Cọn nước góp phần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của đồng bào các DTTS huyện vùng cao Pác Nặm (Bắc Cạn).
Trên nhiều tuyến đường thuộc địa phận huyện vùng cao Pác Nặm (Bắc Cạn) xuất hiện những cọn nước của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chầm chậm, đều đặn quay đưa nước về đồng phục vụ sản xuất. Đây là công cụ phục vụ sản xuất đặc biệt, gắn với đời sống của người dân vùng cao, phù hợp với thực tế, địa hình và thể hiện nếp sống của người dân nơi đây.
Cọn nước đã gắn bó với đời sống, sản xuất của đồng bào các DTTS ở Pác Nặm từ nhiều đời, được làm bằng những vật liệu sẵn có như tre, vầu. Bằng đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo của người dân đã quen ruộng đồng và thông thạo điều kiện tự nhiên, những chiếc cọn nước được dựng lên trên suối ngày càng hoàn thiện, phát huy hết “công năng” là đưa nước vào đồng phục vụ sản xuất. Dọc con suối từ xã Bộc Bố đi vào xã Bằng Thành, những cọn nước bền bỉ quay đều, chậm rãi trên dòng suối tô điểm cho bức tranh làng quê vùng cao thêm sinh động. Nhờ những cọn nước này, nhiều năm trước, hơn 40 ha ruộng ở hai xã Bộc Bố và Bằng Thành có đủ nước để cấy lúa.
Ông Hoàng Văn Nhèo ở thôn Khuổi Bẻ, xã Bộc Bố cho biết: Thôn Khuổi Bẻ có bảy cọn nước, mỗi chiếc phục vụ nước tưới cho khoảng 1 ha ruộng vào thời điểm khô hạn. Bà Đặng Thị Nhình ở thôn Nà Lắng, xã Bằng Thành chia sẻ: Nhờ có những cọn nước mà nhiều hộ dân trong thôn đã không thiếu đói, Nhà nước không phải hỗ trợ gạo nữa, vì cọn nước đã phục vụ nước tưới thường xuyên, cho hai vụ lúa.
Dọc suối Bằng Thành có hơn 30 cọn nước, phục vụ nước tưới cho gần 40 ha ruộng. Những cọn nước này giúp chúng tôi chống hạn hiệu quả, chi phí rẻ, phù hợp với thực tiễn và nếp sống của đồng bào vùng cao...