Còn đâu cồn Cả Đôi

17/08/2016 00:00

(TN&MT) - Cồn Cả Đôi thuộc địa giới hành chính phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ, nằm giữa một nhánh của sông Hậu, một mặt  giáp với huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp và một mặt giáp với cồn Tân Lộc, phường Tân Lộc. Có những thời điểm, cồn Cả Đôi đã thu hút nhiều người dân ở các địa phương lân cận đến khai hoang trồng trọt…nhưng sau một thời gian, với sự tác động của tự nhiên và con người, hàng chục ha đất của cồn biến mất…

Xóa sổ cồn Cả Đôi

Hiện nay, nhìn vào bản đồ địa giới hành chính phường Tân Lộc cũng như bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của quận Thốt Nốt, cồn Cả Đôi vẫn còn hiện diện, với loại cây trồng chủ đạo là lúa. Thế nhưng, trên thực tế, cồn Cả Đôi đã không còn nữa mà nay đã hòa mình vào dòng nước chảy xiết trên sông Hậu.

Mặc dù cồn Cả Đôi vẫn được thể hiện trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của quận thốt nốt, nhưng thực tế cồn này đã không còn nữa
Cả Đôi vẫn được thể hiện trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của quận Thốt Nốt.

Theo lý giải của các cơ quan chức năng quận Thốt Nốt, việc còn lưu giữ cồn Cả Đôi trên bản đồ nhằm mục đích xác định địa giới hành chính của phường Tân Lộc với các địa phương khác.

Theo ông Lê Văn Huân, Chủ tịch UBMTTQ phường Tân Lộc, cồn Cả Đôi được hình thành một cách tự nhiên từ sự bồi đắp của sông Hậu và được đặt theo tên một người dân từng sinh sống ở cồn Tân Lộc.

Vào khoảng năm 1960, cồn Cả Đôi có diện tích trên 20ha với chiều dài khoảng trên 4km, hàng năm được bồi đắp phù xa từ thượng nguồn sông MeKong đổ về.

Do đất đai phì nhiêu, có những thời điểm hàng chục người dân ở Tân Lộc và huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đã ra cồn cắm ranh khai hoang trồng mía, ngô, lúa...mùa màng rất sung túc.

“Mỗi sáng sớm người dân ở vùng lân cận lại chèo thuyền qua Cồn Cả Đôi trồng trọt, chăm sóc cây trái, đến chiều tối họ lại kéo nhau trở về nhà, vì trên cồn Cả Đôi không có nhà ở …”- Ông Lê Văn Huân, Chủ tịch UBMTTQ phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt nhớ lại.

Ông Út Nghi (Nguyễn Văn Côn), ở khu vực Lân Thạnh 2, phường Tân Lộc thì trước kia, diện tích cồn Cả Đôi còn rộng, chỉ cách nhà tôi vài chục mét, đứng bên cồn Tân Lộc gọi qua cồn Cả Đôi còn nghe. Do là cồn nổi tự nhiên, nhà nước không cấp quyền sử dụng đất cho ai, nên vào những năm 1975- 1976 của thế kỷ trước, người dân ở các vùng lân cận kể cả gia đình ông Côn cũng ra đó khai hoang được vài công đất để trồng trọt phục vụ kinh tế gia đình.

Trong niềm tiếc nuối, ông Côn tâm sự: “Nhưng khai thác chưa được bao lâu, người thân của tôi cũng ít ra cồn trồng trọt vì diện tích đất ở đây ngày càng thu hẹp bởi tình trạng sạt lở đất diễn ra mỗi năm một nhiều hơn”.

Qua thống kê từ cơ quan chức năng quận Thốt Nốt, đến năm 1990 diện tích Cồn Cả Đôi chỉ còn vỏn vẹn 6 ha nằm chơi vơi giữa bốn bề sông nước và sau 15 năm (2015), phần đất còn lại của cồn đã bị dòng nước xóa sạch trước sự tiếc nuối của người dân nơi đây …

Nhìn sự mất đi của cồn Cả Đôi, nói chuyện về tình hình sạt lở của cồn Tân Lộc cạnh đó, chính quyền và nhiều người dân nơi đây không khỏi lo lắng về sự an toàn của cồn Tân Lộc nói chung và những liếp đất, luống rau, ao cá của các lão nông đã bao năm gắn bó.

Theo người dân cho biết, vị trí cồn Cả Đôi từng tồn tại nhiều năm, nay đã bị mất nhường chỗ cho nước sông Hậu
Vị trí cồn Cả Đôi từng tồn tại nhiều năm, nay đã bị mất nhường chỗ cho nước sông Hậu

Giải pháp nào bảo vệ cồn Tân Lộc?

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng bởi dòng chảy từ thượng nguồn sông MeKong, tình trạng khai thác cát gần bờ... đã làm cho tình hình sạt lở đất xung quanh khu vực cồn Tân Lộc đang diễn ra khá nhanh, đặc biệt là khu vực đầu cồn Tân Lộc thuộc ấp Long Châu.

Theo người dân ở đây cho biết, cách nay khoảng 10 năm, điểm đầu cồn Tân Lộc còn nằm giáp ranh với chợ Bà Óc, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, thì nay đầu cồn Tân Lộc đã bị dịch xuống tới dàm Bằng Tăng, cách chợ Bà Óc cả ngàn mét và tình trạng sạt lở đất vẫn đang tiếp diễn, nhất là vào những tháng cao điểm mùa mưa hàng năm.

Theo kết quả đo đạc tổng thể năm 2010, cồn Tân Lộc có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 3.334 ha, tuy nhiên sau 5 năm (2015), diện tích tự nhiên của cồn này đã bị mất gần 4 ha.

Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thốt Nốt, xuất phát từ tình trạng sạt lở, nên dường như năm nào diện tích đất tự nhiên của cồn Tân Lộc cũng bị mất. Phó Chủ tịch UBND phường Tân Lộc, Lê Thanh Nghị cho hay “Tình trạng sạt lở đất tại cồn Tân Lộc đang diễn ra khá mạnh, nhất là khu vực đầu cồn, khiến cho hàng ngàn m2 đất trồng hoa màu của người dân bị mất trắng…”.

cồn Tân Lộc, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt đang bị sạt lở mạnh, người dân đã dùng móc đất gia cố phần đất của mình,nhưng không kéo dài được bao lâu.
Cồn Tân Lộc, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt đang bị sạt lở mạnh, người dân đã dùng móc đất gia cố phần đất của mình, nhưng không kéo dài được bao lâu.

Để giảm thiểu thiệt hại, người dân cũng đã dùng các biện pháp chống sạt lở như trồng cây ven bờ, đóng cọc be bờ, … nhưng hiệu quả chưa cao vì thực hiện còn manh mún, chưa đồng bộ. Hơn nữa, tình trạng khai thác cát trái phép xung quanh cồn cũng là một trong những nguyên nhân gây sạt lở nghiêm trọng nhưng người dân cũng khó can thiệp được.

Nhằm bảo vệ diện tích đất tự nhiên cho cồn Tân Lộc trước tình trạng sạt lở, vào năm 2005-2006, TP. Cần Thơ đã triển khai dự án đê bao quanh cồn Tân Lộc, tuy nhiên sau khi triển khai được một thời gian ngắn thì dự án phải dừng vì không đủ kinh phí và cho đến nay dự án này vẫn chưa được khởi động lại.

Với vị trí bốn mặt giáp với sông nước, cồn Tân Lộc rất dễ bị sạt lở bởi các tác động của dòng chảy, khai thác cát... Do vậy, trong thời gian tới, nếu các cơ quan chức năng của TP. Cần Thơ không kịp thời thực hiện các giải pháp bảo vệ diện tích đất tự nhiên hiện có của cồn Tân Lộc, thì không ai dám chắc rằng, phần diện tích cồn đang có sẽ còn lại bao nhiêu trong tương lai?

Lê Hùng

Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Còn đâu cồn Cả Đôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO