“Cuộc chiến” với tình trạng bán hàng không xuất hóa đơn

22/12/2017 16:35

Mua hàng không lấy hóa đơn là chuyện phổ biến ở Việt Nam và tất nhiên bán hàng “quên” xuất hóa đơn cũng vậy.

TN&MT - “Cuộc chiến” với tình trạng bán hàng không xuất hóa đơn
Người tiêu dùng khi mua hàng cần lấy hoá đơn, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Ảnh minh hoạ

Ngành Thuế đã tích cực tuyên truyền và có chế tài xử lý để chống thất thu, đảm bảo sự công bằng trong kinh doanh, nhưng dường như tình trạng mua hàng không lấy hoá đơn vẫn chưa thuyên giảm...

Thói quen không tốt

Không chỉ chuyên gia về thuế, mà người dân bình thường cũng dễ nhận thấy thực trạng “mua hàng không lấy hóa đơn” đang rất phổ biến. Nhiều chuyên gia cho rằng, thói quen mua hàng không lấy hóa đơn cần phải được từ bỏ, bởi đây là hành động “chẳng ích nước cũng chẳng lợi nhà” mà thậm chí ngược lại.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho rằng, bán hàng xuất hóa đơn, hay mua hàng lấy hóa đơn là câu chuyện rất bình thường ở nhiều nước trên thế giới. Trước hết, hóa đơn chính là bằng chứng cho việc giao dịch, vận chuyển và sở hữu hàng hóa hợp pháp của mỗi cá nhân. Hóa đơn còn là chứng từ pháp lý để người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong các trường hợp có vấn đề về chất lượng hàng hóa hay bảo hành sản phẩm… 

“Thực tiễn cho thấy, mặc dù đã có chuyển biến tích cực, nhưng người tiêu dùng thường chỉ lấy và giữ lại hóa đơn mua sắm các hàng hóa, tài sản có giá trị lớn (ô tô, xe máy, nhà đất...)  còn phần lớn các giao dịch đời sống thường ngày, người tiêu dùng rất ít khi lấy hoá đơn. Đây thực sự là một thói quen mà người tiêu dùng cần thay đổi để bảo vệ quyền lợi của mình”, ông Nguyễn Văn Phụng phân tích. 

Theo ông Phụng, việc mua hàng không lấy hóa đơn, vô tình đã “tiếp tay” cho một số doanh nghiệp làm ăn “thiếu đứng đắn”. Nếu người tiêu dùng mua hàng không lấy hóa đơn, thì hóa đơn đó nhiều khả năng lại được “xuất khống” cho một giao dịch khác để hợp thức hóa chi phí. Trong khi đó, khi người bán không xuất hóa đơn, giao dịch đó không được ghi nhận vào doanh thu bán hàng, nên Nhà nước không thu được thuế. Đó là chưa tính tới nhiều trường hợp, đã có các cá nhân, đơn vị lợi dụng điều này để mua hóa đơn, hợp thức hóa chi tiêu ngân sách nhà nước.

Ở một khía cạnh khác, việc mua hàng không lấy hóa đơn là người tiêu dùng đã vô tình tiếp tay những người trốn thuế, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các đơn vị, cá nhân tuân thủ đúng pháp luật về thuế, từ đó ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh nói chung.

TN&MT “Cuộc chiến” với tình trạng bán hàng không xuất hóa đơn2
Nhiều khách hàng ít khi lấy hoá đơn khi sử dụng dịch vụ ăn uống. Ảnh minh hoạ

 

Hiện đại hóa để quản lý hiệu quả

Ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng, mua hàng không lấy hóa đơn là thói quen nên người dân không dễ từ bỏ trong ngày một ngày hai. Do vậy, để thay đổi vấn đề này, công tác tuyên truyền cần tiếp tục được chú trọng. “Lâu nay chúng ta đã làm tốt một vế: Hóa đơn là căn cứ để quản lý thuế, để xác định doanh thu của người bán hàng, để kiểm soát chi phí của doanh nghiệp mua hàng. Hiện tại, chúng ta cần làm tốt hơn vế còn lại, là tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích của việc lấy hóa đơn khi mua hàng và thay đổi thói quen”, ông Phụng nói.

Việc bán hàng phải xuất hóa đơn (từ 200.000 đồng trở lên) đã được pháp luật quy định, nên “lấy hóa đơn” là quyền lợi của người tiêu dùng và “xuất hóa đơn” là nghĩa vụ của người bán hàng. Hiện nay, chế tài xử lý đã có, tuy nhiên, ngành Thuế sẽ khó có thể bao quát hết nếu không nhận được sự hỗ trợ của người dân khi tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

Cùng với đó, theo ông Nguyễn Văn Phụng, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền cần phải có các chính sách, giải pháp, đặc biệt là chế tài nhằm hạn chế các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh bán hàng hóa dịch vụ không xuất hóa đơn. Hiện nay, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, ngành Thuế đang nỗ lực triển khai áp dụng hóa đơn điện tử. Hóa đơn điện tử sẽ được lập ngay tức thời tại thời điểm bán hàng và lưu lại trong hệ thống bán hàng, nên rất khó để người bán hàng gian lận. Cùng với đó, khi hóa đơn điện tử được triển khai rộng rãi, doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí. Thực tế, tính ưu việt của hóa đơn điện tử đã được áp dụng trên thực tiễn và cho kết quả rất tích cực như hóa đơn tiền điện, bưu chính viễn thông hay nhiều hệ thống siêu thị,...

Song hành với các biện pháp trên, ông Nguyễn Văn Phụng còn cho biết, hoạt động kiểm soát đầu vào và kiểm soát đầu ra của doanh nghiệp sẽ được cơ quan thuế đẩy mạnh. Theo đó, khi kiểm soát được cả “đầu vào và đầu ra” thì chắc chắn sẽ có chuyển biến tích cực trong vấn đề này. Hiện tại, cơ quan quản lý đang đề xuất các giải pháp để tăng cường kiểm soát đầu vào của doanh nghiệp thông qua các quy định về thanh toán qua ngân hàng theo hướng giảm giá trị các giao dịch phải thanh toán bằng tiền mặt từ 20 triệu đồng xuống 10 triệu đồng. Bên cạnh đó, ngành Thuế trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều giải pháp khác để có thể kiểm soát dòng tiền vào – ra của doanh nghiệp. Do đó, cùng với “gọng kìm thứ nhất” là quản lý hóa đơn, thì đây là “gọng kìm thứ hai” để cơ quan quản lý có thể kiểm soát được doanh thu của doanh nghiệp chặt chẽ hơn, ông Nguyễn Văn Phụng nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Phụng, thời gian tới, cơ quan quản lý cần có cơ chế khoán doanh thu hợp lý hơn, hoặc khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp để tăng hiệu quả quản lý thuế. 

 
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Cuộc chiến” với tình trạng bán hàng không xuất hóa đơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO