Cù Lao Chàm: Sinh kế bền vững nhờ sống hài hòa với biển

21/06/2017 00:00

(TN&MT) - Nằm cuối dòng sông Thu Bồn, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm (TP. Hội An) được thừa hưởng sự đa dạng các hệ sinh thái vùng cửa sông và ven bờ. Những năm qua, nhờ sống hài hòa với thiên nhiên, vừa giữ gìn tài nguyên môi trường biển lại vừa lưu giữ văn hóa đã mang lại sinh kế lâu dài cho cộng đồng dân cư Cù Lao Chàm.

Khai thác gắn với bảo tồn

Vào mỗi buổi sáng, tại nhà ông Trần Công ở thôn Cấm, xã đảo Tân Hiệp lại đông vui khi các thành viên của Tổ cộng đồng khai thác và bảo vệ cua đá mang những con cua vừa bắt được tối hôm trước đến để dán nhãn sinh thái trước khi bán ra ngoài thị trường.

Theo ông Trần Công - Tổ trưởng Tổ cộng đồng khai thác và bảo vệ cua đá, mỗi tháng, các thành viên của tổ chỉ được khai thác khoảng 50 con cua đá, với kích thước một con cua từ 7 cm trở lên (chiều ngang thân). Việc khai thác cua trên đảo diễn ra từ tháng Giêng đến cuối tháng 7 Âm lịch, những tháng còn lại việc khai thác bị cấm vì là mùa sinh sản của cua. Theo quy định, cua đá có chiều ngang mai trên 7 cm, không mang trứng mới được dán nhãn cho phép bán ra thị trường; còn những con không đủ tiêu chuẩn sẽ bị giữ lại và được phóng thích về lại môi trường tự nhiên. Đối với những nhà hàng tiêu thụ cua đá mà không có tem dán của tổ khai thác sẽ bị các cơ quan chức năng tịch thu cua và xử phạt tiền.

Dán nhãn sinh thái cua là một mô hình thành công trong việc kết hợp hài hòa giữa bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên ở Cù Lao Chàm
Dán nhãn sinh thái cua là một mô hình thành công trong việc kết hợp hài hòa giữa bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên ở Cù Lao Chàm

“Mô hình bảo vệ cua đá không chỉ bảo vệ cua đá mà người dân địa phương cũng được hưởng lợi. Nếu như trước đây, người dân bán cua với giá chỉ 200.000 đồng/kg và thường bị tư thương ép giá thì từ khi mô hình ra đời, giá bán tối thiểu được quy định là 500.000 đồng/kg vào năm 2013, năm 2014 được nâng lên 750.000 đồng/kg và hiện nay là 1 triệu đồng/kg.”- ông Trần Công cho biết thêm.

Ông Lê Vĩnh Thuận- Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, hoạt động của Tổ cộng đồng khai thác và bảo vệ cua đá là một mô hình thành công trong việc kết hợp hài hòa giữa bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Qua khảo sát thực tế, thời gian gần đây, số lượng cua đá trong tự nhiên đã bắt đầu tăng dần về số lượng, góp phần giữ vững sự đa dạng hệ sinh thái trên đảo.

Không chỉ vậy, các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, quần cư rong biển, rừng tự nhiên, bãi cát… tại Cù Lao Chàm cũng đã được người dân tiếp cận với khái niệm bảo tồn biển, hay nói cách khác là tiếp cận quản lý trên cơ sở hệ sinh thái.

Du khách đến với Cù Lao Chàm ngày càng đông
Du khách đến với Cù Lao Chàm ngày càng đông

Những năm qua, Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm và cộng đồng dân cư nơi đây đã triển khai phục hồi san hô và nuôi cấy tại vùng phục hồi 4.800 loài san hô và tại vườn ươm 750 loài. Tỷ lệ sống của san hô nuôi cấy tại vườn ươm khoảng 87% và tại vùng phục hồi là 74%. Số tập đoàn san hô tách từ vườn ươm sang phục hồi là hơn 400 tập đoàn. Đồng thời một số tập đoàn san hô bàn, cành mới cũng đã được ghi nhận tại các gềnh đá Cù Lao Chàm. Đây là dấu hiệu phục hồi tự nhiên của các loài san hô tạo rạn tại các vùng nước được giữ gìn sạch sẽ.

Phát triển du lịch sinh thái

Theo số liệu thống kê, KBT biển có 736 loài thuộc 263 giống của các nhóm sinh vật chủ yếu trong hệ sinh thái rạn san hô, cụ thể: Cỏ biển có 5 loài thuộc 3 giống, rong biển kích thước lớn có 76 loài thuộc 46 giống, san hô tạo rạn có 277 loài thuộc 40 giống, cá rạn san hô có 270 loài thuộc 105 giống, thân mềm có 97 loài thuộc 61 giống và da gai có 11 loài thuộc 8 giống. Đây là những là nguồn lực tự nhiên, quan trọng hỗ trợ cho sự phát triển du lịch sinh thái Cù Lao Chàm - Hội An.

Việc bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi tự nhiên tại khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm không những góp phần cải thiện môi trường sinh thái, tái tạo nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh thái trong lòng biển mà còn mở ra triển vọng mới về sản phẩm du lịch biển đảo đầy tiềm năng. Số du khách đến với Cù Lao Chàm năm 2004 là vài ngàn người, năm 2012 là 106.000 và năm 2016 lên đến hơn 440.000 người, là minh chứng về sự hấp dẫn của vùng biển đảo ngập tràn nắng gió này.

Một góc Cù Lao Chàm
Một góc Cù Lao Chàm

Du lịch sinh thái phát triển đã và đang tạo cơ hội cho người dân cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đến nay đã có hơn 500 người dân địa phương trong tổng số 560 hộ gia đình tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch sinh thái với hơn 12 loại hình sinh kế mới. Thu nhập được nâng cao, chất lượng cuộc sống được cải thiện là động lực cho người dân tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường và tài nguyên vùng đảo. Các mô hình phân loại rác tại nguồn, nói không với túi ni lông, dán nhãn sinh thái cua đá đã và đang được người dân hưởng ứng và tạo tiếng vang trong cả nước.

Ông Đinh Hài- Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Nam cho biết, mấy năm trở lại đây, lượng khách đến với Cù Lao Chàm tăng gấp nhiều lần. Chính vì thế, tình hình kinh tế - xã hội của xã đảo Cù Lao Chàm phát triển mạnh mẽ, đời sống người dân được cải thiện rất nhiều nhờ làm du lịch. Người dân xã đảo từ sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp và ngư nghiệp thì đến nay người dân có thể sống khá giả nhờ làm dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, trước sự phát triển quá lớn lượng khách đến với đảo Cù Lao Chàm, ngành du lịch tỉnh cũng như các cấp chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp định hướng cho sự phát triển bền vững, vừa đảm bảo phát triển kinh tế vừa đảm bảo môi sinh và môi trường kinh doanh... để làm sao Cù Lao Chàm thực sự là “thiên đường nghỉ dưỡng” của du khách trong nước và quốc tế.

Bài & ảnh: Lan Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cù Lao Chàm: Sinh kế bền vững nhờ sống hài hòa với biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO