Còn nhiều mối lo

 Ngọc Lý| 30/06/2020 15:55

(TN&MT) - Tổng cục Thống kê vừa công bố, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước là mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua.

Nhưng theo đánh giá của cơ quan này, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, việc Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm là thắng lợi của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Đây cũng là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng của Hoa Kỳ năm 2020 âm 6,1%; khu vực đồng Euro âm 9,1%; Nhật Bản âm 6,1%; Malaysia âm 3,1%; Thái Lan âm 5%; Philippines âm 1,9%; Trung Quốc gần rơi vào tình trạng suy thoái với tăng trưởng chỉ đạt 1%, mức thấp nhất trong hơn 4 thập kỷ qua.

Ảnh minh họa

Đưa ra những dự báo như thế để thấy rằng, dù còn khó khăn, nhưng kết quả 6 tháng qua mà chúng ta đạt được là những tín hiệu vui. Thế nhưng, bên cạnh niềm vui ấy, chúng ta cũng phải dừng lại mà suy nghĩ. Bởi lẽ, thời gian qua, còn quá nhiều vấn đề bức xúc của xã hội được nhắc đến qua nhiều kỳ họp, nhưng vẫn không mấy tiến triển bao nhiêu, dù ngân sách đã dồn không ít vào đó.

Hàng tỷ đô la đầu tư cho các dự án cải thiện môi trường đô thị bao năm qua, nay nhìn lại bỗng thấy chẳng cải thiện bao nhiêu. Đường vẫn ngập úng triền miên. Câu hỏi về hiệu quả của khoản đầu tư này còn ngập sâu trong bộn bề giải trình, tìm nguyên nhân, chỉ trách nhiệm???

Nếu việc dự báo và minh bạch về thị trường xuất khẩu gạo sẽ không có chuyện tạm dừng xuất khẩu trong thời điểm giá gạo thế giới lên cao, để khiến người nông dân phải “khóc dở” trên đồng ruộng.

Nếu chính sách điều hành giá cả linh hoạt hơn, không độc quyền, người dân và doanh nghiệp phải khốn khổ mỗi mùa cao điểm, bị “dội” giá điện cao ngất ngưởng trong một thời gian dài. Nếu như số tiền cả nghìn tỷ đồng sinh lãi của ngành điện được tái đầu tư hiệu quả, các nguồn vốn không bị đầu tư dàn trải thì đâu có chuyện chất lượng dịch vụ “chập chờn”, ghi khống số điện lên hàng chục lần?!

Có một thực tế là mỗi khi gặp “việc khó”, người dân bao giờ cũng là đối tượng của các chính sách “gỡ bí” do không ít cấp quản lý đưa ra. Tầm nhìn ngắn hạn, cục bộ đã cản trở không ít tiến trình phát triển và những chính sách ngắn hạn ấy nhanh chóng trở lên lạc hậu (nhiều khi còn lạc hậu lúc mới chỉ là đề xuất).

Không thể cứ mỗi lần gặp việc khó lại đẩy ngay xuống đầu người dân mà không xem xét nghiêm khắc dưới góc độ trách nhiệm của những người cầm cân nảy mục, những người phê duyệt chính sách.

Cốt lõi của vấn đề phải là bảo đảm an sinh xã hội, nhưng công tác này lại chưa được quan tâm đúng mức. Cộng thêm, các chính sách “gỡ bí” cứ càng làm cuộc sống của người dân rối thêm. Lòng dân không yên.

Ở thời điểm khó khăn này, các cơ quan quản lý Nhà nước xin tạm gác lại những ưu tiên chưa thuận lòng dân mà hãy tiếp tục tập trung vào các vấn đề thiết thân cho cuộc sống như ô nhiễm môi trường, tắc đường, chống ngập nước, an ninh trật tự, phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững. Và ngay trong sự vận hành của bộ máy, tối thiểu cũng phải giải quyết được chuyện của chính mình như chống tham nhũng, chống lãng phí của công, giảm phiền hà trong thủ tục hành chính đối với người dân.

Chúng ta bước qua nửa kỳ kế hoạch của năm 2020 với một kỳ tích đáng ghi nhận, nhưng dường như, hiển hiện trước mặt vẫn thật nhiều mối lo: Đại dịch vừa đi qua, nhưng chưa hẳn đã dứt (nguy cơ bùng phát trở lại cũng cần được nhắc đến); Nguồn lực trong dân và doanh nghiệp cũng đang cạn kiệt… Thế nên, ta sẽ thúc đẩy từ đâu để tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế? Khoan sức dân, tạo lập những chính sách có lợi cho dân, cho doanh nghiệp phát triển theo đúng khuôn khổ pháp luật… Và thật nhiều giải pháp khác cần được triển khai đồng bộ, thông suốt. Đó là những vấn đề đặt ra và cần có câu trả lời xác đáng!(?).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Còn nhiều mối lo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO