Công nghiệp bê tông: Giảm tác động tiêu cực đến môi trường

03/11/2016 00:00

(TN&MT) - Bê tông là loại vật liệu xây dựng được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới. Theo Liên đoàn Bê tông châu Á (ACF), ước tính hàng năm sản lượng bê tông...

(TN&MT) - Bê tông là loại vật liệu xây dựng được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới. Theo Liên đoàn Bê tông châu Á (ACF), ước tính hàng năm sản lượng bê tông toàn cầu đạt 35 tỷ tấn và có xu hướng tăng lên trong những năm sắp tới. Có nghĩa là, một lượng lớn tài nguyên sẽ được sử dụng để sản xuất bê tông. Sự tiêu tốn này đòi hỏi ngành công nghiệp bê tông phải hướng đến áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ, cũng như sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên để giảm thiểu đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực với môi trường.  
 
Xung quanh vấn đề này, bên lề Hội nghị quốc tế lần thứ 7 của Liên đoàn Bê tông Châu Á (ACF2016), ông Lương Đức Long - Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (VLXD) (Bộ Xây dựng) đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường.
 
PV: Thưa ông, câu chuyện phát triển công nghiệp bê tông ở Việt Nam hiện nay cũng như thế giới đang đặt ra những vấn đề về phát triển bền vững. Theo quan điểm của ông, nhà sản xuất trong nước cần phải ứng dụng khoa học công nghệ như thế nào trong sản xuất bê tông?
 
Ông Lương Đức Long: Như chúng ta đã biết, thế kỷ 21, kết cấu bê tông vẫn là một trong những kết cấu chủ yếu trong xây dựng nói chung. Nhu cầu của thời đại ngày nay là các sản phẩm có tính năng cao, có tính bền vững và hướng tới phát triển vật liệu xanh. Sản xuất bê tông cũng phải đi theo hướng như vậy. Thứ nhất, cần nâng cao chất lượng, tính năng của bê tông, ví dụ như nâng cao tính chịu lực, khả năng dẻo dai, nâng cao độ bền vững trong mọi môi trường sử dụng. Thứ hai, không thể thiếu được việc sử dụng các vật liệu tái chế.
 
Đối với bê tông tái chế cũng có 2 vấn đề: Một là, bê tông cốt liệu; hai là chất kết dính và các khoáng mịn sử dụng trong bê tông. Tôi cho rằng, bê tông có tính năng cao, bền vững và xanh cần phải quan tâm đến tất cả các yếu tố trên.
 
Thi công bể bơi bằng công nghệ phun bê tông. Ảnh: MH
Thi công bể bơi bằng công nghệ phun bê tông. Ảnh: MH
 
PV: Thưa ông, nhiều nhà sản xuất bê tông hiện nay cho rằng, việc ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất bê tông sẽ giúp giảm giá thành, đặc biệt là giảm sự ô nhiễm môi trường. Cách nhìn nhận đánh giá của ông về công nghệ mới như thế nào?
 
Ông Lương Đức Long: Tôi cho rằng, điều đó hoàn toàn đúng. Nói về công nghệ bê tông, phải nói đến 2 khía cạnh. Đầu tiên, vật liệu để chế tạo ra bê tông là từ hỗn hợp bê tông gồm các thành phần xi măng, cốt liệu, phụ gia và chất kết dính. Muốn tăng tính bền vững phải sử dụng hợp lý tất cả các thành phần đấy. Bên cạnh đó, một yếu tố rất quan trọng mà trong hội nghị bê tông Châu Á lần thứ 7 này đề cập đến chính là thiết kế cấu kiện bê tông. Ngoài việc có bê tông tốt, việc lựa chọn thiết kế bê tông như thế nào để đảm bảo tính kỹ thuật, mỹ thuật, bền vững cũng là một yếu tố. Các nhà sản xuất bê tông hiện nay, nhất là sản xuất bê tông cấu kiện, cần phải đặc biệt quan tâm đến việc thiết kế cấu kiện cũng như là kết cấu của bê tông.
 
PV: Ông đánh giá thế nào về công nghệ tái chế hiện nay?
 
Ông Lương Đức Long: Bê tông nói ở góc độ tái chế, trước hết phải nói đến từng thành phần của nó, đầu tiên là chất kết dính. Bản thân trong chất kết dính đã có vật liệu tái chế rồi. Khi đem chất kết dính này phối hợp với cốt liệu sẽ có bê tông. 
 
Công nghệ tái chế của chúng ta hiện nay đáp ứng tương đối tốt, nhưng chưa phổ biến phần nhiều do thói quen sử dụng. 
 
Về chính sách, điểm xanh chính sách tương đối đủ, nhưng khi đi vào cuộc sống để người sử dụng được hưởng ưu đãi, lợi ích do chính sách mang lại thì còn nhiều vấn đề chưa cụ thể. Ví dụ: Chính sách ưu đãi đối với ngân hàng cho vay và nguồn vốn vay ngân hàng như thế nào(?); chính sách về bán hàng, có được giảm thuế VAT hay không, có ưu đãi về thuế doanh nghiệp hay không…
 
PV: Theo ông, việc sản xuất bê tông hiện nay nếu không sử dụng tốt khoa học công nghệ sẽ gây tác hại như thế nào đến môi trường?
 
Ông Lương Đức Long: Trước đây, khoa học công nghệ chỉ nghiên cứu sao cho tốt hơn, bền hơn, nhưng nay cần phải nghiên cứu sao cho giảm tác động đến môi trường. Sản xuất bê tông khá tiêu tốn tài nguyên, chủ yếu dùng khoáng sản tự nhiên. Chẳng hạn với xi măng. Để sản xuất ra xi măng sẽ phát thải ra khí CO2 – 1 tấn xi măng phát thải khoảng 1 tấn CO2; rồi khai thác đá lấy đi cảnh quan môi trường, vật liệu thiên nhiên trong quá trình nổ mìn; nghiền, sàng, vận chuyển cũng tiêu tốn năng lượng và phát thải… Chính vì thế, vấn đề giảm thiểu ô nhiễm nằm ở quá trình tạo nguồn cung nguyên liệu cho công nghiệp bê tông nhiều hơn là quá trình sản xuất bê tông. 
 
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
 
Thạch Long (thực hiện)
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nghiệp bê tông: Giảm tác động tiêu cực đến môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO