Đà Nẵng: Cảnh báo suy kiệt tài nguyên nước ngầm

22/03/2017 00:00

(TN&MT) - Trước thực tế lượng nước dưới đất đang sụt giảm nhiều nơi đến mức báo động, Đà Nẵng có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước trong một tương lai không xa. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này, không nên chờ “mất bò mới lo làm chuồng”.

Đó là nội dung thảo luận chính tại Hội thảo “Đề xuất giải pháp khai thác, bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước trên địa bàn thành phố” do Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) TP. Đà Nẵng tổ chức vào chiều ngày 22/3. Hội thảo thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các sở ban ngành của TP. Đà Nẵng.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Nguy cơ suy thoái và ô nhiễm nước ngầm

Trong những năm qua, nhu cầu dùng nước trên địa bàn TP. Đà Nẵng cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ không ngừng gia tăng dẫn đến việc khai thác các nguồn nước mặt, nước dưới đất để sử dụng ngày càng nhiều.

Theo số liệu của Sở TN&MT Đà Nẵng, tổng trữ lượng tiềm năng tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn thành phố là 231.059m3/ngày đêm. Tuy nhiên, lượng nước này phân bố trên địa bàn rộng nên không thể khai thác với quy mô tập trung để cấp nước. Theo dự báo thì nhu cầu dùng nước cho các ngành trên địa bàn thành phố là rất lớn. Cụ thể, đến năm 2020, lượng nước yêu cầu cho sản xuất nông nghiệp là 90 triệu m3/năm; cho sinh hoạt là 110 triệu m3/năm; cho công nghiệp là 26 triệu m3/năm.

Trong bối cảnh, các hoạt động canh tác nông nghiệp, chăn nuôi, sản xuất công nghiệp, khai khoáng và nước thải đô thị đã làm cho nước sông bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, tình trạng nhiễm mặn, thiếu nước diễn ra trong mùa cạn do tác động của các hoạt động trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn đã khiến nguồn nước mặt bị hao hụt về khối lượng và suy giảm về chất lượng. Vì vậy, nguồn nước ngầm đang đóng vai trò cực kỳ quan trọng để bổ sung nguồn cung cấp nước cho TP. Đà Nẵng.

Hiện trên địa bàn TP có 52 công trình khai thác nước ngầm được UBND TP cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng với tổng lưu lượng tối đa là 14.091 m3/ngày đêm, tương đương với 6,1% trữ lượng tiềm năng nước dưới đất được đánh giá. Ngoài ra, còn có 2.500 công trình khai thác nước ngầm với quy mô nhỏ phục vụ ăn uống, du lịch, sản xuất, tưới tiêu đang được khai thác sử dụng không phải đăng ký. Nhiều tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất thiếu chuyên môn, kỹ thuật và đặc điểm địa chất đã dẫn đến tình trạng khai thác quá mức cho phép. Trong khi nguồn bổ sung bị suy giảm do biến đổi khí hậu, nước biển dâng khiến cho tầng nước bị cạn kiệt, gia tăng khả năng nhiễm mặn, ô nhiễm nước ngầm, sụt lún công trình. Đặc biệt, ở các khu vực gần biển như quận Sơn Trà, nước biển sẽ xâm lấn dần và làm nhiễm mặn nguồn nước…

Nguồn nước ngầm tại Đà Nẵng đang có nguy cơ suy thoái và ô nhiễm do khai thác quá mức
Nguồn nước ngầm tại Đà Nẵng đang có nguy cơ suy thoái và ô nhiễm do khai thác quá mức

Quy hoạch, khoanh vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước ngầm

Trên cơ sở tình hình thực tế, ông Nguyễn Đình Anh- Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, đơn vị đã tham mưu cho UBND thành phố quy định cụ thể khu vực hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất nhằm ngăn ngừa việc khai thác nước ngầm tại các khu vực có dấu hiệu suy giảm trữ lượng, chất lượng nước.

Theo đó, 7 quận, huyện đã triển khai điều tra tình hình khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn thành phố theo Kế hoạch số 8417/KH-UBND ngày 21-10-2015 của UBND thành phố. Trên cơ sở kết quả điều tra, Sở tham mưu cho UBND thành phố phân cấp quản lý đối với tất cả các công trình khai thác nước dưới đất của tổ chức, cá nhân. Cụ thể, đối với các công trình khai thác nước dưới đất không thuộc diện phải cấp phép sẽ ủy quyền cho UBND xã, phường quản lý bằng hình thức kê khai đăng ký công trình khai thác nước dưới đất; đối với các công trình khai thác nước dưới đất trái phép (tại các khu vực cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất) sẽ yêu cầu trám lấp giếng.

Ông Bùi Thọ Ninh, Công ty Cổ phần cấp nước Đà Nẵng cho rằng để hạn chế việc khai thác nước ngầm tràn lan, thành phố cần đầu tư hệ thống mạng lưới cung cấp nước máy đảm bảo các yêu cầu về lưu lượng, chất lượng, ổn định và liên tục cho nhu cầu hiện tại và tương lai của các tổ chức, cá nhân sử dụng, nhất là đối với các khu vực ở xa.

Đồng thời cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở khai thác, sử dụng và các cơ sở cá nhân hành nghề khai thác nước ngầm, giám sát việc trám lấp các lỗ khoan không sử dụng theo đúng quy trình kỹ thuật. Xử phạt nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Nhà nước về khai thác, sử dụng tài nguyên nước ngầm theo Luật tài nguyên nước và các quy định khác có liên quan. Xây dựng kế hoạch sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước trên địa bàn thành phố. Thực hiện kế hoạch nhằm làm thay đổi cách nhìn nhận về vai trò và tầm quan trọng của nguồn nước ngầm... Có như vậy mới bảo vệ được nguồn tài nguyên quý giá nhưng không vô hạn này

Bài & ảnh:Lan Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Cảnh báo suy kiệt tài nguyên nước ngầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO