Công nghệ sinh học và vấn đề an ninh lương thực

19/03/2014 00:00

(TN&MT) - Đến nay, đã có khoảng 29 quốc gia trên thế giới ứng dụng công nghệ sinh học trong việc nhân giống cây trồng

   
(TN&MT) - Đến nay, đã có khoảng 29 quốc gia trên thế giới ứng dụng công nghệ sinh học trong việc nhân giống cây trồng, giải quyết vấn đề an ninh lương thực của mình. Từ năm 1996, Việt Nam cũng đã tham gia sử dụng công nghệ này trong việc nhân giống cây trồng và có hiệu quả đáng kể
   
  Nền nông nghiệp Việt Nam, bên cạnh nhiều thành tích đáng kể về xuất khẩu lúa gạo thì đang gặp khó khăn từ thực tế diện tích trồng trọt giảm xuống do hệ quả công nghiệp hóa và đô thị hóa. Trong khi đó, dân số Việt Nam dự kiến chạm mốc 100 triệu người vào năm 2020. Nghĩa là, trong vòng chưa đầy một thập kỷ nữa, Việt Nam sẽ phải đảm bảo đủ lương thực cho số dân tăng thêm này. Vì thế, để có thể đáp ứng được nhu cầu lương thực thì vấn đề cần giải quyết quan trọng nhất là phải tăng năng suất cây trồng trên quỹ đất vốn có, hoặc thậm chí là đang ngày càng hạn hẹp hơn.
   
   
  Trong Nghị quyết về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia từ nay đến năm 2020, bên cạnh những đổi mới trong chính sách đất đai và bảo vệ môi trường, Chính phủ Việt Nam cũng đang nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường nghiên cứu và ứng dụng công nghệ giúp tăng năng suất cây trồng, đây được xem như xu hướng tất yếu và giải pháp hiệu quả đã được khoa học chứng minh nhằm đảm bảo nguồn cung lương thực an toàn cho sức khỏe con người.
   
  Tuy nhiên, để áp dụng công nghệ này, Việt Nam chưa có khả năng tự sản xuất giống cây trồng biến đổi gen. Để có nguồn nguyên liệu đầu vào, chúng ta phải hoàn toàn nhập khẩu, cũng là một vấn đề khó khăn, cản trở sự phát triển. Trước luồng dư luận cho rằng, nếu sử dụng giống biến đổi gen thì sẽ phụ thuộc vào các công ty cung cấp giống nước ngoài và sẽ tạo ra độc quyền, mất chủ động về nguồn cung trong nước, PGS.TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp cho biết: “Vấn đề này không đáng ngại. Thứ nhất, hiện tại chúng ta đã đang sử dụng hạt giống nhập ngoại. Ví dụ như đối với lúa thì giống lúa lai của chúng ta hiện tại phần lớn là giống lúa nhập. Ngoài ra, việc nhập khẩu thức ăn chăn nuôi với số lượng lớn như hiện nay đã đang cho thấy thực chất của việc thiếu chủ động nguồn cung trong nước.
   
  Thứ hai là yếu tố cạnh tranh. Trước đây khi chưa đưa giống ngô lai vào, năng suất trong nước rất thấp và chúng ta không thể chủ động được nguồn giống trong nước. Từ khi giống ngô lai vào đã tạo điều kiện cho phát triển công tác khoa học, đem lại kết quả là hiện chúng ta đã chủ động được đến 40 - 50% giống trong nước. Tôi cho rằng, hạt giống biến đổi gen sẽ góp phần tạo ra tiền đề để tạo ra cạnh tranh và phát triển cho khoa học trong nước về nghiên cứu chọn và tạo giống”.
   
  Đặc biệt, từ năm 2010, với sự hợp tác của tập đoàn Monsanto Philippines, một nhà cung cấp hàng đầu thế giới về giải pháp dựa trên nền tảng công nghệ và các sản phẩm nông nghiệp, Monsanto cam kết cung cấp các công cụ giúp Chính phủ Việt Nam và người nông dân sản xuất  nhiều hơn, bảo tồn nhiều hơn và nâng cao chất lượng cuộc sống.
   
  Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Leo Gonzales về đề tài “Những tác động kinh tế-xã hội và môi trường của giống ngô biến đổi gen chống chịu sâu bệnh sau một thập kỷ thương mại hóa”, 10 năm thương mại hóa ngô Bt ở Philippines đã đem lại những tác động tích cực, nông dân sử dụng hạt giống ngô Bt vượt trội hơn người sử dụng các giống lai thông thường (OH) về năng suất, chi phí sản xuất, tăng thu nhập, hiệu quả kinh tế, khả năng cạnh tranh về giá trên toàn cầu và khả năng thu hồi vốn.
   
  Báo cáo cho thấy, từ năm 2003 - 2011 năng suất trung bình của ngô Bt vượt ngô lai 19%, và thu nhập trung bình tính theo pê-sô trên 1 kg từ ngô Bt cao hơn ngô lai 8%. Xét về hiệu quả kinh tế ngô Bt liên tục vượt ngô lai 29% trong việc đáp ứng chỉ tiêu lương thực và chống nghèo đói và nông dân sử dụng giống ngô Bt có tỉ lệ thu hồi vốn cao hơn nông dân dùng ngô lai 42%”.
   
  Monsanto hợp tác với chính phủ các nước trong đó có Việt Nam bằng việc hỗ trợ chính phủ đạt mục tiêu về sản lượng và giúp nông dân cải thiện cuộc sống thông qua việc tạo ra năng suất cao hơn và đem lại nhiều lợi nhuận hơn với chi phí sản xuất  thấp hơn, cải thiện môi trường bằng cách giảm sử dụng nhiên nguyên liệu thiên nhiên trong quá trình sản xuất, hạn chế xói mòn đất và sự phụ thuộc vào thuốc diệt cỏ, đồng thời tăng khả năng hoàn vốn cho người nông dân.
   
Minh Vũ  
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ sinh học và vấn đề an ninh lương thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO