"Con mắt” báo bão Trường Sa

20/06/2014 00:00

(TN&MT) - Đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo không chỉ có người lính mà còn có những cán bộ của Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa.

(TN&MT) - Trường Sa của Việt Nam hôm nay đang từng ngày thay da đổi thịt. Đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo không chỉ có người lính luôn vững vàng tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương mà còn có những cán bộ của Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa.
   
Báo TN&MT tặng quà cán bộ Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa
   
“Mắt biển” nơi đầu sóng!
   
  Đảo Trường Sa đón chúng tôi vào một ngày giữa tháng 5 chứa chan nắng gió, mang theo hương vị mặn mòi biển cả. Đã từng nghe nhiều câu chuyện về Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa (thuộc Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung Bộ), "con mắt" báo bão sớm nhất cả nước, trạm tiền tiêu của Ngành khí tượng, cứ nghĩ những quan trắc viên bám trụ ở đó phải nghiêm nghị, già dặn lắm. Tới rồi mới thấy, họ là những chàng trai thuộc thế hệ 8X, 9X rắn rỏi, vui tính, lạc quan và giàu tình cảm. Bởi lẽ, có lạc quan, yêu cuộc sống, yêu nghề như thế mới làm việc ở nơi khắc nghiệt, nắng gió như Trường Sa.
   
  Ở Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa hôm nay, 7 quan trắc viên ngày đêm hứng gió, đo mưa, vượt qua không ít khó khăn nơi quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc, đã góp công lớn vào những bản tin dự báo thời tiết phục vụ cho nhu cầu dân sinh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội trên quần đảo Trường Sa.
   
Các quan trắc viên của Trạm lấy số liệu báo về đất liền
   
  Trạm trưởng Đoàn Tấn Phước thuộc thế hệ 8X, anh sinh ra và lớn lên ở Bình Định. Có lẽ, bởi được nuôi dưỡng trên quê hương đất võ anh hùng, bất khuất đã tạo cho Đoàn Tấn Phước có một bản lĩnh vững vàng, dày dặn trong vai trò là “thủ lĩnh” của Trạm. Anh đã cùng các anh em không ngại gian khó, cùng nhau động viên vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ giao phó. Anh Phước chia sẻ, tất cả các anh, em tại Trạm ra công tác ở Trường Sa với tinh thần xung phong, tự nguyện, người trẻ nhất sinh năm 1993, còn nhiều tuổi nhất sinh năm 1984. Dù ở nhiều miền quê khác nhau, nhưng anh em rất đoàn kết, thương yêu nhau, cùng chung chí hướng, cùng chung trách nhiệm xây dựng biển đảo ngày càng phát triển, giàu đẹp. 
   
  Cuộc sống của các anh là dân sự nhưng trong sinh hoạt cũng luôn duy trì như cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Ở đảo, các anh cũng trồng rau xanh, nuôi gà, lợn để cải thiện. Những ngày trời nắng đẹp, các anh cũng đi thả lưới, kiếm thêm chút cá để cải thiện cho bữa ăn đạm bạc giữa biển khơi.
   
  Cuộc đời làm khí tượng của các anh là những trang nhật ký đầy ắp những buồn vui, những sẻ chia về chuyện đời, chuyện nghề với bao điều thú vị. Với các anh em của trạm, nhất là những người mới ra đảo, những ngày đầu còn nhiều thứ lạ lẫm, bỡ ngỡ, hốt hoảng vì bão tố, mưa giông giăng giăng giữa bốn bề biển cả bao la, họ không khỏi bàng hoàng, với những phút giây lạnh sống lưng khi nghe tiếng sóng biển, gió biển “thét gào”… thì giờ đây, đó là thứ âm thanh của cuộc sống mà các anh thích nghe nhất. Bởi nó cho các anh cảm giác thân quen, cảm giác được vùng vẫy giữa đất trời. Cuộc sống của các anh nhờ có những “bản nhạc đại dương” đã giúp vượt qua được những khó khăn, khắc nghiệt để hoàn thành tốt công việc ở đất đảo Trường Sa.
   
Đối mặt với hiểm nguy!
   
  Là một trạm phát báo số liệu quốc tế, tuần tự 3 giờ một lần, các quan trắc viên ở Trường Sa đo đạc số liệu một lần chuyển về Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung Bộ. Số liệu phục vụ dự báo trong nước và quốc tế. Đó là các chỉ số nhiệt độ, khí áp, lượng mưa, tốc độ gió, bức xạ, độ mặn nước biển, nhiệt độ nước biển, cấp sóng, mực nước biển... Công việc của các thành viên ở Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa chẳng khác nào người lính thầm lặng đong đếm những biến chuyển của trời, đất để cuộc sống người dân bình yên hơn. Ngày này qua ngày khác, họ đối diện với nắng, gió, mưa, bão và hàng ngàn con số. Thế nhưng, điều đáng quý mà chúng tôi cảm nhận ở họ một tình yêu thiên nhiên, yêu biển cả và sự gắn bó với nghề nghiệp.
   
  Ở Trạm trưởng Đoàn Tấn Phước chúng tôi còn thấy ở anh một điều khá đặc biệt, mặc dù, là lãnh đạo trẻ, tuy nhiên anh Phước là người ý thức và nắm rất rõ những thông tin về Trạm, bằng chứng là khi chúng tôi hỏi về quá trình xây dựng và hình thành Trạm, anh đã kể một cách say sưa, rõ ràng từng chi tiết, từng dấu mốc. 
   
   Anh Phước cho biết, Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa được xây dựng từ năm 1977, là một trong 26 trạm phát báo quốc tế, cách đất liền xa nhất và được coi là “mắt báo bão” sớm nhất trong hệ thống khí tượng thủy văn của nước ta”. Từ đó đến nay, Trạm đã liên tục cung cấp kịp thời cho Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia những thông tin sớm nhất về các cơn bão trước khi đi vào biển Đông. Để có những thông số chính xác, các quan trắc viên trạm phải tiến hành đo và xử lý các thông số 8 lần/ngày và báo về trung tâm theo tần suất 3 giờ/lần, liên tục từ 1 giờ sáng đến 22 giờ đêm mỗi ngày. Trong tình huống có hiện tượng áp thấp nhiệt đới xuất hiện hoặc có bão thì số lần đo quan trắc của nhân viên ở trạm phải tăng lên với tần suất 30 phút/lần.
   
  Trong cuốn sổ nhật ký ghi vội vàng của các anh, chúng tôi thêm hiểu hơn về sự khắc nghiệt thời tiết nơi đây. Trên đảo Trường Sa mỗi năm có đến 7-8 tháng nắng gió tả tơi và cũng chỉ có các loại cây như phong ba, bão táp, bàng, phi lao… mới trụ được qua mùa khô khắc nghiệt. Dù nắng nóng, nhưng độ ẩm vẫn rất cao. Những thiết bị điện tử như ti vi, máy tính chỉ dùng 1-2 năm là hư hỏng. Đến mùa mưa, thời tiết thay đổi liên tục, không năm nào có dưới 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Hầu như cơn bão nào cũng không quên “viếng thăm” Trường Sa.
   
  Nhớ lại những phút giây căng mình trong bão, với những đêm biển động, sóng gầm thét đánh bạt vào tận trong đảo, cây cối gãy đổ, bọt biển trùm ướt từ đầu đến chân, 7 anh em của Trạm căng mình vừa quan trắc, ghi nhận số liệu về độ cao cột sóng, cường độ cơn bão, vừa phải che chắn, bảo vệ các thiết bị, nhiều lúc quên cả mối an nguy tới tính mạng.
   
  Anh Phước chia sẻ, chỉ cần thiết bị đo đạc gặp sự cố, hậu quả sẽ khôn lường. Hàng ngàn tàu thuyền của ngư dân của Việt Nam đang đánh bắt hải sản trên biển có thể sẽ gặp nạn, vì vậy thông tin phải chính xác để kịp thời thông báo cho bà con. Ở đây thời tiết khắc nghiệt, hơi muối làm hoen gỉ cả sắt thép nên công tác duy tu, bảo dưỡng thiết bị luôn phải đặt lên hàng đầu. Những lúc thời tiết xấu, anh em càng phải cẩn thận để tránh bị thương và bảo vệ trang thiết bị trong lều khí tượng.
   
  Câu chuyện của chúng tôi với anh em khí tượng phút chốc lại bị đứt quãng, cả gian phòng chìm trong khoảng lặng nghẹn ngào khi nhắc về đồng nghiệp Hoàng Văn Nghĩa, sinh năm 1986, quê huyện Nam Trực (Nam Định). Anh ngã xuống để hải trình của hàng ngàn chuyến tàu được bình yên khi chưa đầy 24 tuổi. Đó là một ngày trung tuần tháng 3 năm 2010, vào ca trực, anh Nghĩa lại mang thiết bị ra cầu cảng đảo Trường Sa đo đạc các số liệu hải văn. Hôm đó, trời mưa, gió thổi mạnh, cơn sóng dữ tràn lên cuốn trôi anh xuống biển. Ca làm việc qua đã lâu, cả trạm chờ mãi không thấy Nghĩa về liền đổ xô đi tìm. Vài giờ sau, thi thể anh Nghĩa mới được tìm thấy trong nỗi bàng hoàng tiếc thương vô hạn của đồng nghiệp và cán bộ, chiến sỹ, nhân dân trên đảo. Thấm thoắt đã gần 4 năm trôi qua, anh Nghĩa yên nghỉ tại mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc trong hơi ấm yêu thương của đồng nghiệp, bộ đội và nhân dân trên đảo.
   
  Hàng ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nếu chúng ta thấy những cụm từ sức gió, tầm nhìn xa, biển động… thì đó là những số liệu, thành quả và cả sự hy sinh mà các chàng trai quan trắc ở Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa thu thập được bất kể ngày đêm, mưa gió, giông bão.
   
Xuân Hợp (Trường Sa 5/2014)
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Con mắt” báo bão Trường Sa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO