“Cuộc chiến” thủy điện ở Hà Tĩnh - Kỳ 1: Nỗi khổ vùng hạ du

27/11/2013 00:00

(TN&MT)-Cuộc sống của hàng ngàn hộ dân vùng hạ du tại Hà Tĩnh trở nên bất ổn từ khi công trình thủy điện Hố Hô, thủy điện Hương Sơn 1 đi vào hoạt động.

 Hàng năm cứ đến mùa mưa bão, cuộc chiến với giặc lũ khởi nguồn từ thủy điện như đến hẹn lại lên khiến người dân phải thường xuyên lo lắng.  Đây là đề tài thu hút sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội, bởi thủy điện đang nổi như phong trào trong khi sự cam kết đảm bảo môi trường và hoạt động quản lý còn nhiều bất cập, biết đến bao giờ thủy điện chỉ còn là nguồn lợi cho quốc kế dân sinh ?. Tiếp cận một số công trình thủy điện tại Hà Tĩnh cho thấy vẫn không tách rời thực trạng chung ấy.
   
Kỳ I: Nỗi khổ vùng hạ du
   
(TN&MT)-Cuộc sống của hàng ngàn hộ dân vùng hạ du tại Hà Tĩnh trở nên bất ổn từ khi công trình thủy điện Hố Hô, thủy điện Hương Sơn 1 đi vào hoạt động. Các cơ quan chức năng đã tốn không ít giấy mực để bàn về hệ luỵ mà thủy điện có thể gây ra. Nhưng có một thực tế chỉ có người dân vùng hạ du mới thấu hiểu nổi cơ cực khi Thủy điện xả lũ làm đất đá sạt lở nghiêm trọng, làng mạc bị bồi lấp, nhiều người dân mất nhà cửa và tài sản. Người dân vùng lũ Hà Tĩnh đang chờ làm rõ trách nhiệm của thủy điện đối với thiệt hại của họ.
   
Sự tác động không nhỏ của thủy điện đến cuộc sống người dân bên bờ sông Ngàn Sâu
   
          Người dân bất an vì thủy điện
  Trên địa bàn tỉnh, với hệ thống thủy điện gồm 12 công trình dự án đã được quy hoạch, có 3 công trình đã xây xong là Nhà máy thủy điện Hố Hô công suất 14 MW (ở huyện Hương Khê), Nhà máy thủy điện Hương Sơn với công suất 33MW và Nhà máy thủy điện, thủy lợi Kẻ Gỗ với công suất lắp máy là 3 MW đã thử vận hành. Có thể thấy Hà Tĩnh nằm trong số các địa phương có ít dự án thủy điện nhất tại miền Trung. Nhưng sự cố “đại hồng thủy” mang tên Hố Hô vào tháng 10/2010, buộc hơn 10.000 hộ dân vùng hạ du phải sơ tán khẩn cấp đến nay vẫn là vấn đề “nóng”, dù đã thoát khỏi “đại họa” thì dư âm của nó vẫn đang ám ảnh cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây.
   
Sự tác động không nhỏ của thủy điện đến cuộc sống người dân bên bờ sông Ngàn Sâu
   
   
  Chúng tôi được người dân cho biết, lo lắng nhất trong mùa mưa bão là việc thủy điện xả lũ, vỡ đập thủy điện chứ không phải là bão. Theo người dân, trước khi bão đến họ thường được biết trước ít nhất là 2 ngày thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, vì vậy họ có thời gian để chuẩn bị ứng phó với bão. Nhưng đối với việc nắm bắt và tiếp nhận các thông tin xả nước của các thủy điện thì thường rất chậm nên khó khăn trong việc chuẩn bị đối phó.
   
       Thông thường người dân chỉ biết được thông tin thủy điện xả lũ sớm nhất là 2 tiếng thông qua các loa đài của xã và thôn, nhưng không biết được mức độ tác động hay mực nước sông sẽ dâng lên bao nhiêu sau khi xã lũ. Phản ánh của chính quyền địa phương vùng hạ du cho hay, họ chỉ được thông báo thời gian xã lũ và lượng nước  xã lũ của đập  chứ  không được thông báo mức độ ngập lụt hay tốc độ dòng chảy. Người dân không biết được tương ứng với các mức xã  lũ 100 m3/s, 1000 m3/s hay 2000 m3/s thì khu vực của họ sinh sống sẻ bị ảnh hưởng như thế nào. Vì vậy, cứ mỗi khi nghe thông báo đập thủy điện phía thượng nguồn xã lũ thì người dân thường đưa người già, trẻ em, trâu bò… lên những khu vực có địa hình cao cho dù mức xã lũ đó có hay không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của họ.
   
Anh Trần Tiệp ở xã Hương Trạch đang lo lắng khi bờ sông đang “ăn dần” vào nhà
   
  Biết được thời gian thủy điện xã lũ để mà ứng phó như  thế vẫn còn may, vì đã nhiều lần đập thủy điện xã nước mà người dân không được biết, nhất là vào mùa mưa bão thường đi kèm mất điện rất khó để nắm bắt được các thông tin xã lũ. Nhiều lần, người dân khi nhìn thấy mực nước trên sông từ thượng nguồn đổ về tăng nhanh hoặc họ được người quen sống ở phía thượng nguồn báo tin mới biết xả lũ và cứ mỗi lần như thế là một lần lo chạy.
   
  Chính vì việc không được cung cấp các thông tin một cách đầy đủ, đã gây nên tâm trạng bất an cho người dân, phía hạ nguồn các thủy điện. Buổi tối nằm ngủ họ cũng lo: liệu hôm  nay thủy điện có xã lũ hay không, Khi thấy trời mưa to như thế này cũng lo thủy điện có bị vỡ đập hay không,  mình đi làm xa nhà thì khi thủy điện xã lũ liệu có về ứng cứu kịp cho gia đình hay không…
   
Hậu quả lớn hơn hiệu quả
  Có thể nói đối với người dân sống ở khu vực hạ lưu ở Hà Tĩnh, vấn đề thủy điện xã lũ gây ngập lụt không chỉ nỗi lo trong mùa mưa bão, mà giờ đây còn là mối lo quanh năm, suốt tháng. Dọc theo tuyến sông Ngàn Sâu đi qua 12 xã nằm trong vùng chịu ảnh hưởng thủy điện Hố Hô, đến đâu chúng tôi cũng được nghe những tâm sự đầy lo lắng của người dân.
   
Đại diện Sở Công Thương Hà Tĩnh cho biết người dân không ung hộ phát triển thủy điện
   
            Báo cáo của UBND xã Hương Trạch cho biết, từ khi có dự án thủy điện thì bờ sông đã ăn lấn vào đất của xã hơn 40 m. Như muốn được các cấp thấu hiểu thêm và chia sẽ với người dân địa phương, ông Nguyễn Văn Loan- Phó Chủ tịch UBND xã “đội mưa” chỉ dẫn chúng tôi những điểm sạt lở trên sông Ngàn Sâu thuộc xã quản lý. Đến thăm gia đình ông Trần Tiệp, nhà ở kề bờ sông ở xóm Ngọc Bội, xã Hương Trạch có hơn 1000 m2 vườn chuyên canh bưởi, hiện giờ đã bị sạt lở mất khoảng 50% diện tích. Ông buồn rầu: “Thời gian trước tình trạng sạt lở bờ sông có xảy ra nhưng rất ít, khi có nhà máy thủy điện thì vấn đề này đã trở nên nghiêm trọng. Nếu Nhà nước không có phương án khắc phục thì khoảng 2 năm nữa vị trí nhà cửa chúng tôi có thể đã nằm trong lòng sông !”. .
  Anh Hùng, một chủ ki ốt ngay bên hữu Cầu Tân Dừa, xã Hương Trạch kể: “Nhà tôi ở bên kia sông, trước kia mùa lũ cũng vài ba lần bị tắc cầu do nước dâng. Nhưng từ khi có thủy điện Hố Hô thì khi nào xả nước là cầu bị ngập nên gia đình phải chuyển chổ ở để tiện làm ăn”. Chứng kiến mới thấu hết nỗi khổ của 280 hộ dân xóm Tân Dừa và Tân Thanh khi mùa bão lũ về. Ông Nguyễn Mạnh Trung còn cho biết thêm: “Cán bộ xã ở bên kia sông nhiều khi cũng phải nghỉ làm bất thường vì thủy điện xã lũ đột ngột. Khổ nhất là bọn trẻ đi học bên này sông không muộn học thì cũng vạ vật tại quán anh Hùng chờ nước rút mới về nhà được”.
   
Thủy điện Hố Hô khi đang xả lũ
   
  Bà Trần Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cạnh bên cũng không dấu được bức xúc: “Cứ đến giờ cao điểm đi lại của người dân là Nhà máy Thủy điện Hố Hô xả nước, làm sản xuất của người dân bị đảo lộn. Trực tiếp là 5 thôn của xã là 800 ha đất, bao gồm 42 ha lúa, 70 ha màu, số còn lại là rừng không thể phát triển”.  Được biết, xã Phúc Trạch đã quy hoạch dãn 50 hộ dân sang bên kia sông để phát triển kinh tế trang trại và chăn nuôi tập trung, đồng thời xây dựng bãi chứa rác thải nhưng đành phải hoãn lại vô thời hạn vì ngập lụt bất thường. Bà Hà cũng đang tự tra vấn mình: “Không rõ khi Nhà máy hoạt động thường xuyên thì người dân quê tôi sẽ qua sông còn khó như thế nào?”
   
Hệ lụy mà thủy điện cần phải có trách nhiệm với người dân
   
  Tìm hiểu về tác động của Thủy điện Hương Sơn đối với vùng hạ du? ông Trần Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Kim I khẳng định: “Làm thủy điện tất yếu phải phá rừng. Mất rừng thì lũ về nhanh hơn. Riêng trận lũ xảy ra ngày 16/10 vừa rồi cả xã có 1 người chết, 3 người bị thương và 466 hộ bị ảnh hưởng. Nên nghe nói sắp tới có thể xây thêm Thủy điện Hương Sơn II, người dân lại càng thêm lo!”.
  Làm việc với cơ quan tham mưu của Hà Tĩnh, Ông Nguyễn Doãn Lợi- Trưởng Phòng Quản lý điện năng Sở Công Thương Hà Tĩnh cho biết: “Công tác giám sát hậu đánh giá tác động môi trường và quản lý vận hành hồ chứa thủy điện, thường xuyên được các cơ quan chức năng kiểm tra và giám sát chặt chẽ. Riêng Sở Công Thương hàng năm đều phê duyệt phương án bảo vệ công trình, các phương án phòng chống thiên tai cho các nhà máy thủy điện hiện có”. Khi phóng viên đề cập đến những cái được và mất của địa phương mà thủy điện mang lại, vị đại diện Sở này không mấy mặn mà cho hay, ngoài góp phần điều tiết dòng chảy mùa mưa lũ thì vấn đề phát triển thủy điện ở Hà Tĩnh hiện nay hầu hết người dân không ủng hộ!.
Bài và ảnh: Cao Lĩnh
   
Kỳ 2: Nợ rừng phải trả

   
   
   
   
   
   
   
   
   
   
   
   
   
   
   
   
   
   
   
   
   
   
           
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Cuộc chiến” thủy điện ở Hà Tĩnh - Kỳ 1: Nỗi khổ vùng hạ du
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO