Đà Nẵng bình ổn giá Tết Bính Thân: Quan tâm hơn đến người nghèo

06/01/2016 00:00

(TN&MT) - Đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn giá cả hàng hóa, dịch vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 là nhiệm vụ quan trọng. UBND TP. Đà Nẵng...

(TN&MT) - Đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn giá cả hàng hóa, dịch vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 là nhiệm vụ quan trọng. UBND TP. Đà Nẵng đã giao Sở Công thương TP phối hợp với các cơ quan thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá và đưa hàng đến cơ sở, đảm bảo an sinh xã hội.
Hệ thống siêu thị chuẩn bị lượng hàng phục vụ Tết, nhằm bình ổn giá
Hệ thống siêu thị chuẩn bị lượng hàng phục vụ Tết, nhằm bình ổn giá
 
Coi trọng lợi ích người tiêu dùng
 
Dự báo năm nay sức mua trong dịp Tết sẽ tăng khoảng 10 đến 15% so với năm trước. Để tránh tình trạng khan hàng, sốt giá trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, UBND TP đã yêu cầu Sở Công Thương có kế hoạch chuẩn bị hàng Tết, làm việc với một số DN, nhà cung cấp lớn trên địa bàn chủ động điều hành sản xuất, kinh doanh phù hợp diễn biến thị trường, tránh hiện tượng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, gây ảnh hưởng xấu đến người tiêu dùng.
 
Sở Công thương TP đã có kế hoạch trình và đề nghị UBND thành phố phương án cho doanh nghiệp tham gia cung ứng hàng hóa bình ổn giá được vay vốn 60 ngày không lãi suất. Đây cũng là giải pháp mà nhiều năm trước, Đà Nẵng đã triển khai. Với giải pháp này, Đà Nẵng huy động sự vào cuộc của doanh nghiệp nhằm cung ứng hòa hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán hàng năm. Điều đáng nói là với cách làm này, Đà Nẵng vừa triển khai được chương trình bình ổn thị trường nhưng đồng thời cũng kết nối được ngân hàng với doanh nghiệp mà không cần sử dụng vốn ngân sách hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp.
 
Về mặt hàng gạo, UBND TP Đà Nẵng đã có chủ trương giao Cục Dự trữ nhà nước khu vực Đà Nẵng dự trữ 1.000 tấn gạo, trị giá 12 tỷ đồng để điều phối thị trường khi cần thiết. Công ty Lương thực Đà Nẵng cũng đã chủ động có kế hoạch dự trữ 400 tấn gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn trong dịp Tết Nguyên đán 2016. Đối với các mặt hàng thiết yếu khác thì có 11 doanh nghiệp (DN) lớn trên địa bàn (như Cty Đắc Vinh, BigC, Co.opMart, Vincom, Metro, Vissan, Lotte,…) tham gia dự trữ đạt gần 192 tỷ đồng, trong đó gồm các mặt hàng như thịt các loại, mì ăn liền, đồ hộp, dầu ăn, mì chính, hạt dưa, bánh kẹo các loại… Ngoài ra, thương nhân kinh doanh tại 8 chợ loại 1 trên địa bàn thành phố cũng chuẩn bị lượng hàng phục vụ Tết ước khoảng 500 tỉ đồng. UBND TP cũng đồng ý hỗ trợ kinh phí tuyên truyền, kinh phí phục vụ bán hàng và vận chuyển hàng hóa lên miền núi, về nông thôn, các khu công nghiệp các DN tham gia bình ổn hàng Tết.
 
Theo kế hoạch mà Sở Công thương trình UBND thành phố và đã được UBND TP. Đà Nẵng đồng ý thì, hàng hóa cung ứng trong dịp phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán Bình Thân năm nay là thịt heo. Yêu cầu đặt ra với thịt bình ổn giá trước hết phải đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và được bán thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán hàng từ 10-15%. Giá bán này được niêm yết công khai hàng ngày tại các điểm bán; trong đó, giá dự kiến thịt heo mông là 100.00đ/kg, thịt heo vai là 90.000đ/kg, những ngày giáp Tết chênh lệch giá bán so với giá thị trường dự kiến dao động từ 10.000 đồng – 20.000 đồng.
 
Kế hoạch trên cũng đặt ra phương án tổ chức bán thịt heo bình ổn giá trong thời gian 6 ngày (từ 24-26 tháng Chạp), tại 13 điểm trên địa bàn TP (tập trung chủ yếu tại các chợ gần các khu dân cư). Dự kiến của Sở Công thương TP. Đà Nẵng, tổng kinh phí bán bình ổn mặt hàng thịt heo tại 13 điểm trên là 502 triệu đồng.
 
Đưa hàng bình ổn đến người nghèo, vùng khó khăn
 
Theo ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công thương TP. Đà Nẵng, việc tổ chức bán hàng bình ổn giá và đưa hàng hóa đến các địa bàn sâu xa, vùng khó khăn trong dịp trước Tết Nguyên đán được TP.Đà Nẵng triển khai liên tục trong nhiều năm qua. Thông qua hoạt động này nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, cân đối cung cầu, ổn định giá cả một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn TP.
 
Theo đó, UBND TP. Đà Nẵng  đã chỉ đạo Sở Công thương tổ chức các hoạt động bán hàng phục vụ đồng bào miền núi và công nhân tại các khu công nghiệp. Sở Công thương TP đã đề xuất chọn Công ty TNHH TMDV Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng là đơn vị tiến hành bán hàng phục vụ đồng bào miền núi tại 2 xã Hòa Bắc và Hòa Phú (huyện Hào Vang) cùng công nhân tại 2 khu công nghiệp Hòa Khánh và An Đồn.
 
Theo dự kiến của Sở Công thương TP. Đà Nẵng, số lượng hàng hóa phục vụ đồng bào miền núi và công nhân tại 2 khu công nghiệp kể trên có trị giá khoảng 845 triệu đồng. Trong đó tại 2 xã Hòa Bắc và Hòa Phú là 445 triệu đồng và tại 2 khu công nghiệp như đã kể là 400 triệu đồng, bao gồm các nhóm hàng: Nhóm sửa, nước uống, nước ngọt, rựu bia, thực phẩm công nghệ, đồ hộp, thuốc là các loại; nhóm hàng bánh kẹo, mứt; nhóm hàng gia vị, mì gói; nhóm hóa mỹ phẩm, xà phòng; nhóm đồ dùng gia đình và nhóm quần áo may mặt sẵn có các loại….
 
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Phùng Tấn Viết nhấn mạnh, đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn giá cả hàng hóa, dịch vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 là nhiệm vụ quan trọng của thành phố. Theo đó, cần chuẩn bị đầy đủ hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo cho người dân vui xuân đón Tết.
 
Bài & ảnh: Anh Dũng - Ni Na
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng bình ổn giá Tết Bính Thân: Quan tâm hơn đến người nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO