Cty CP Cấp nước Sơn La: Giá nước tăng đi kèm tăng chất lượng?

13/07/2016 00:00

(TN&MT) – Như Báo TN&MT đã phản ánh, hiện nay, nhiều người dân tại TP Sơn La đang cảm thấy hoang mang khi giá nước tăng cao, một số chi phí lắp đặt, đấu nối và tính giá nước chưa được làm rõ. Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Văn Đính – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Sơn La xung quanh những vấn đề trên.

Ông Bùi Văn Đính – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cấp nước Sơn La.
Ông Bùi Văn Đính – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cấp nước Sơn La.

PV: Xin ông cho biết diễn biến tăng giá nước trong 5 năm trở lại đây? Nguyên nhân của việc tăng giá nước là gì, thưa ông?

Ông Bùi Văn Đính: Trong 5 năm qua, sự biến động về giá cả thị trường đã làm nhiều yếu tố chi phí đầu vào cho quá trình sản xuất nước sạch gia tăng như điện, mức lương tối thiểu, nguyên vật liệu, hóa chất… Mặt khác, đô thị tại tỉnh Sơn La liên tục mở rộng, nhu cầu dùng nước tăng cao, trong khi công suất và năng lực phục vụ của hệ thống cấp nước đều đã cũ nát, quá tải. Nhu cầu vốn dùng cho việc sửa chữa và cải tạo nâng cấp, đầu tư mở rộng hệ thống cấp nước là rất lớn.

Thực hiện Chương trình quốc gia chống thất thoát, thất thu nước sạch đến năm 2025 và đảm bảo cấp nước an toàn, Công ty đã phải tăng nhiều kinh phí cho việc sửa chữa, đầu tư cải tạo mạng lưới và đổi mới công nghệ để theo lộ trình, dần giảm tỷ lệ thất thoát và cải thiện nâng cao chất lượng nước và chất lượng dịch vụ ngày một tốt hơn.

Do đó, căn cứ vào các quy định của Chính phủ, các thông tư hướng dẫn của các bộ ngành về việc sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, giá nước đã được tỉnh và các ngành xem xét điều chỉnh theo đúng nguyên tắc, nằm trong khung giá quy định và với mức tăng không đột biến (trên dưới 10%/năm). Việc điều chỉnh giá nước là cần thiết, mang tính chất khách quan, đúng với các quy định về quản lý giá của nhà nước, đảm bảo ngành nước có thể cân đối nguồn thu và chi phí.

Điển hình, với giá nước năm 2016 vừa được ban hành, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng từ 18-20m3 nước/tháng. Như vậy, chí phí tiền nước bình quân mỗi hộ phải trả tăng thêm khoảng 12.600-14.000 đồng/tháng. Tôi cho rằng, mức giá này phù hợp với khả năng thanh toán của khách hàng và không gây sốc về giá.

PV: Tại nhiều hộ gia đình, lượng nước sử dụng hàng tháng luôn rất cao do trước thời điểm bơm nước hàng ngày, phải mất khoảng 15-20 phút đồng hồ nước quay do "khí", trước khi nước về. Công ty có nắm được thực trạng này không và có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này, thưa ông?

Ông Bùi Văn Đính: Hiện trạng này Công ty cũng đã nắm được qua phản ánh của khách hàng. Tuy nhiên, việc nước quay do “khí” chỉ xảy ra với một số hộ khách hàng ở một số khu vực cao xa, cuối mạng, phải bơm qua nhiều cấp mới tới, có đường ống đi qua địa hình phức tạp, Công ty chưa kịp cải tạo hoặc cải tạo chưa xong. Dẫn đến đôi khi có tình trạng ‘có khí” trước khi nước về.

Để khắc phục tình trạng trên, Công ty đã và đang triển khai việc cải tạo hợp lý hóa mạng lưới đường ống kết hợp với việc lắp đặt các van xả khí trên các tuyến ống này. Nếu còn khách hàng nào vẫn bị tình trạng trên, đề nghị phản ánh tới Công ty, chúng tôi xin hứa sẽ sửa chữa khắc phục ngay.

PV: Một số hộ dân cho rằng, việc thu phí đấu nối hiện nay là vô lý. Qua so sánh với một số tỉnh thành khác như Điện Biên, Lai Châu… và ngay cả Thủ đô Hà Nội, không có tỉnh thành nào áp dụng mức thu phí duy trì đấu nối 1m3 nước/tháng như Sơn La. Ông lý giải như thế nào về vấn đề này?

Ông Bùi Văn Đính: Việc duy trì phí đấu nối căn cứ theo khoản 1 điều 3 và mục đ khoản 2 điều 5 Thông tư số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT ngày 15/5/2012 của liên bộ Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền định giá tiêu thụ nước tại các đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn: Giá tiêu thụ nước sạch phải được tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất hợp lý, giá thành toàn bộ trong quá trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ (bao gồm cả chi phí duy trì đấu nối).

Trong đó, chi phí duy trì đấu nối là để quản lý, duy trì các đấu nối hiện đang sử dụng, kể cả trường hợp khách hàng không sử dụng nước, và sẽ dùng trong kỳ kế hoạch cung cấp nước nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ cấp nước theo nhu cầu khách hàng. Chi phí duy trì đấu nối do UBND tỉnh quy định cụ thể tính bằng một tỷ lệ nhất định tính trên tổng chi phí sản xuất, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế sử dụng nước tại địa phương. Với Sơn La, chi phí duy trì đấu nối được tính bằng mức bằng 1m3 nước/1 hộ khách hàng, đảm bảo sự công bằng cho những hộ khách hàng có các mức sử dụng nước khác nhau, khi giá nước trên địa bàn tỉnh được chia theo 3 vùng và 6 mức khác nhau.

Những căn cứ để lập dự toán lắp mới một hợp đồng nước.
Những căn cứ để lập dự toán lắp mới một hợp đồng nước.

PV: Khi tiến hành chuyển đồng hồ nước ra khỏi nhà dân, chi phí lắp đặt lại do người dân bỏ ra. Cộng thêm, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tại Sơn La chi phí lắp mới nước có hộ lên tới trên 2 triệu đồng. Nhiều hạng mục trong chi phí lắp đặt được người dân cho là khá khó hiểu. Xin ông cho biết, chi phí lắp đặt mới nước được căn cứ trên những quy định nào?

Ông Bùi Văn Đính: Trách nhiệm của Công ty là quản lý duy tu, sửa chữa các tuyến ống truyền tải và phân phối do công ty đầu tư, chủ yếu nằm trên vỉa hè, chạy dọc các tuyến đường. Tuyến ống vào hộ khách hàng được đấu nối với tuyến ống của công ty là tài sản của khách hàng, do khách hàng quản lý và phải chịu chi phí sửa chữa.

Về chi phí lắp mới nước được Công ty lập hợp đồng và dự toán căn cứ theo các quy định của nhà nước. Đó là Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; Thông tư số 06/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ xây dựng về việc hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Dự toán xây dựng lắp nước mới được lập theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 32/2015/NĐ-CP được xác định cho công trình, hạng mục công trình, công trình phụ trợ, công trình tạm phục vụ thi công. Trong đó, chi phí xây dựng gồm chi phí trực tiếp, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước, thuế giá trị gia tăng.

PV: Vậy ông khẳng định việc tính giá nước và các chi phí hiện nay là hoàn toàn hợp lý, thưa ông?

Ông Bùi Văn Đính: Chúng tôi khẳng định, việc tăng giá nước và áp dụng chi phí lắp đặt là hoàn toàn đúng các quy định pháp luật. Việc tăng giá nước đã được các cơ quan liên quan tiến hành thẩm định giá với quy trình rất chặt chẽ.

Đi kèm với việc tăng giá nước, Công ty đã đẩy mạnh cải tạo mạng lưới, sửa chữa nâng cấp hệ thống cấp nước, đổi mới trang thiết bị, dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng nước, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Bên cạnh đó, theo yêu cầu của các cơ quan quản lý, việc kiểm soát chất lượng nước ngày càng khắt khe hơn. Cụ thể, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các đơn vị sản xuất cấp nước phải đạt chuẩn theo tiêu chuẩn 01 của Bộ Y tế, hơn 100 chỉ tiêu chất lượng nước phải đáp ứng. Để làm được điều đó, bắt buộc Công ty phải đầu tư, đổi mới công nghệ. Những năm gần đây, chất lượng nước và chất lượng dịch vụ cấp nước trên địa bàn thành phố Sơn La đã được nâng lên rất nhiều. Ngay cả những khu vực xa nhất như Bản Nậm Tròn, xã Chiềng Ngần cũng đã được cấp nước đầy đủ.

Về ý kiến phản ánh của người dân, người dân có thắc mắc có thể liên hệ trực tiếp với Văn phòng Công ty, các xí nghiệp cấp nước – đơn vị trực tiếp hiểu sâu về lĩnh vực này để tìm hiểu rõ vấn đề.

Xin cảm ơn ông!

Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này tới bạn đọc.

Nguyễn Nga (thực hiện)

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cty CP Cấp nước Sơn La: Giá nước tăng đi kèm tăng chất lượng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO