"Công trình xanh": Singapore 1.200, Đài Loan 500... Việt Nam chưa tới 10!

05/10/2015 00:00

Đó là số liệu được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Mỹ Linh cho biết chiều 4/10, tại buổi kỷ niệm Ngày Kiến trúc Thế giới 2015 với chủ đề “Kiến trúc, Xây dựng, Khí hậu – Trách nhiệm và Giải pháp” do Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng.

Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn cho hay, hướng tới Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu tại Paris 2015, Liên hiệp Hội KTS Thế giới chọn chủ đề “Kiến trúc, Xây dựng, Khí hậu – Trách nhiệm và Giải pháp” cho Ngày Kiến trúc Thế giới 2015 để nêu bật vai trò thiết yếu của kiến trúc và quy hoạch đô thị trong việc giảm thải khí nhà kính; kêu gọi các Hội KTS thành viên, trong đó có Hội KTS Việt Nam, ứng dụng rộng rãi các giải pháp giảm thải CO­2 trong thiết kế kiến trúc, đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Buổi kỷ niệm Ngày Kiến trúc Thế giới 2015 với chủ đề “Kiến trúc, Xây dựng, Khí hậu – Trách nhiệm và Giải pháp” do Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng chiều 4/10 (Ảnh: HC)
Buổi kỷ niệm Ngày Kiến trúc Thế giới 2015 với chủ đề “Kiến trúc, Xây dựng, Khí hậu – Trách nhiệm và Giải pháp” do Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng chiều 4/10 (Ảnh: HC)

Theo ông Nguyễn Tấn Vạn, Hội KTS Việt Nam luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng và khuyến khích giới KTS sáng tạo, thiết kế kiến trúc, đô thị theo hướng bền vững, thích ứng với những biến đổi phức tạp của thiên nhiên thông qua các giải thưởng Kiến trúc quốc gia, Kiến trúc xanh, thi thiết kế nhà vùng ngập lụt, bão, lũ…

Từ năm 2011 đến nay, Hội KTS Việt Nam cũng đã công bố Tuyên ngôn Kiến trúc Xanh Việt Nam, thành lập Hội đồng Kiến trúc Xanh Việt Nam và nghiên cứu xây dựng tiêu chí Kiến trúc Xanh Vệt Nam mà trong đó vấn đề sử dụng hiệu quả năng lượng, giảm thải khí nhà hính được đề cao.

Tuy nhiên, số liệu do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Mỹ Linh công bố vào dịp này lại cho thấy tình hình không lạc quan đến vậy. Theo đó, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, sự phát triển quá nhanh của các đô thị Việt Nam trong thế kỷ 21 đã và đang đặt ra nhiều thách thức mang tính toàn cầu về kinh tế, văn hóa, dân số, lương thực, năng lượng cho phát triển, ô nhiễm môi trường… và đối mặt với những thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu gây ra.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Mỹ Linh phát biểu tại buổi kỷ niệm (Ảnh: HC)
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Mỹ Linh phát biểu tại buổi kỷ niệm (Ảnh: HC)

“Theo dự báo, Việt Nam thuộc về nhóm các quốc gia trên thế giới có nguy cơ chịu tổn hại nặng nề bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt vùng đồng bằng sông Cửu Long là nơi dễ bị tổn thương trước hiện tượng nước biển dâng. Với mức phát thải gây hiệu ứng nhà kính như hiện nay, nếu thế giới không có những hành động kịp thời, dự báo đến cuối thế kỷ này nước biển sẽ dâng lên 98cm. Lúc đó, hơn 20% diện tích TP.HCM sẽ bị lụt, 10 – 12% dân số Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và cả nước sẽ bị thiệt hại khoảng 10% GDP!” – bà Phan Mỹ Linh nhấn mạnh.

Trong khi đó, dẫn nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế, bà Phan Mỹ Linh cho biết, hiện xây dựng là ngành tiêu thụ năng lượng nhiều nhất tại Việt Nam, chiếm tới 36 – 40% tổng năng lượng tiêu thụ của cả nước. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng công trình xanh trên thực tế còn rất khiêm tốn, chưa hình thành được thị trường xây dựng công trình xanh.

“Chỉ tính riêng năm 2014, Singapore có gần 1.200 công trình được cấp chứng chỉ công trình xanh, Đài Loan có 500 công trình, Malaysia cũng có 125 công trình. Trong khi ở Việt Nam cho đến nay chỉ mới có chưa đến 10 công trình được xem xét cấp chứng chỉ công trình xanh và phần lớn đều là các công trình có chủ đầu tư nước ngoài!” – bà Phan Mỹ Linh cho biết.

Trước tình hình đó, theo bà Phan Mỹ Linh, việc đề xuất các ý tưởng và thúc đẩy phát triển các “công trình xanh”, tiến tới xây dựng nên những “thành phố xanh” song song với việc lồng ghép quan điểm về tiết kiệm năng lượng và chống biến đổi khí hậu là một phần nhiệm vụ của những người hành nghề trong lĩnh vực kiến trúc nhằm góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế, giảm thải khí nhà kính, thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu về ứng phó biến đổi khí hậu và “tăng trưởng xanh”.

“Tăng trưởng xanh” là hướng tiếp cận mới của thế giới trong tăng trưởng kinh tế, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, nuôi dưỡng cuộc sống con người, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Đây được đánh giá là con đường ngắn nhất hướng tới sự phát triển kinh tế bền vững. Sự tham gia, hưởng ứng, vào cuộc của các lực lượng xã hội, đặc biệt là đội ngũ KTS, các nhà quy hoạch trong vấn đề này là rất cần thiết và hết sức quan trọng!” – bà Phan Mỹ Linh nhấn mạnh.

Theo Infonet

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Công trình xanh": Singapore 1.200, Đài Loan 500... Việt Nam chưa tới 10!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO