Cựu chiến binh nặng lòng với biển

23/05/2019 16:04

(TN&MT) - “Mỗi khi ra biển, tôi thường chuẩn bị ít nhất 5 lá cờ Tổ quốc, tôi treo một lá ở mũi tàu, một lá trên cột cao nhất giữa tàu và một lá treo cuối tàu, còn lại tôi cất để dự phòng khi cờ bị rách hay bạc màu. Tôi làm điều đó để khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. Đó là trải lòng của người Đảng viên, Cựu Chiến binh từng “vào sinh ra tử”, vị Thuyền trưởng lão làng Đồng Xuân Thảo, 33 năm tuổi Đảng, 65 tuổi đời trú tại xóm Phúc, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). Không những thế, ông còn là người tham gia tích cực vào công tác giữ gìn vệ sinh môi trường với ước muốn làm cho biển luôn xanh. Ông cũng là người kiên quyết nói không với túi ni lông mỗi khi ra biển.

nh 4
Ông Đồng Xuân Thảo

Mỗi ngư dân là người lính bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Theo sự hướng dẫn của lãnh đạo xã Ngư Lộc, từ Trụ sở UBND xã chúng tôi vất vả đi theo những con đường chật chội, người đông đúc. Ra đến đê chắn sóng là cả một bãi biển rộng mênh mông, gió mùa hè thổi mát rượi đã xua đi cái nóng hầm hập hơn 40oC. Khi mới hỏi thăm tàu đánh cá của ông Đồng Xuân Thảo ở xóm Phúc, nhiều người dân cùng lúc chỉ về phía người đàn ông cao lớn, nước da ngăm ngăm bánh mật đứng cạnh đó. Quả thật, chúng tôi cũng không thể nào tưởng tượng nổi một người đã bước sang tuổi 65 lại trẻ, khỏe so với tuổi tác như thế. Ông dẫn chúng tôi đi qua từng con tàu với bước chân nhẹ nhàng thoăn thoắt. Vừa đi, ông vừa kêu gọi thuyền viên tập hợp để phổ biến về chuyến đi biển sắp tới và cách vá lưới, cột giấy.

nh 1
Ông Đồng Xuân Thảo (đội mũ cối) đang tuyên truyền cho các thuyền viên về vai trò của ngư dân trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Bên tách trà nóng có hương vị từ gió biển lờ lợ, vừa trầm ngâm, vừa suy tư, ông chậm rãi nói: Đời tôi sinh ra từ biển và cũng gắn bó với biển từng ấy năm. Năm 1974, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tôi đã xung phong nhập ngũ ra chiến trường, sau khi huấn luyện tôi được cử cùng đơn vị hành quân vào chiến trường miền Nam (đi B), cùng tham gia với đơn vị những trận đánh ác liệt với Mỹ - Ngụy, cùng đồng đội đánh mặt trận Quảng - Đà giải phóng tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng, đánh mặt trận Tây Nguyên. Khi đất nước được thống nhất, tôi trở về địa phương tham gia sản xuất, trở thành Kế toán hợp tác xã đánh cá, đến năm 1986, tôi vinh dự được đứng trong hàng ngũ Đảng. Nhưng ở đời sinh ra nghề nào, phải gắn bó nghề đó thôi chú ạ (ông cười lớn) nói: Tôi lại xuống biển ra khơi cùng ngư dân. Mới đầu, tôi chỉ đi bè mảng, sáng đi chiều về; sau dần tôi đi thuyền 3 buồm cũng chỉ đi gần bờ, thời điểm đó cá, tôm nhiều lắm. Nhưng nay, được Đảng và Nhà nước quan tâm đến ngư dân, bà con được đầu tư tàu vươn khơi công suất lớn. Tôi được đầu tư tàu lớn có công suất 700 CV, thích lắm chú ạ, giờ đây, mình bám biển được dài ngày, không những nâng cao thu nhập mà mình còn tự hào với chủ quyền biển đảo quốc gia.

Lúc này, các thuyền viên đã có mặt đầy đủ, dưới cái nắng như thiêu như đốt, vị mặn mòi của biển cả, những cơn gió thổi sát mặt không thể cản nổi giọng nói dứt khoát của người Đảng viên, Cựu Chiến binh, vị Thuyền trưởng lão làng nói về vai trò của ngư dân trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo và giữ gìn môi trường biển xen kẽ những câu chuyện thú vị được bắt đầu, đây là công việc được ông thực hiện mỗi dịp nghỉ sau chuyến lênh đênh dài trên biển.

Nói về chuyện nghiêm túc thực hiện đánh bắt cá trên vùng biển quốc gia, không lấn chiếm sang vùng biển nước ngoài ông nhớ lại: “Hôm đó, trời tối đen như mực, các thuyền viên đang ngủ, chỉ mình tôi thức, bỗng đâu một chiếc máy bay lướt qua, chừng 30 phút sau tôi nghe báo là tàu tôi đang ở vùng biển nước khác, không chần chừ, nghĩ ngợi, giữ sự bình tĩnh tôi bảo anh em lập tức nổ máy, nhổ neo di chuyển về vùng biển của mình. Mình làm gì cũng phải nghĩ về cái chung, làm gì cũng phải theo chủ trương của Đảng, chúng ta bám biển, vươn khơi là thể hiện nghĩa vụ trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nếu bắt gặp tàu cá lạ đang đánh bắt tại vùng biển của mình, điều đầu tiên người Thuyển trưởng cần làm không phải là hô hào anh em trên tàu chống trả, xua đuổi, khiêu khích thay vào đó hãy nhìn thật rõ vào la bàn, định vị để xác định đúng tọa độ rồi báo cáo về đất liền chờ phương án xử lý” - ông Thảo mở đầu câu chuyện với thuyền viên.

Uống vội ngụm nước chè, ông Thảo chép miệng rồi tiếp tục phân trần để chúng tôi hiểu hơn về vai trò của mỗi ngư dân trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đến lúc này, giọng ông nhỏ nhẹ, trầm ngâm hơn, truyền cảm hơn, chúng tôi vẫn nhớ như in cái giọng đặc sệt đậm chất biển của ông lúc đó. Ngư dân như chúng ta vốn học không cao, trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế, nhưng đủ để hiểu rõ đạo lý “Nước sông không phạm nước giếng”, hãy cứ nghĩ và làm theo cách “Cá nhà ai, nhà đó bắt”, mỗi ngư dân đều được luật pháp bảo vệ nên hãy làm cho đúng, cho chuẩn.

Trước đây, do phương tiện đánh bắt thô sơ chủ yếu là thuyền buồm hoặc tàu lắp máy công suất nhỏ, lại đánh gần bờ, sáng đi chiều về nên mạnh ai người ấy đi. Bây giờ, mọi chuyện đã khác, tàu to, máy lớn, bám biển dài ngày. Ngư dân đã cùng nhau thành lập tổ, đội ra khơi; mỗi tổ, đội tập hợp từ 3 - 5 tàu lớn, các đội đánh bắt thường dàn đều ở các vị trí khác nhau, hỗ trợ đánh bắt, phòng khi gặp sóng lớn, bão to, bám lấy nhau cùng vượt qua. Cũng chính vì sự ra đời của tổ, đội nên mỗi khi gặp tàu lạ áp sát, các Thuyền trưởng nhanh chóng liên lạc cho nhau, rồi điều khiển cho tàu giàn ra, giữ đúng khoảng cách, các thuyền viên lấy cọc gỗ đẩy tàu họ ra, tiếng máy ồn ào, khói phủ kín cả khu vực. Sau đó, mọi người tập trung ở mũi thuyền, cùng nhau ra các ký hiệu, người chỉ tay xuống biển, người dang tay hình chữ X, người đứng trên mui tàu phất cờ Tổ quốc… để khẳng định “Đây là vùng biển của Việt Nam” và thế, họ thấy mình đồng lòng, đoàn kết nên vội rút chạy.

Nỗi lo giữ màu xanh cho biển

Trong câu chuyện say sưa với biển cả, với chủ quyền biển đảo quê hương, ông lắng xuống, nhìn xa xăm ra biển nói: Việc tuyên truyền cho ngư dân bám biển, gữi biển đảo để khẳng định chủ quyền của đất nước đã khó, nhưng cái khó hơn nữa là làm sao phải nói cho bà con, cho ngư dân hiểu về việc giữ gìn môi trường biển trong sạch, rồi bảo tồn phát triển nguồn lợi thủy sản, nói không với túi ni lông mỗi khi ra biển. Vì lâu nay, ngư dân vẫn thường xuyên giữ thói quen sử dụng túi ni lông trong việc bảo quản hải sản, mỗi chuyến ra khơi các tàu thường mang theo khoảng 5kg túi ni lông, sau khi cập bến, túi ni lông không dùng được nữa nên vứt bỏ ở ven biển. Anh biết đấy, xã Ngư Lộc chúng tôi có gần 500 tàu thuyền, nếu nhân lên, trung bình mỗi chuyến ra khơi có khoảng 2,5 tấn túi ni lông cùng với hàng nghìn vỏ chai nước, lon bia… được thải ra biển. Trước đây, khi lênh đênh trên biển, cứ thấy có vỏ chai nổi trên biển, chúng tôi sẵn sàng vớt lên, mang về nhà làm kỷ vật. Hồi đó, vỏ chai hiếm lắm, giờ không ai làm việc đó nữa. Trong khoảng 15 hải lý tính từ bờ ra, mặt biển toàn rác, có chỗ phủ kín, trắng xóa, nên khi kéo lưới lên, mẻ nào cũng có rác, từ túi ni lông, vỏ chai đến rác thải công nghiệp.

Cũng chính vì nỗi niềm với biển nặng lòng như thế, nên sau mỗi chuyến ra khơi về, ông lại đi dọc bờ biển để vận động người dân bỏ rác đúng vị trí, ông cũng đến tận từng tàu thuyền vận động Thuyền trưởng mua khay đựng cá để thay bằng đựng túi ni lông. Ông giải thích cặn kẽ, nếu đựng vào khay, cá sẽ được bảo quản tốt hơn, giá trị cao hơn, lại tái sử dụng được nhiều lần; còn nếu đựng vào túi ni lông, sẽ ảnh hưởng nhiều đến môi trường. Mỗi chúng ta nên tự ý thức về trách nhiệm môi trường, giữ màu xanh cho biển, là gữi gìn biển cho con cháu chúng ta. Nên riêng bản thân tôi cương quyết nói không với túi ni lông, ông khẳng định.

Trong câu chuyện về làm sạch môi trường biển, chúng tôi hỏi ông: Với trách nhiệm của một Đảng viên, Cựu Chiến binh thì để giải quyết môi trường biển ông có kiến nghị gì với các cấp chính quyền. Trầm ngâm một lúc ông nói: Trước tiên, mỗi cá nhân, mỗi ngư dân phải tự mình có ý thức, trách nhiệm, không xả rác bừa bãi, mỗi tàu thuyền phải tự trang bị thùng rác để bỏ rẻ lau máy, dầu thừa, túi ni lông. Tôi thấy, hiện nay, ngư dân dùng xong là tiện tay ném luôn xuống biển, nhưng hậu quả, ngư dân không biết. Theo tôi, Nhà nước nên vào cuộc để “tuyên chiến” với vấn nạn xả rác thải bừa bãi và có chính sách thưởng phạt rõ ràng với vấn nạn này. Đồng thời, Nhà nước thành lập ra các Trung tâm thu mua rác thải của tàu thuyền đi biển về. Ví dụ như đổi rác lấy dầu, hay đổi rác lấy gạo,… làm được như thế, tôi tin, ngư dân sẽ thu gom rác trong mỗi chuyến ra khơi, bờ biển sạch sẽ hơn nhiều và ngư dân sẽ hạn chế dùng túi ni lông mỗi khi đi biển.

Chia tay ông cũng là lúc ánh mặt trời đang dần lặn tắt ở phía Tây, những cơn gió biển thổi vào bờ mát rượi. Tôi chợt nhớ câu nói của ông trong câu chuyện về giữ gìn môi trường biển “Nhìn biển giờ đây mà thấy xót xa”. Tôi cầu mong trên dải đất ven biển của Tổ quốc hình chữ S có nhiều hơn nữa những người nặng tình với biển, cùng nhau chung tay bảo vệ biển đảo quê hương và giữ lại màu xanh cho biển cả như ông Đồng Xuân Thảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cựu chiến binh nặng lòng với biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO