Công khai việc giải quyết đền bù cảng Kê Gà trước 25/3

13/03/2017 00:00

(TN&MT) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Thuận và Bộ Công Thương đề nghị kiểm tra, xem xét, giải quyết việc thanh toán tiền bồi thường,...

 

(TN&MT) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Thuận và Bộ Công Thương đề nghị kiểm tra, xem xét, giải quyết việc thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho các doanh nghiệp du lịch vì dừng dự án cảng Kê Gà, công khai trước ngày 25/3/2017.

Khu du lịch Đồi Phong Lan bỏ hoang suốt 10 năm đã được tỉnh Bình Thuận và TKV thống nhất bồi thường hơn 36 tỷ nhưng đến nay vẫn chưa trả tiền
Khu du lịch Đồi Phong Lan bỏ hoang suốt 10 năm đã được tỉnh Bình Thuận và TKV thống nhất bồi thường hơn 36 tỷ nhưng đến nay vẫn chưa trả tiền

Cụ thể, tại Văn bản số 1981/VPCP-V.I ngày 6/3/2017, Văn phòng Chính phủ cho biết: Công ty TNHH Vạn Trụ và một số doanh nghiệp du lịch gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị xem xét thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho 12 doanh nghiệp du lịch sau khi dừng dự án cảng Kê Gà. Văn phòng Chính phủ chuyển đơn kiến nghị của các doanh nghiệp du lịch đến UBND tỉnh Bình Thuận để kiểm tra, xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Văn bản số 2156/VPCP-ĐMDN ngày 9/3/2017 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ký, gửi Bộ Công Thương nêu rõ: Văn phòng Chính phủ chuyển đơn kiến nghị của các doanh nghiệp đã đầu tư khu du lịch tại thôn Kê Gà, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận gửi Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình về việc giải quyết bồi thường hỗ trợ thiệt hại, để Bộ Công Thương xem xét, xử lý và trả lời các doanh nghiệp theo thẩm quyền, gửi Văn phòng Chính phủ để công khai trên Cổng  Thông tin điện tử Chính phủ trước ngày 25/3/2017.

Thảm cảnh Khu du lịch Thế Giới Xanh
Thảm cảnh Khu du lịch Thế Giới Xanh

Như Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh: Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc dừng dự án đầu tư xây dựng cảng Kê Gà do Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư, ngày 7/12/2015, Bộ Công Thương đã có công văn số 12438/BCT-CNNg, thống nhất các nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho các doanh nghiệp du lịch. Đặc biệt, Bộ Công Thương đồng ý hỗ trợ “chi phí cơ hội đầu tư” và hỗ trợ “lãi suất tiết kiệm” cho doanh nghiệp, căn cứ vào tỷ suất lợi nhuận trên tổng mức đầu tư dự án.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bình Thuận đã giao Hội đồng đánh giá thiệt hại, bồi thường, hỗ trợ thiệt hại khi dừng đầu tư xây dựng cảng Kê Gà (Hội đồng này bao gồm các sở, ngành chức năng tỉnh Bình Thuận, đại diện TKV). Từ tháng 12/2015, UBND tỉnh Bình Thuận đã thống nhất giá trị các khoản bồi thường, hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch, gồm: Tài sản, chi phí thiết bị nội thất nhà hàng, phòng nghỉ, nhà bếp, hỗ trợ tiền lương, chi phí điện, nước, cải tạo mặt bằng, cây trồng đã chết, chi phí quản lý, xây dựng…

Riêng khoản hỗ trợ “chi phí cơ hội đầu tư”, UBND tỉnh Bình Thuận đã báo cáo Bộ Công Thương tại công văn số 2420/UBNDĐTQH ngày 23/7/2015, mức hỗ trợ được tính là 10% của giá trị vốn doanh nghiệp đã đầu tư. Còn hỗ trợ “lãi suất tiết kiệm”, được tính trên giá trị vốn đã đầu tư, theo lãi suất tiết kiệm bình quân gửi Ngân hàng BIDV công bố (từ năm 2008 - 2015), thời gian hỗ trợ là 96 tháng (từ năm 2008 - 2015)…

Từ đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã chấp nhận bồi thường, hỗ trợ số tiền trên 85,7 tỉ đồng cho các dự án du lịch ở mũi Kê Gà. Trong đó, resort Thế Giới Xanh bị thiệt hại nặng nhất, được bồi thường trên 36,8 tỉ đồng, kế đó là resort Đồi Phong Lan 36,5 tỉ đồng…

Khu du lịch Vạn Trụ
Khu du lịch Vạn Trụ

Tuy nhiên, thay vì chấp thuận bồi thường 85,7 tỉ đồng, như thống kê của UBND tỉnh Bình Thuận, thì chủ đầu tư dự án cảng Kê Gà là Tập đoàn TKV, chỉ đồng ý bồi thường cho các doanh nghiệp du lịch bị thiệt hại có…37,5 tỉ đồng (giảm đi 48,2 tỉ đồng). Theo lý giải TKV: Chỉ số tiền 37,5 tỉ đồng là “có cơ sở pháp lý”(?!). Trong khi đó, TKV lại đề nghị tỉnh Bình Thuận “hỗ trợ về cơ chế, chính sách ưu đãi trong đầu tư cho các dự án du lịch tiếp nhận lại dự án và tiếp tục đầu tư để chia sẻ chi phí hỗ trợ, bồi thường thiệt hại cũng như rủi ro của TKV trong đầu tư dự án, đối với khoản chênh lệch giảm đi 48,2 tỉ đồng”.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, trong các văn bản mới nhất gửi đến Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bình Thuận vẫn kiên định quan điểm TKV phải bồi thường, hỗ trợ  85,7 tỉ đồng cho các doanh nghiệp du lịch bị thiệt hại vì dừng dự án cảng Kê Gà. UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng phương án này đã được Hội đồng đánh giá thiệt hại, bồi thường, hỗ trợ thiệt hại khi dừng đầu tư xây dựng cảng Kê Gà (trong đó có cả đại diện của TKV) xác định kỹ lưỡng, phù hợp với thực tế và đã mời các chủ dự án du lịch làm việc thống nhất. 

Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị Bộ Công Thương xem xét bổ sung giải quyết bồi thường, hỗ trợ cho 2 doanh nghiệp là chủ đầu tư Khu du lịch Vạn Trụ (Công ty TNNH Vạn Trụ) và Resort Thạnh Đạt (Công ty TNHH Thạnh Đạt)…

Đồng thời, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Công Thương cho phép địa phương tính toán lại kinh phí bồi thường theo đơn giá năm 2017 nếu TKV không trả tiền cho các doanh nghiệp du lịch bị thiệt hại trong năm 2016.

 

Năm 2007, Bộ Giao thông Vận tải bổ sung quy hoạch Kê Gà thành cảng tổng hợp và hướng dẫn nhà đầu tư là Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV) xây dựng cảng biển.

Tháng 4/2008, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận thông báo tới các doanh nghiệp du lịch chủ trương đầu tư xây dựng cảng Kê Gà nhằm vận chuyển bôxit từ Tây nguyên xuống và chủ đầu tư là TKV. Kinh phí đầu tư xây dựng cảng ban đầu được thông báo là 550 triệu USD, sau đó được điều chỉnh lên 1 tỉ USD.

Dự án đầu tư xây dựng cảng Kê Gà có chiều dài 2,3km bờ biển với tổng diện tích 366ha.

Trước tình thế này, 12 nhà đầu tư du lịch đã bị buộc phải dừng đầu tư dự án, nhường lại đất của mình cho một dự án lớn hơn của quốc gia và tất cả đều mong mỏi tiền bạc đầu tư của họ đã bỏ ra để xây dựng các khu resort phải được bồi hoàn thỏa đáng (Ước tính hàng ngàn lượng vàng và hàng trăm tỷ đồng vào thời điểm từ năm 2000-2007).

Theo kế hoạch, cảng Kê Gà được khởi công xây dựng vào tháng 9/2009 nhưng sau nhiều lần trì hoãn, dự án này vẫn không được khởi công.

Mãi đến ngày 18/2/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến tỉnh Bình Thuận làm việc và Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định đầu tư dự án cảng Kê Gà không hiệu quả, yêu cầu ngừng xây dựng cảng và giao các bộ liên quan phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận giải quyết hậu quả thiệt hại của các nhà đầu tư du lịch.

 

 

Bài & ảnh: Việt Đức

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công khai việc giải quyết đền bù cảng Kê Gà trước 25/3
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO