“Con nợ khát nước”

18/07/2019 12:17

(TN&MT) - Thế giới đang loay hoay trong mớ bòng bong để hạn chế những diễn tiêu cực của biến đổi khí hậu đang gây bất ổn cho nguồn tài nguyên nước. Biến đổi khí hậu có có thể đẩy các quốc gia đến bờ vực phá sản nguồn nước. Chúng ta đã vay mượn của "ngân hàng nước" một món nợ lớn.

TuanlequocgiaNuocsachvesinhmoitruong 20190510211445
Ảnh minh họa

Ước tính, tổng lượng nước trên Trái đất vào khoảng 1.386 triệu km3, tuy vậy, trên 96% số đó là nước mặn. Trong số hơn 3% nước ngọt còn lại, 68% lại tồn tại dạng băng và sông băng; 30% là nước ngầm. Nguồn nước mặt như nước trong các sông hồ, chỉ chiếm khoảng 93.100km3. Đây là những nguồn nước chủ yếu mà con người sử dụng hàng ngày.

 Trước sức ép gia tăng dân số và phát triển kinh tế, nước đang ngày càng bị khai thác và sử dụng vượt quá lượng có thể phục hồi. Đô thị hóa, nông nghiệp, công nghiệp và biến đổi khí hậu đang gây sức ép lên cả chất lượng và số lượng nguồn nước. Sự cạn kiệt nguồn nước, sự gia tăng về nhu cầu nước sạch, sự suy giảm về chất lượng nguồn nước đang là những thách thức toàn cầu mà nhân loại phải đối mặt. Trong khi đó, với nhu cầu về nước ngày càng gia tăng theo đà tăng trưởng dân số, lượng nước ngầm đang bị khai thác đang vượt xa khả năng phục hồi. 

Liên Hợp Quốc đã cảnh báo, tới năm 2050 chúng ta sẽ có thêm khoảng 3 tỷ “con nợ khát nước”. Khoảng 1,8 tỷ người vẫn đang phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn. Nước sạch ngày càng khan hiếm, dân số thế giới ngày càng đông, nhu cầu sử dụng nguồn nước sạch ngày càng cấp thiết.

Ngân hàng Thế giới - WB đã đưa ra những cảnh báo, tác động từ việc biến đổi khí hậu có thể khiến tăng trưởng GDP của các quốc gia giảm tới 6%, nếu họ không kiểm soát được nguồn nước của mình. Các nguồn nước không được quản lý tốt nhiều khả năng sẽ tác động tới sức khỏe của người dân và nông nghiệp của vùng bị ảnh hưởng, đẩy giá lương thực lên cao. Điều này có nguy cơ thổi bùng những xung đột tiềm ẩn và đẩy mạnh làn sóng di cư.

Để tránh một cuộc khủng hoảng sâu rộng trong tương lai, có lẽ cách khả dĩ nhất là loài người phải đánh giá lại cách thức sử dụng, phân bổ nguồn nước và đưa ra những quyết định có ý nghĩa chiến lược về nước theo hướng chuyển từ mở rộng nguồn cung sang hạn chế nhu cầu.

 Nghĩa là thay vì tiếp tục làm cạn kiệt nguồn nước tìm cách vay thêm từ "ngân hàng nước", chúng ta cần sử dụng tiết kiệm khoản đã vay, điều chỉnh nhu cầu của mình cho phù hợp với nguồn cung nước có hạn, đang bất ổn và dần bị thu hẹp. Đồng thời, các chính phủ cần đưa ra các chính sách khí hậu phù hợp với thực tế về nguồn nước.

Chúng ta đã có thể tránh được một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nếu chúng ta hiểu rõ hơn những nguy cơ thực sự đang phải đối mặt. Và đây là lúc chúng ta cần hiểu rõ những nguy cơ liên quan đến nguồn nước và áp dụng mọi giải pháp để bảo vệ nguồn nước - tài sản chi phối mọi sự sống.

Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Con nợ khát nước”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO