Tháng 2/2012, UBND TP. Đà Nẵng đã có quyết định phê duyệt xây dựng dự án Nhà máy nước Hòa Liên công suất 120.000m3/ngày. Thời điểm đó, Công ty Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước được giao làm chủ đầu tư. Nguồn vốn thực hiện vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) theo hình thức PPP.
Sau đó, do trục trặc về nguồn vốn tài trợ từ phía Nhật Bản, dự án bị đình trệ. Năm 2016, phía Nhật Bản trở lại với đề xuất thực hiện dự án theo hình thức PPP trong đó chỉ lựa chọn nhà đầu tư giữa các doanh nghiệp Nhật và Chính phủ Nhật sẽ viện trợ không hoàn lại cho phần đập ngăn mặn, tuyến ống nước thô và trạm bơm. Tổng chi phí đầu tư xây dựng dự án khoảng 5.429 tỷ đồng, doanh nghiệp Nhật Bản này sẽ vận hành Nhà máy nước Hòa Liên trong thời gian 20 năm.
Năm 2017, Cty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng sau khi cổ phần hóa cũng đã có hồ sơ gửi UBND TP. Đà Nẵng đề nghị đầu tư dự án bằng nguồn vốn tự cân đối với tổng mức đầu tư chỉ là 1.243,71 tỷ đồng. Tháng 2/2017, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng thống nhất lựa chọn phương án của Dawaco.
Tuy nhiên sau đó, lãnh đạo TP. Đà Nẵng lại đổi ý, đề nghị thực hiện dự án qua hình thức đấu thầu. TP giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng mời thầu đề thực hiện.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Hinh - Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã có kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án này, dự kiến triển khai trong quý 3/2019.
Theo đó, tổng mức đầu tư dự án là 1.170.470.496.000 đồng trích từ ngân sách thành phố. Ban đầu, dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020.
Đó là câu chuyện của tương lai gần, hoặc nếu dự án tiếp tục gặp trắc trở như gần 10 năm qua thì việc vận hành nhà máy nước Hòa Liên có thể sẽ là tương lai còn rất xa. Hiện tại, khoảng 1 triệu dân TP. Đà Nẵng đang trong cơn quay cuồng vì thiếu nước sinh hoạt, nhất là trong 3 ngày qua.
Ngày 21/8, Phó chủ tịch Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã phải ký văn bản đề nghị các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn vận hành xả nước liên tục về hạ lưu sông Vu Gia để ngăn mặn, giảm độ mặn ở cửa thu nhà máy nước Cầu Đỏ. Giải pháp tình thế này được đưa ra trong bối cảnh người dân TP gần như hết sức chịu đựng vì bị cúp nước.
Cách đây 1 năm về trước, Đà Nẵng cũng xảy ra tình trạng thiếu nước trầm trọng. Bộ TNMT đã phải lập đoàn công tác vào làm việc với Dawaco để tìm hướng xử lý. Tuy nhiên đến năm nay, tình trạng vẫn tái diễn, thậm chí còn nghiêm trọng hơn.
Bàn về số phận dự án Nhà máy nước Hòa Liên, một cựu lãnh đạo Sở KH-ĐT Đà Nẵng cho biết, cách đây mấy năm, chuyên gia Nhật Bản đã đến Đà Nẵng, trực tiếp ngồi thuyền người dân lặn lội trên sông cùng các chuyên gia để khảo sát nguồn nước sông Cu Đê.
Chuyên gia Nhật cho rằng, Đà Nẵng phải lấy con sông Cu Đê làm nguồn cung cấp nước chính và an toàn cho thành phố, vì nước ở đây không bị ô nhiễm đầu nguồn, không lệ thuộc các thuỷ điện như sông cầu Đỏ và về lâu dài cần phải làm con đập lớn trên sông Nam sông Bắc để cung cấp nước sạch cho toàn thành phố kết hợp với thuỷ điện để giảm giá thành nước. An ninh nguồn nước từ sông Cu đê là hoàn toàn chủ động của Đà Nẵng.
“Sau đó, vì nhiều lý do ông không được triển khai dự án, mặc dù rất buồn nhưng ông vẫn thường xuyên đến Đà Nẵng để tâm sự, hỏi thăm về tiến độ dự án ra sao rồi. Mình cũng buồn và nói ông thông cảm nhưng ông nói ông cũng vui vì những đề xuất của ông vẫn được lãnh đạo cho doanh nghiệp của Đà Nẵng tiếp tục triển khai.
Nhưng mấy lần gặp sau ông vẫn thắc mắc vì sao tiến độ chậm vậy. Trước đây TP lấy lý do cần triển khai gấp trước 2020 để cấp nước cho người dân TP, nhanh hơn tiến độ ông đề xuất năm là năm 2020 sẽ đưa nhà máy vào vận hành. Sắp hết 2019 chuẩn bị 2020. Đến nay, tiến độ xây dựng nhà máy nước Hoà Liên vẫn chờ đợi chưa biết bao giờ triển khai xong”, cựu lãnh đạo Sở KH-ĐT nói.