Xây dựng nhà lắp ghép cho người dân tại điểm tái định cư bản Hua Nậm, xã Nặm Păm, huyện Mường La. |
Nguyên nhân trận lũ lịch sử
Để tìm ra nguyên nhân của trận lũ lịch sử này, Viện Khoa học, địa chất và khoáng sản đã tiến hành khảo sát, đánh giá nguyên nhân gây ra lũ ống, lũ quét. Theo đó, do xã Nậm Păm có địa hình dốc cao, vách đứng, độ cao địa hình chênh lệch rất lớn (khoảng 1.000m) nên dễ gây sạt lở và nằm trong vùng cảnh báo có nguy cơ sạt lở cao. Bên cạnh đó, trên dòng chảy của suối Nặm Păm có 3 điểm nghẽn lớn. Khi mưa to, đầu nguồn và 2 bên sườn núi bị sạt lở, lũ cuốn theo đất đá, cây que đến các điểm nghẽn thì mắc lại, tạo thành các đập dâng nước. Khi đập vỡ, áp lực nước từ các đập này tạo thành lũ ống, lũ quét.
Ngoài 2 nguyên nhân trên, qua khảo sát địa hình, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản còn nhận định: Trong lịch sử đã có ít nhất 3 trận lũ tương tự, trong đó có trận đỉnh lũ cao hơn năm 2017 khoảng 4m.
Trên cơ sở nhận xét, đánh giá của Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, huyện Mường La đã nghiên cứu các phương án bố trí lại dân cư, đầu tư lại cơ sở hạ tầng nhằm phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai trong tương lai. Cụ thể, đã xây dựng các điểm tái định cư, trục đường giao thông, các công trình cơ sở hạ tầng đều nằm trên cao hơn đỉnh lũ lịch sử 4m. Tiến hành quy hoạch lại lòng suối, phá các điểm nghẽn và thanh thải dòng chảy, đảm bảo dòng chảy lưu thông thông suốt khi có lũ lớn.
Việc xây dựng các bản đồ trượt lở đất đá, phân vùng lũ đã được tỉnh Sơn La xây dựng từ năm 2014-2015. Thời gian tới, huyện Mường La sẽ kiến nghị với tỉnh Sơn La hướng dẫn triển khai thực hiện các phương án phòng tránh để đạt hiệu quả cao nhất.
Triển khai 14 dự án cấp bách khắc phục thiên tai
Tại điểm tái định cư bản Hua Nậm, xã Nặm Păm, những ngôi nhà ghép đầu tiên đang được các đơn vị thi công khẩn trương hoàn thiện.
Bản Hua Nặm, xã Nặm Păm có 179 hộ dân cư và 716 nhân khẩu, chủ yếu làm nông nghiệp trồng lúa và nương rẫy. Anh Cà Văn Biên, Trưởng bản Hua Nậm chia sẻ: Lũ quét đã cuốn trôi hoàn toàn 36 nhà dân, gây ngập úng 65 nhà, 16 nhà bị hư hỏng nặng. 33 ha đất sản xuất bị xóa sổ hoàn toàn. Sau khi lũ quét xảy ra, toàn bản đã được chính quyền địa phương sắp xếp tái định cư lên vị trí mới. Người dân giờ đây yên tâm hơn so với trước kia, bởi nền mới đã cao hơn đỉnh lũ lịch sử. Sau khi bố trí xong nền, chúng tôi sẽ được sắp xếp lại đất sản xuất với phương châm khơi thông dòng suối, cải tạo lại diện tích cũ để chia lại đất sản xuất cho bà con.
Ông Đinh Đại Thanh, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mường La cho biết: Để sớm khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống nhân dân, huyện Mường La đang triển khai 14 công trình có tính chất khẩn cấp, trong đó, tập trung thi công 6 điểm tái định cư, xây dựng nhà lắp ghép với diện tích 42m2 cho các hộ bị lũ cuốn trôi nhà cửa hoàn toàn; xây dựng mới trạm y tế, trường và các điểm trường trên địa bàn các xã vùng lũ. Riêng tại điểm tái định cư bản Hua Nậm, xã Nặm Păm, đã hoàn thành công tác san nền, giao cho chính quyền xã tổ chức bốc thăm chọn nền. Đồng thời, huy động lực lượng bộ đội, thanh niên, đến giúp bà con vận chuyển nhà đến nơi ở mới để ổn định lâu dài.
Cùng với đó, huyện đã tập trung thi công tuyến đường tỉnh lộ 109 từ Nặm Păm đi Ngọc Chiến, một tuyến đường trọng yếu để vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu cấp thiết của người dân. Tới nay, tuyến đường này đã thông suốt. Đồng thời, quy hoạch lại vị trí thanh thải lòng suối, xây dựng kè chống sạt lở thị trấn Ít Ong. Bước 1, đã triển khai kè rọ tạm để chống sạt lở của những trận lũ tiếp theo. Xây dựng, đề xuất để tiếp tục đầu tư nguồn vốn xây dựng kè trọng lực bê tông để ổn định lâu dài cho nhân dân thị trấn Ít Ong.
“Trong quá trình thực hiện, do mưa lũ vẫn tiếp tục kéo dài gây ảnh hưởng tiến độ xây dựng. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của huyện và các đơn vị thi công, tập trung tối đa nguồn lực máy móc nên cơ bản vẫn đáp ứng đúng tiến độ đã đề ra, để di chuyển người dân tới nơi ở mới một cách sớm nhất. Dự kiến, những hạng mục khẩn cấp như san nền, cấp nước sinh hoạt sẽ hoàn thành trong tháng 10 để người dân tại 5 bản thuộc xã Nặm Păm sớm ổn định lại cuộc sống” – ông Đinh Đại Thanh khẳng định.
Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Song song với công tác bố trí các điểm tái định cư, huyện Mường La cũng tập trung hỗ trợ người dân sớm khôi phục sản xuất. Đã thành lập 7 tổ công tác chỉ dạo, hướng dẫn người dân sản xuất khắc phục thiên tai tại xã Nặm Păm và thị trấn Ít Ong. Hiện đã hỗ trợ người dân trồng xong 147,4ha cây ăn quả 2 năm tuổi gồm nhãn, xoài, bưởi; 55ha sơn tra. Xây dựng 8 hệ thống tưới ẩm tại các điểm trồng cây ăn quả tập trung. Huyện vẫn hỗ trợ chăm sóc và trồng dặm trong vòng 2 năm tiếp theo. Hỗ trợ cho 175 hộ gia đình có nhà bị lũ cuốn trôi, hư hỏng hoàn toàn 1 con bò, 2 con dê/hộ.
Xây dựng kế hoạch hỗ trợ các hộ khôi phục sản xuất bằng giống cây hàng năm, tổng diện tích 212ha với các loại cây như rau, bí xanh, bí đỏ… Xây dựng phương án đào tạo nghề cho nhân dân vùng bị mất đất sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường La cho biết: Để phát triển nông nghiệp bền vững, thời gian tới, huyện Mường La sẽ hướng dẫn các xã, bản tiến hành thành lập các tổ, nhóm chăm sóc vườn cây, tiến tới thành lập Hợp tác xã trồng cây ăn quả. Xây dựng kế hoạch và trình cấp có thẩm quyền công nhận sản xuất theo mô hình Vietgap. Xây dựng thương hiệu vùng cây ăn quả Nặm Păm, tiến tới liên kết tiêu thụ sản phẩm bưởi, nhãn, xoài theo chuỗi giá trị và xuất khẩu. Đồng thời, tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch hỗ trợ các hộ khôi phục diện tích đất hàng năm đã bị lũ cuốn trôi, trồng cây hàng năm vụ đông xuân, hỗ trợ giống bò cái, dê cái cho các hộ bị thiệt hại.
Nguyễn Nga