Cương quyết xử lý Nhà máy đường Bình Định do sai phạm ô nhiễm môi trường kéo dài

14/04/2018 16:29

(TN&MT) - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng vừa cho biết, tỉnh đã thực hiện “lệnh” tạm đình chỉ, đồng thời, đang tiến hành các bước để niêm phong nhà máy của Công ty CP Đường Bình Định (Bisuco) vì sai phạms môi trường kéo dài.

1
Nhà máy đường Bình Định hoạt động gây ô nhiễm môi trường đã bị UBND tỉnh Bình Định ký “lệnh” đình chỉ hoạt động.

Sai phạm kéo dài

Theo tìm hiểu PV Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, nhà máy Bisuco đã có những hành vi cố tình vi phạm về lĩnh vực môi trường, xả thải gây ô nhiễm. Dù UBND tỉnh Bình Định đã nhiều lần yêu cầu tạm dừng sản xuất để có biện pháp khắc phục nhưng Bisuco vẫn chây ỳ và cố tình để sai phạm tái diễn.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng, khẳng định: “Bình Định kiên quyết không chấp nhận đánh đổi kinh tế để môi trường bị ô nhiễm. Hiện nay, tỉnh đã đình chỉ hoạt động và đang tiến hành các bước để niêm phong nhà máy của Bisuco. Chúng tôi kiên quyết không cho Bisuco sản xuất cho đến khi thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường”.

Trước đó vào đầu tháng 5/2017, UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các ngành chức năng địa phương kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của Bisuco ngay sau khi nhận phản ánh của người dân. Tuy nhiên, Bisuco phớt lờ yêu cầu của tỉnh vì liên quan đến xả thải, gây ô nhiễm môi trường. Ngày 25/10/2017, UBND tỉnh Bình Định ra văn yêu cầu Bisuco không được sản xuất niên vụ ép mía 2017-2018 cho tới khi hoàn thành các nội dung về công tác bảo vệ môi trường còn tồn tại. Đầu năm 2018, tỉnh Bình Định cho phép Bisuco hoạt động thử nghiệm để khắc phục những tồn tại về môi trường nói trên.

Ngày 5/2, Sở TN-MT tỉnh Bình Định tiếp tục tiến hành kiểm tra đột xuất và lấy mẫu nước thải của nhà máy sản xuất của Bisuco theo 2 cửa xả ra sông Kôn. Kết quả cho thấy hệ thống xử lý nước thải của Bisuco chưa hoạt động ổn định, nước thải theo 2 cửa xả ra sông chưa đạt quy chuẩn cho phép. Vì vậy, Sở TN-MT Bình Định yêu cầu Bisuco khắc phục các tồn tại về môi trường trước ngày 28/2. Tuy nhiên, Bisuco vẫn chưa khắc phục hoàn toàn những tồn tại, hạn chế này. Ngày 12/3, UBND tỉnh Bình Định tiếp tục có văn bản yêu cầu Bisuco tạm dừng hoạt động sản xuất vụ ép mới niên vụ 2017 - 2018 kể từ ngày 23/3 cho đến khi hoàn thành các nội dung về công tác bảo vệ môi trường còn tồn tại.
 

2
Toàn bộ số mía ứ đọng trên đồng sẽ được Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) cam kết thu mua hết.

Cam kết thu mua hết 28.000 tấn mía

Ngoài công tác xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường đối với Bisuco, UBND tỉnh Bình Định còn cử tổ công tác làm việc với Nhà máy Đường An Khê (Gia Lai) để giải quyết 28.000 tấn mía đang mắc kẹt trên đồng của người dân trong tỉnh. “Đơn vị này đã cam kết sẽ mua hết, đảm bảo tái sinh gốc kịp thời vụ”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nói.

Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, hiện nay, Nhà máy đường An Khê đã cam kết thu mua hết số lượng mía cho người dân. Vì vậy, 28.000 tấn mía ứ đọng của nông dân huyện Tây Sơn vẫn đang được nhà máy thu mua, không để xảy ra tình trạng mía chết cháy ngoài đồng.

Về lâu dài Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đề nghị các nhà máy thu mua mía cần xây dựng nguồn nguyên liệu bền vững, hỗ trợ liên kết với người dân Bình Định để hỗ trợ bà con trong khâu đầu ra. Hiện, Nhà máy đường An Khê đã đặt vấn đề ở một số vùng sẽ xây dựng mô hình cánh đồng lớn, áp dụng cơ giới hóa, bao tiêu sản phẩm, đưa giống mới để nông dân tăng cao thu nhập. Đây là tín hiệu khả quan, tháo gỡ bớt khó khăn cho nông dân vùng mía ở Bình Định.

Đạ diện Nhà máy đường An Khê, cho biết đơn vị đang triển khai mua nguyên liệu mía trồng tại Bình Định để phục vụ cho niên vụ ép mía năm 2017-2018. Giá thu mua là 800.000 đồng/tấn (10 chữ đường); 720.000 đồng/tấn (9 chữ đường) và 640.000 đồng/tấn (8 chữ đường) và nhà máy hỗ trợ tiền vận chuyển cho nông dân. Mỗi ngày, nhà máy sẽ thu mua trung bình khoảng 500 tấn mía nguyên liệu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cương quyết xử lý Nhà máy đường Bình Định do sai phạm ô nhiễm môi trường kéo dài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO