắp đến
Theo các cán bộ điều hành đập An Trạch (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng), các hồ thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia-Thu Bồn mới chỉ xả nước vào các ngày đầu mỗi tuần, còn ngày cuối tuần vẫn ngừng xả nước, sẽ rất khó khăn trong mùa khô sắp đến

Kết quả quan trắc mực nước tại các trạm thủy nông vào những ngày cuối năm 2015, đều thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn, do lượng mưa hạn chế, không đạt lượng nước để tích trữ. Mực nước trên các con sông như sông Yên tại Trạm An Trạch, sông Túy Loan tại trạm Túy Loan, sông Quá Giáng tại trạm Bích Bắc đều rất thấp.  Dự báo khả năng nguồn nước hồ Đồng Nghệ và Hòa Trung đều thiếu hụt từ 20-30%, như vậy nếu tình hình nắng nóng kéo dài sẽ gây thiếu nước vào đầu vụ Hè Thu 2016.

Theo ông Trần Quốc Nhung- Trưởng phòng quản lý nước, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng cho biết thêm, Công ty đã tăng cường công tác quản lý nước, thường xuyên kiểm tra các công trình kênh mương, đồng ruộng để điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm nước. Tu bổ đắp kín các đập thời vụ, đập ngăn kênh tiêu trong khu tưới, khắc phụ rò rỉ nước kênh mương và đồng ruộng, tuyên truyền và vận động nhân dân đắp bờ giữ nước, tiết kiệm nước. Công ty đã đề nghị Công ty TNHH MTV Điện lực ưu tiên nguồn điện để chống hạn. Trạm bơm An Trạch đang giữ một nhiệm vụ hết sức quan trọng là cung cấp nước thô cho nhà máy nước Đà Nẵng, nhưng nguồn điện tại trạm bơm An Trạch lại không phải là nguồn điện ưu tiên, chỉ cần mất điện thì nguy cơ thiếu nước sinh hoạt không tránh khỏi.   

Để tìm hiểu thêm, chúng tôi có chuyến đi thị sát thực tế tại Đập dâng An Trạch (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng). Trao đổi với các cán bộ vận hành đập An Trạch,  chúng  tôi được biết, các hồ thủy điện đã xả nước, nhưng chỉ thực hiện vào những ngày đầu mỗi tuần, còn những ngày cuối tuần ngừng xả nước và các dòng sông lại rơi vào tình trạng thiếu nước, nếu cứ tình trạng này thì vào mùa nắng cao điểm, tình trạng thiếu nước sẽ không tránh khỏi. 

Cửa xả thủy điện A Vương vẫn xả ở mức cầm chừng theo kiểu đối phó
Cửa xả thủy điện A Vương vẫn xả ở mức cầm chừng theo kiểu đối phó

“Để vận hành tất cả các trạm bơm khi khô hạn xảy ra trầm trọng, kinh phí sẽ cần khoảng hơn 2 tỷ 400 triệu đồng, đã báo cáo đề nghị Sở NN&PTNT và UBND thành phố phê duyệt phương án chống hạn. Trước tình hình nắng hạn hiện nay, trong vụ Hè Thu sắp tới, Công ty đề nghị các địa phương cũng cần nghiên cứu, có kế hoạch kiểm tra, xem xét toàn bộ diện tích đất sản xuất canh tác, có phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với tình trạng khô hạn, nhằm tránh thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống người dân”- ông Lân chia sẻ thêm.

Bài & ảnh:Võ Hà  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO