Cú 'bẻ lái chiến lược' và hai chặng đường lớn của Chính phủ

02/01/2016 00:00

Ổn định được tình hình, đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức thành công và dần tiến bước vào giai đoạn phát triển mới với một mô hình tăng trưởng mới, có...

 

Giai đoạn 2011-2015 đã ghi dấu ấn nổi bật về hai chặng đường lớn của Chính phủ, một chặng tập trung ổn định kinh tế vĩ mô và một chặng khác nỗ lực quyết liệt nhằm “bẻ lái” cả cỗ máy kinh tế sang một mô hình tăng trưởng mới.

Trong quá trình đó, năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ được nâng lên một bước rõ rệt, trước hàng loạt diễn biến hết sức phức tạp của tình hình trong nước và thế giới.

Cú “bẻ lái” chiến lược đầu nhiệm kỳ

Nhiệm kỳ 2011-2015 bắt đầu khi những nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô trở thành thách thức vô cùng lớn với nền kinh tế Việt Nam, khi mô hình tăng trưởng trước đây bộc lộ nhiều vấn đề cần giải quyết, cộng thêm với những tác động như “thêm dầu vào lửa” từ tình hình thế giới.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hết năm 2010 tăng 11,75%. Kế hoạch năm 2011 tăng không quá 7%, nhưng chỉ hết tháng 3 đã tăng 6,12%. Mặt bằng lãi suất tăng cao, giá xăng, giá lương thực cũng tăng mạnh. Cùng với đó là tỷ giá tăng, nhập siêu lớn, cán cân thanh toán quốc tế thâm hụt, dự trữ ngoại hối giảm gây áp lực lên thị trường tiền tệ và tỷ giá; giá vàng biến động bất thường, tình trạng đô la hóa, vàng hóa cao, niềm tin vào VND giảm, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Tình hình “nóng như trên chảo lửa”.

Trước tình hình đó, từ ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sau khi báo cáo và xin ý kiến Bộ Chính trị và Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Với Nghị quyết này, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội trở thành mục tiêu được tập trung ưu tiên hàng đầu, vừa là nhiệm vụ cấp bách ngắn hạn của năm 2011, vừa là nhiệm vụ quan trọng của một vài năm tiếp theo, trong khi không quá câu thúc bởi mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP năm 2011 cao hơn năm 2010.

Từ đó, nhất là từ cuối năm 2013, kinh tế vĩ mô đã dần trở lại ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 18,13% năm 2011 xuống còn khoảng 2% vào năm 2015, thấp nhất trong 15 năm qua.

Năm 2015 và cả giai đoạn 2011-2015 đã kết thúc với những thành quả rất đáng khích lệ, khi tốc độ tăng trưởng GDP tăng dần và năm 2015 đạt mức cao nhất trong 8 năm qua, trong điều kiện chỉ số giá tiêu dùng giảm mạnh, chỉ có 0,6%. Niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên. Thị trường vàng, ngoại tệ không còn những “cơn sốt”, khắc phục một bước quan trọng tình trạng đôla hoá, vàng hoá trong nền kinh tế.

Thế nhưng, những thành quả ấy có được không chỉ nhờ những nỗ lực ổn định vĩ mô. Góp phần quan trọng không kém để làm nên thành quả ấy, là những nỗ lực quyết liệt, bền bỉ nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng.

Bước chuyển của mô hình tăng trưởng

Khi tình hình đã ổn định cũng là lúc Chính phủ có điều kiện để chú trọng thực hiện hiệu quả hơn những nhiệm vụ trung và dài hạn. Như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra, từ năm 2011 đến hết 2013, “chúng ta đã dành nhiều công sức, nguồn lực để giải quyết những vấn đề trước mắt và đạt được những kết quả quan trọng. Đồng thời cũng đã chú trọng thực hiện nhiệm vụ trung và dài hạn nhưng kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu”.

Trong khi đó, nếu không giải quyết tốt những nhiệm vụ trung và dài hạn này thì “sẽ không bảo đảm được ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc, không khai thác có hiệu quả được tiềm năng của đất nước và cơ hội trong hội nhập quốc tế và cũng không tạo lập được nền tảng cho phát triển nhanh, bền vững”. Trong bài viết đầu năm mới 2014, Thủ tướng đã nêu lên những yêu cầu cải cách, trọng tâm là đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, để tạo ra những động lực mới cho đất nước phát triển.

Từ đầu năm 2014, trên cơ sở đường lối của Đảng và không gian hiến định mà Hiến pháp 2013 đã mở ra, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành hàng loạt luật mới, nổi bật là các luật nhằm bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… Nhiều luật mới nhằm cụ thể hóa những quyền tự do dân chủ của nhân dân mà Hiến pháp đã quy định như Luật Biểu tình, Luật ề hội, Luật Tiếp cận thông tin… cũng đang được xây dựng.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Chính phủ đã chủ động triển khai hàng loạt giải pháp cụ thể nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với hai Nghị quyết cùng mang số 19/NQ-CP trong hai năm 2014-2015, với mục tiêu đưa môi trường kinh doanh Việt Nam vào nhóm 4 nước hàng đầu ASEAN. Kết quả là mới đây, Việt Nam đã tăng tới 12 bậc về năng lực cạnh tranh toàn cầu, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Cùng với đó, tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả. Kế hoạch đầu tư công lần đầu tiên được lập theo tầm nhìn trung hạn, thay vì hàng năm như trước đây, Luật Đầu tư công cũng được ban hành.

Về tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là cổ phần hóa, trong 5 năm đã đạt 93% kế hoạch. Về tái cơ cấu ngân hàng, đến tháng 9 năm 2015, đã giảm 17 tổ chức tín dụng yếu kém; nợ xấu chỉ còn 2,9%, giảm ấn tượng so với mức gần 18% ở thời điểm tháng 9/2012.

Ba khâu đột phá chiến lược về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về nguồn nhân lực và về kết cầu hạ tầng được tập trung thực hiện và đạt kết quả tích cực. Có những sự đổi thay nhìn thấy được, như những chuyển biến về hạ tầng giao thông vận tải; việc kiên trì thực hiện giá thị trường theo lộ trình đối với xăng dầu, than, điện, nước, dịch vụ giáo dục, y tế; việc triển khai cổ phần hóa và áp dụng cơ chế tự chủ với các đơn vị sự nghiệp công lập như bệnh viện, trường học…

Cũng trong 5 năm qua qua đã ghi dấu ấn về bước hội nhập sâu rộng mới chưa từng có của Việt Nam. Chủ động thương lượng và ký kết các hiệp định thương mại tự do với 55 nước, trong đó có những đối tác hàng đầu thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản, Việt Nam trở thành điểm giao thoa của những hiệp định thương mại lớn nhất, quan trọng nhất thế giới đầu thế kỷ 21.

Nhiều ý kiến đánh giá rằng với các hiệp định này, Việt Nam đã đi trước nhiều nước trong khu vực từ 5 đến 7 năm.

Nhiều ý kiến khẳng định rằng, làn sóng cải cách thứ hai đã được bắt đầu, với những nỗ lực từ phía Chính phủ.

Vững tay chèo

Ngoài thách thức lớn về ổn định vĩ mô từ đầu nhiệm kỳ, trong suốt quá trình thực hiện kế hoạch 5 năm, tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong số đó, phải kể đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam và việc một số đối tượng xấu lợi dụng việc nhân dân ta biểu thị lòng yêu nước đã có những hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Đó là việc giá dầu thô lao dốc, đồng Nhân dân tệ đột ngột giảm giá, một số nền kinh tế lớn suy giảm tăng trưởng.

Tất cả những diễn biến đó đã tác động không nhỏ tới tình hình kinh tế-xã hội, đặt các cơ quan chức năng của Việt Nam trước những thách thức không dễ giải quyết. Nhưng chúng ta đã vượt qua được tất cả những khó khăn, thách thức đó.

Quốc phòng an ninh vẫn được tăng cường, bảo đảm độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị-xã hội và môi trường hoà bình để xây dựng, bảo vệ đất nước. Kinh tế tiếp tục phát triển ổn định, thu ngân sách vẫn được bảo đảm.

Hơn thế nữa, qua những diễn biến phức tạp nói trên, phản ứng chính sách đã linh hoạt hơn, tốt hơn, nhanh hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn, sâu sát hơn. Trong những thời khắc quan trọng, những hành động và thông điệp từ các cơ quan chức năng đã phát huy hiệu quả.

Một ví dụ điển hình cần nhắc tới, đó là việc nhắn tin qua các mạng điện thoại để truyền tải thông điệp của Thủ tướng Chính phủ kêu gọi mọi người Việt Nam góp phần cùng cả nước bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc theo đúng luật pháp của nước ta và luật pháp quốc tế, không có những hành động vi phạm pháp luật, không nghe theo kẻ xấu gây tổn hại đến lợi ích và hình ảnh đất nước…

Một việc làm tưởng chừng đơn giản này trên thực tế đã thay đổi căn bản cách thưc chỉ đạo, điều hành và tạo hiệu ứng lan tỏa, tác động cực kỳ rộng lớn và hiệu quả.

Năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, nói cách khác là năng lực “xử lý khủng hoảng”, xoay chuyển tình hình trong những thời khắc “nước sôi lửa bỏng” cần ứng phó nhanh và kịp thời đã được nâng lên một bước. 

Nhìn lại 5 năm qua, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức và còn nhiều hạn chế, yếu kém, nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, chúng ta cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đã đề ra, tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển cao hơn, bền vững hơn trong giai đoạn tới.

Phải đặt trong bổi cảnh đầy phức tạp, khó khăn, thách thức như trên, phải nhìn lại nhiệm vụ nặng nề, trọng trách lớn lao mà đất nước, nhân dân giao phó trong 5 năm qua, mới thấy được ý nghĩa của những thành quả ấy, mới thấy rõ được năng lực của những người “đứng mũi chịu sào” của con thuyền kinh tế Việt Nam trên đường ra biển lớn.

Ổn định được tình hình, đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức thành công và dần tiến bước vào giai đoạn phát triển mới với một mô hình tăng trưởng mới, có thể nhận xét tổng quát như vậy về công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ 5 năm qua.

Theo Chinhphu.vn

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cú 'bẻ lái chiến lược' và hai chặng đường lớn của Chính phủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO