Đa dạng sinh học biển ngoài vùng tài phán quốc gia: Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc

14/10/2014 00:00

(TN&MT) - Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển nằm ngoài vùng tài phán quốc gia là vấn đề mới, tuy chưa tác động nhiều đến Việt Nam

(TN&MT) - Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển nằm ngoài vùng tài phán quốc gia là vấn đề mới, tuy chưa tác động nhiều đến Việt Nam nhưng để duy trì và bảo tồn nguồn tài nguyên cho tương lai, Việt Nam cần tham gia tích cực và có đóng góp thiết thực vào quá trình thảo luận vấn đề này.
   
Vênh lợi ích… chung rủi ro
   
  Cho đến nay, các vùng biển nằm ngoài vùng tài phán quốc gia được điều chỉnh bởi một số văn bản pháp lý quốc tế ở cấp toàn cầu và khu vực. Đặc biệt, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 là văn bản pháp lý ở cấp toàn cầu, là khuôn khổ pháp lý toàn diện đối với các đại dương của thế giới và biển, quy định quản lý sử dụng tất cả các đại dương và nguồn tài nguyên biển.
   
   
Cần có sự phân cấp, phân vùng, ranh giới rõ ràng hơn trong bảo tồn đa dạng sinh học biển
    
   
  Bên cạnh đó, Công ước về Đa dạng sinh học năm 1992 là công cụ bổ sung hiệu quả đối với việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển. Các quốc gia tham gia Công ước được yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc và phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia theo quy định tại Công ước Luật biển. Công ước này nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác giữa các bên tại khu vực ngoài quyền tài phán quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, hoặc trực tiếp thông qua các tổ chức quốc tế có thẩm quyền.
   
  Khuôn khổ pháp lý quốc tế đối với đa dạng sinh học tại khu vực ngoài quyền vùng tài phán quốc gia còn ghi nhận sự điều chỉnh của Công ước về bảo tồn các loài di cư của động thực vật hoang dã và các quy định của Tổ chức hàng hải quốc tế. Đồng thời, các hiệp định cấp khu vực được coi là sự bổ sung hết sức cần thiết đối với khung pháp lý được quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 ở từng khu vực.
  Việt Nam cũng đã ban hành nhiều văn bản, luật điều chỉnh vấn đề bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển như: Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, Luật biển Việt Nam và các văn bản dưới luật khác.
   
  Tuy nhiên, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thế Đồng đánh giá, mặc dù đã có hệ thống các văn bản pháp lý ở cả cấp quốc tế và quốc gia, tuy nhiên nguồn tài nguyên đa dạng sinh học biển tại khu vực ngoài quyền tài phán quốc gia đang chịu áp lực ngày càng tăng từ tác động của con người. Đặc biệt, trong đó nảy sinh những bất hợp lý và không công bằng trong bảo tồn, quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên này.
  Về nguyên tắc, vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia là vùng biển quốc tế, tất cả các quốc gia có quyền sử dụng, khai thác tài nguyên. Nhưng do năng lực khai thác khác nhau, trên thực tế hiện nay các nước phát triển đang thu được những khoản lợi khổng lồ từ khai thác các nguồn tài nguyên ở vùng biển quốc tế, đặc biệt là các nguồn gen sinh vật biển, nguyên liệu dùng để chế tạo các loại thuốc đặc hiệu.
   
  Trong khi, việc khai thác và chia sẻ lợi ích từ tài nguyên khoáng sản ở đáy biển quốc tế có cơ chế quốc tế quản lý thì việc khai thác tài nguyên sinh vật ở biển quốc tế lại chưa có một cơ chế tương tự. Thực tế này đã tạo sự không công bằng giữa các nước phát triển và nước đang phát triển về mặt lợi ích thu được, song những rủi ro và các tác động tiêu cực về môi trường thì tất cả các nước đều phải gánh chịu.
   
Xây dựng cơ chế pháp lý  đầy đủ để bảo tồn
   
  Biển Việt Nam có diện tích hơn 1 triệu km2, gần 3.000 hòn đảo và tài nguyên sinh vật biển có trên 20 kiểu hệ sinh thái, với năng suất sinh học cao, tài nguyên lớn, là nơi cư trú của khoảng 11.000 loài, trong đó trên 2.000 loài cá, đặc biệt có mặt các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn.
   
  Việt Nam có nhiều khu vực biển có giá trị quốc tế là di sản thiên nhiên biển thế giới. Hiện tại, Việt Nam có 2 di sản thiên nhiên thế giới, 8 khu dự trữ sinh quyển UNESCO, 6 khu Ramsar đã được thế giới công nhận.
   
  Là một quốc gia đang phát triển và có tiềm năng về biển, Việt Nam ủng hộ quan điểm chung của các nước đang phát triển. Quan điểm của Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại Công văn 990 (6/6/2014) là ủng hộ việc xây dựng một cơ chế pháp lý cụ thể để bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia dưới hình thức một hiệp định thực hiện Công ước Luật Biển 1982. Về phạm vi điều chỉnh, Việt Nam cho rằng, cần rà soát tất cả các văn kiện pháp lý hiện có, bao gồm cả Công ước Luật biển để xác định những khoảng trống đang tồn tại trong các văn kiện này.
   
  Việt Nam cho rằng, đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài vùng tài phán quốc gia nên được coi như tài sản chung của nhân loại, cần có một cơ chế quốc tế quản lý như tài nguyên khoáng sản. Một cơ chế quốc tế và chế độ pháp lý quốc tế  quốc tế phải được hình thành thông qua quá trình thương lượng công khai tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, cố gắng tận dụng những cơ chế đã được hình thành và đang phát huy vai trò.
   
Phương Anh
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đa dạng sinh học biển ngoài vùng tài phán quốc gia: Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO