Đà Nẵng: Bàn giải pháp bảo tồn và phát triển Sơn Trà

28/04/2017 00:00

(TN&MT) - Ngày 28/4, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Việt) đã tổ chức Hội thảo "Giải pháp nào cho bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà", nhằm thu thập ý kiến các nhà khoa học, đưa ra những giải pháp tham mưu cho Nhà nước có những giải pháp tốt nhất bảo vệ Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Sơn Trà.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học và người yêu Sơn Trà
Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học và người yêu Sơn Trà

Thay mặt lãnh đạo TP. Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã gửi thư đến chúc mừng và đóng góp với hội thảo.

Tham dự hội thảo, TS. Vũ Ngọc Long– Viện sinh thái học miền Nam đã khẳng định tầm quan trọng của hệ sinh thải bán đảo Sơn Trà, về sự nổi bật đa dạng sinh học. Nơi đây có sự tương tác mạnh mẽ của bốn quyển: khí quyển, thủy quyển, thạch quyển và sinh quyển. Các tác động này đã tạo là một Sơn Trà đa dạng về cảnh quan cùng nguồn tài nguyên phong phú vượt trội so với các vùng khác. Tuy nhiên, bán đảo Sơn Trà rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương, phụ thuộc chặt chẽ vào những biến động của tự nhiên, xã hội và môi trường. Thời gian qua sự tác động của con người đã tạo ra những sự thay đổi lớn về môi trường tự nhiên, đa dạng sinh học của bán đảo.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng chỉ ra tình trạng loạn quy hoạch khiến khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà bị cắt xén trong nhiều năm.  Từ diện tích hơn 4.439 hecta, khu rừng đặc dụng Sơn Trà trải qua 5 lần thay đổi diện tích. Theo Quyết định 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng của cả nước đến năm 2020, tầm nhìn 2030, diện tích Khu BTTN Sơn Trà chỉ còn 2.591 hecta. Diện tích liên tục bị thu hẹp, sinh ảnh sống bị chia cắt bởi các khu du lịch và đường giao thông trên bán đảo, lượng khách du lịch ngày càng đông, thiếu kiểm soát và thiếu ý thức bảo vệ môi trường là những mối đe dọa đối với đa dạng sinh học, đặc biệt là loài voọc chà vá chân nâu.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, đại diện Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng kêu gọi cả người dân, chính quyền và doanh nghiệp cần lựa chọn một cách tiếp cận khác với Sơn Trà thay vì bêtông hóa như hiện nay.

Voọc Chà vá chân nâu là loài linh trưởng ưu tiên bảo vệ số 1 tại Khu BTTN Sơn Trà
Voọc Chà vá chân nâu là loài linh trưởng ưu tiên bảo vệ số 1 tại Khu BTTN Sơn Trà

“Tại sao chúng ta có một người bạn Voọc đẹp đẽ ngay ở bên cạnh mà không tận dụng mà lại phải đi tìm kiếm đâu xa những giá trị cho Sơn Trà?”- ông Vinh đặt câu hỏi.

Kiến trúc sư Hoàng Sừ đặt ra vấn đề cần khôi phục pháp lý cho khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. “Thu hồi các quyết định đang thu hẹp diện tích tại Sơn Trà. Đồng thời trình Chính phủ điều chỉnh định hướng bảo tồn và phát triển trên bán đảo Sơn Trà trong Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn 250”- ông Sừ đề xuất.

Bà Nguyễn Hoàng Phượng, Phòng nghiên cứu chính sách (Trung tâm Con người và Thiên nhiên) đề xuất xây dựng một quy hoạch tổng thể tích hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển dựa vào dữ liệu điều tra cơ bản về đa dạng sinh học tại Sơn Trà sau khi hoàn thiện. “Xây dựng quy hoạch tổng thể và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, bao trùm các quy hoạch hiện có, đảm bảo các yếu tố đa dạng sinh học được xem xét đầy đủ khi phe duyệt quy hoạch phát triển tổng thể cả bán đảo”- bà Phượng đề xuất.

Những giải pháp được đưa ra tại Hội thảo lần này sẽ là cơ sở để tham mưu cho Nhà nước có những giải pháp tốt nhất bảo vệ Khu BTTN Sơn Trà.

Tin & ảnh: Lan Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Bàn giải pháp bảo tồn và phát triển Sơn Trà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO