Đà Nẵng: Các DN đóng tàu gây ô nhiễm, Âu thuyền Thọ Quang kêu cứu

11/05/2016 00:00

(TN&MT) - Con đường chạy dọc phía Tây khu trú bão và neo đậu tàu thuyền Thọ Quang chỉ chưa đầy 1km đã có tới 10 doanh nghiệp đóng và sửa chữa tàu thuyền. Đã có hàng ngàn con tàu được đóng mới và sửa chữa hàng năm tại các doanh nghiệp này, đồng nghĩa với việc một lượng rác thải công nghiệp không nhỏ chưa qua xử lý vô tình hay cố ý được đẩy xuống Âu thuyền Thọ Quang.

Chỉ một trận mưa to các loại rác thải này sẽ trôi xuống âu thuyền
Chỉ một trận mưa to các loại rác thải này sẽ trôi xuống âu thuyền

Các công ty, hợp tác xã này đã hiện diện ở đây từ năm 2008 với chức năng sửa chửa, đóng mới phương tiện vận tải thủy; phương tiện đánh bắt cá xa bờ vỏ thép, vỏ gỗ. Các công ty và hợp tác xã đóng tàu là: Bảo Duy, Bắc Mỹ An, Xưởng đóng và sửa chữa tàu thuyền Toàn Phước, Công ty đóng tàu STECH, Hợp tác xã sửa chữa tàu thuyền Cựu Chiến Binh, Xưởng sửa chữa tàu thuyền Lý Cư… và phía sau “hậu trường” của các nhà máy này ít ai biết rằng hàng ngày nó đã thải ra một lượng rác thải công nghiệp khổng lồ với các tạp chất như: mạt sắt, xỉ hàn, dầu mỡ, túi nilon, sơn… Tất cả đều là chất thải rắn, và chất thải lỏng chưa qua xử lý theo quy trình về bảo vệ môi trường.

Theo ông Nguyễn Văn Thinh- Phó phòng Tài nguyên và môi trường Quận Sơn Trà, cơ quan quản lý trực tiếp về môi trường của các doanh nghiệp này cho biết, cơ quan chức năng quản lý về môi trường của quận cũng chỉ thực hiện nhiệm vụ theo chức năng là tổ chức kiểm tra định kỳ 2 năm một lần, nhưng cũng chủ yếu là nhắc nhở và yêu cầu nhà máy phải thu gom xử lý rác thải công nghiệp rắn, còn với rác thải lỏng thì các nhà máy vẫn chưa có hệ thống xử lý theo đúng quy trình. Hiện nay, chúng tôi chưa có đủ điều kiện để có thể đánh giá khoa học về những tác động môi trường ở các doanh nghiệp đóng tàu này. Việc này cần sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng khác và Sở Tài nguyên và môi trường.

Mỗi lần xẻ nguyên liệu gỗ, tiếng ồn và bụi mùn cưa bay mù mịt tại Hợp tác xã đóng, sửa chữa tàu thuyền Bắc Mỹ An
Mỗi lần xẻ nguyên liệu gỗ, tiếng ồn và bụi mùn cưa bay mù mịt tại Hợp tác xã đóng, sửa chữa tàu thuyền Bắc Mỹ An

Như vậy là các công ty ở đây chỉ có hợp đồng thu gom chất thải rắn theo định kỳ với Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Đà Nẵng, còn chất thải lỏng thì thẩm thấu xuống lòng đất hoặc trôi xuống Âu thuyền Thọ Quang. Trong thiết kế, xây dựng nhà máy đóng tàu, các quy chuẩn về môi trường đều quy định rất nghiêm ngặt và cụ thể: Các chất thải rắn phải được thu gom, phân loại, xử lý theo quy định của cơ quan quản lý môi trường. Chất thải lỏng phải xử lý qua bể trung hoà có chất trợ lắng, bể tách dầu, ao sinh học, than hoạt tính rồi mới được thải ra ngoài, nhưng trên thực tế hệ thống xử lý rác thải của các công ty này hoàn toàn không có. Do vậy, các chất thải rắn như: gỉ tàu, xỉ hàn, cặn dầu, mạt tôn, mùn cưa, chất thải lỏng như sơn, dầu, mỡ tất cả đều được thải ra ngoài, thẩm thấu xuống lòng đất. Đặc biệt là quá trình sử dụng sơn rất nguy hiểm vì trong sơn mang rất nhiều hợp chất Benzen, phenol, hạt kim loại rất nguy hại. Những chất thải rắn nằm vương vãi trên triền đà, khu vực cắt nguyên liệu như gỗ, tôn của các nhà máy với mật độ dày đặc, chỉ một trận mưa hoặc mỗi khi có bão lụt nước thủy triều dâng cao thì tất cả sẽ trôi xuống âu thuyền ra biển.

Ông Hồ Văn Tý- Giám đốc Công ty Cổ phần kỹ thuật biển S.TECH cho biết, mặc dù đã rất cố gắng nhưng hiện nay công ty cũng mới chỉ dừng lại ở việc hợp đồng với công ty môi trường thu gom chất thải rắn, chứ chưa có hệ thống xử lý chất thải rắn và chất thải lỏng theo quy định. Năm 2015, chúng tôi đã có kế hoạch xây dựng nhà xưởng kiên cố nhưng cho đến nay vẫn đang dậm chân tại chỗ vì nhiều lý do. Hiện nay, công ty có hơn một trăm lao động, tạo công ăn việc làm cho họ có thu nhập đủ sống như hiện nay cũng đang là vấn đề nan giải chứ nói gì đến chuyện tái đầu tư đề xây cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu. Dù biết về lâu về dài như thế này là không ổn, việc ô nhiễm môi trường là không thể tránh khỏi, nhưng thực sự doanh nghiệp chúng tôi đang lực bất tòng tâm.

Gia công cơ khí lộ thiên, những chất thải rắn rơi trực tiếp xuống nền cát không thể thu gom
Gia công cơ khí lộ thiên, những chất thải rắn rơi trực tiếp xuống nền cát không thể thu gom

Không chỉ không có hệ thống xử lý chất thải công nghiệp đúng tiêu chuẩn mà mặt bằng mỗi công ty đóng tàu chỉ rộng khoảng 5000 m2 - 8000 m2 xung quanh không có tường bao chắc chắn, hầu hết các công đoạn xử lý nguyên liệu và đóng tàu lộ thiên ngay trên triền đà sát mép nước và cũng không trồng cây xanh bao phủ, không có hệ thống xử lý tiếng ồn, xử lý khí thải nên khi nhà máy làm việc bụi bẩn và khói bay mù mịt. Trong khi đó khu dân cư đông đúc nằm liền kề đó.

Thực tế đó có chăng các doanh nghiệp này không hề hay biết? Hay cố tình làm ngơ? và rồi tất cả người dân sống ở đây phải gánh chịu và Âu thuyền Thọ Quang ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Rõ ràng tác nhân gây ô nhiễm môi trường từ các công ty này là rất lớn, nhưng doanh nghiệp thì cứ sản xuất, công nhân cứ làm việc, ô nhiễm mỗi trường thì không ai quan tâm.

Chất thải lỏng và chất thải rắn tràn ngập các triền đà ở các nhà máy
Chất thải lỏng và chất thải rắn tràn ngập các triền đà ở các nhà máy

Trước tình trạng gây ô nhiễm môi trường đáng báo động đang diễn ra như hiện nay từ các công ty đóng tàu, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan chức năng của TP. Đà Nẵng cần sớm có đánh giá khoa học về những tác động môi trường ở đây, kịp thời ngăn chặn tình trạng vi phạm luật môi trường đang có chiều hướng gia tăng ở các doanh nghiệp này. Cần thiết phải xem xét lại việc quy hoạch sắp xếp lại các công ty, hợp tác xã đóng tàu một cách hợp lý, khoa học và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, góp phần bảo vệ môi trường trước sự kêu cứu của Âu thuyền Thọ Quang đang ngày càng quá tải và ô nhiễm nghiêm trọng.

                                           Bài & ảnh: Dương Bùi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Các DN đóng tàu gây ô nhiễm, Âu thuyền Thọ Quang kêu cứu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO