Đa dạng sinh học ĐBSCL: Cấp bách bảo tồn

08/09/2016 00:00

(TN&MT) - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có giá trị sinh cảnh thiên nhiên bậc nhất Việt Nam với nhiều hệ sinh thái khác nhau, tuy vậy, đa dạng sinh học của ĐBSCL ngày càng suy giảm.

“Trăm dâu đổ đầu… tằm”

ĐBSCL có diện tích khoảng 4 triệu ha chủ yếu đất ngập nước, tuy vậy, hiện, các khu bảo tồn ĐDSH chỉ chiếm diện tích 10% của khu vực. Tồn tại nghịch lý này bởi ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ sụt giảm loài gây ra bởi tác động tiêu cực của con người. Một ví dụ điển hình cho thấy, những tác động của con người lên hệ sinh thái ĐBSCL đó là vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười với diện tích khoảng 697.000 ha cách đây khoảng 300 năm, còn là vùng đầm lầy hoang hóa mênh mông với quần xã lau, sậy, lăn, sen, súng và tràm. Cho đến nay, vùng Đồng Tháp Mười đã có 625.000 ha ruộng lúa  với việc sản xuất tăng vụ (3 vụ lúa) đã thực hiện tháo cạn nước sớm cuối mùa lũ, bao đê chắn lũ sớm đầu mùa lũ. Điều đó, đã thu hẹp vùng sinh sống của nhiều loài thủy sinh vật tự nhiên. Trong tương lai, dự báo diện tích của khu bảo tồn thiên nhiên rừng tràm nơi sinh cư của nhiều loài thủy sản, nơi di trú của đàn Sếu đầu đỏ sẽ ở mức khiêm tốn dưới 10.000 ha (chiếm 1,43% đất tự nhiên ở vùng Đồng Tháp Mười).

Bảo vệ các giá trị sinh cảnh tại ĐBSCL đứng trước nhiều thách thức. Ảnh: MH
Bảo vệ các giá trị sinh cảnh tại ĐBSCL đứng trước nhiều thách thức. Ảnh: MH

Ông Nguyễn Thanh Nguyên, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cũng cho rằng, từ sản lượng 300.000 tấn lúa/năm hồi những năm sau 1975, Long An đã vươn lên đạt sản lượng lương thực hơn 3 triệu tấn/năm như hiện tại. Đây là thành tích nổi bật của tỉnh nhưng để có được như vậy, Long An đã phải đánh đổi phần lương thực tăng thêm đó bằng toàn bộ hệ sinh thái Đồng Tháp Mười.

Không chỉ do thay đổi hình thức canh tác lên các hệ sinh thái mà chính diện tích các cánh rừng tự nhiên tại ĐBSCL ngày một thu hẹp cũng là nguyên nhân khiến ĐDSH nơi đây sụt giảm. Các kết quả thống kê cho thấy, trước đây, riêng diện tích rừng ngập mặn (RNM) ở ĐBSCL  khoảng 250.000ha. Trong giai đoạn 1980 -1995, các tỉnh ĐBSCL đã mất 72.825 ha rừng, bình quân hàng năm mất 4.855 ha với tốc độ 5%/năm.

Bảo vệ cấp bách

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL cho rằng, do tình hình hạn, mặn cực đoan năm 2016, gây ra thiệt hại lớn về nông nghiệp và ngành thủy sản nuôi ở ĐBSCL, đã có những đề xuất về giải pháp quyết liệt nhằm đối phó với hạn mặn bằng biện pháp công trình lớn như đê ven biển và thậm chí, đắp cửa sông lớn để ngăn và kiểm soát mặn. Tuy vậy, điều cần lưu ý là nên thận trọng, không nên vội vã lấy một sự kiện cực đoan làm chuẩn cho chiến lược lâu dài mà phải dựa trên xu thế diễn biến nhiều năm, bởi các công trình kiên có có thể gây xáo trộn lớn đối với điều kiện tự nhiên và hệ sinh thái.

Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia, để bảo vệ ĐDSH của ĐBSCL cũng cần phải đánh giá khả năng tự làm sạch và mức độ chịu tải của hệ sinh thái rừng ngập mặn nhằm tránh các tác động bất lợi đến hệ sinh thái, làm tổn thất các giá trị quý giá của hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển trong khu vực. Đồng thời, có sự theo dõi giám sát chất lượng thảm RNM đã suy giảm và các hệ sinh thái khác để kịp thời xử lý các vấn đề gây tổn thất đến tài nguyên nước, tài nguyên đất và tài nguyên sinh học, đảm bảo cho độ ổn định của hệ sinh thái trong tự nhiên tại các tỉnh thuộc ĐBSCL. Khẩn trương tiến hành quy hoạch các khu bảo tồn đất ngập nước và bảo vệ đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước, các sân chim tự nhiên, các rừng đặc dụng ngập mặn phòng hộ ven biển…

Thụy Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đa dạng sinh học ĐBSCL: Cấp bách bảo tồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO