Con Cuông (Nghệ An): Đại ngàn Kẻ Tắt "chảy máu"

04/07/2016 00:00

(TN&MT) – Thời gian vừa qua, tình trạng khai thác gỗ lậu trái phép tại bản Kẻ Tắt (thuộc xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) đang diễn ra liên tục, công khai. Trong khi rừng phòng hộ  “chảy máu” thì chính quyền địa phương và lực lượng chức năng huyện Con Cuông đang xử lý theo kiểu “cầm chừng”…

Theo dấu… “lâm tặc”

Chúng tôi có mặt tại bản Kẻ Tắt (xã Thạch Ngàn) vào những ngày tháng 6 nóng như đổ lửa của miền Tây xứ Nghệ. Để “xâm nhập” thành công vào rừng già PV đã phải mất hơn vài tiếng đồng hồ bởi quãng đường rất xa, trèo đèo, lội suối, dốc núi hiểm trở. Hơn nữa, sự xuất hiện của “người lạ” càng làm cho người dân nơi đây e ngại khi tiếp xúc với chúng tôi.

Con đường vận chuyển gỗ của “lâm tặc” bào mòn cả đất đá sâu hoắm
Con đường vận chuyển gỗ của “lâm tặc” bào mòn cả đất đá sâu hoắm

Vào vai cán bộ Đoàn điều tra quy hoạch lâm nghiệp, chúng tôi mới được người dân địa phương tận tình chỉ đường để đi vào khe Tắt (nơi có hàng chục đối tượng đang khai thác gỗ). Một người dân cho biết: “Các chú muốn đi vào khe Tắt thì phải đi đường kéo gỗ của người dân, chứ đi đường khác các chú mất gần một ngày mới đến được, có khi còn lạc đường cũng nên. Con đường này do một số người dân địa phương tự mở để đi kéo gỗ về bán, đường tuy khó đi nhưng đây là con đường nhanh nhất để tiếp cận khu vực khai thác gỗ”.

Gỗ lậu nằm rải rác trên đường vào nơi khai thác
Gỗ lậu nằm rải rác trên đường vào nơi khai thác

Theo lời chỉ dẫn của người dân, chúng tôi lần tìm con đường nằm ngay phía sau bản Kẻ Tắt, trước mặt chúng tôi là con đường nhỏ chỉ để dành cho “lâm tặc” vận chuyển gỗ bằng trâu kéo từ trong khe Tắt về bản. Đi được khoảng 30 phút chúng tôi bắt gặp ba đối tượng đang vận chuyển gỗ bằng trâu kéo, khi thấy PV tác nghiệp hai đối tượng liền chào chúng tôi rất thân mật: “Chào hai cán bộ, cán bộ thông cảm chúng em đi kéo ít gỗ về dựng nhà ở thôi”. Trước những câu nói hết sức “thân mật” của các “lâm tặc” như muốn chứng tỏ một điều rằng, quá trình khai thác và vận chuyện gỗ lậu ở đây diễn ra rất thường xuyên và không hề vướng phải sự cản trở của lực lượng chức năng (?).

Nhiều cây gỗ bị đốn hạ không thương tiếc
Nhiều cây gỗ bị đốn hạ không thương tiếc

Con đường mà các đối tượng vận chuyển gỗ thường xuyên và nhiều đến nỗi hình thành những vết hằn sâu, có chỗ sâu gần lút đầu người trên những con đường đất, có nơi còn bào mòn làm nhẵn đến trơn mít cả những tảng đá lớn ven khe suối. Quá trình “xâm nhập” vào nơi khác thác gỗ của các đối tượng “lâm tặc” của PV cũng thật gian nan, chúng tôi phải vượt qua ba ngọn núi rồi mới đến khe Tắt. Tại đây, ghi nhận của PV có hàng chục thân cây to bị đốn hạ được các đối tượng “lâm tặc” xếp gọn vào hai bên khe Tắt, để thuận tiện cho việc vận chuyển gỗ.  Lần theo những dấu vết vận chuyển của các đối tượng khai thác gỗ để lại để lại, càng đi sâu vào khu rừng càng xất hiện rất nhiều thân cây bị chặt hạ, có thân cây bị chặt hạ có đường kích rộng hơn 1m. Theo quan sát của PV thì đa số thân cây bị đốn hạ là thuộc gỗ Táu, Sến, Dẻ...

Tiếp tục cuộc hành trình “xâm nhập” vào nơi “đại bàn doanh” của các đối tượng khai thác gỗ, đi được khoảng gần một tiếng đồng hồ nữa, chúng tôi đã nghe được tiếng kêu inh ỏi của máy cưa mà “lâm tặc” đang thực hiện “xẻ thịt gỗ rừng”.

Nhiều cây gỗ bị đốn hạ không thương tiếc
Nhiều cây gỗ bị đốn hạ không thương tiếc

Quá trình khai thác gỗ của “lâm tặc” nơi đây diễn ra rất náo nhiệt, tiếng người gọi nhau í ới xem lẫn tiếng kêu inh ỏi của máy cưa càng làm cho khu rừng giữa đại ngàn nguyên sinh trở nên náo nhiệt hơn bao giờ hết. Trước mặt chúng tôi là một lán trại (nơi trú ngủ của các đối tượng khai thác gỗ), có đầy đủ những vật dùng cần thiết như: chăn, màn, bát, đũa... Thấy sự xuất hiện của “người lạ”, tất cả các đối tượng đều lẩn trốn vào trong rừng, chỉ để lại những tấm gỗ còn xẻ dang dở, nằm chỏng chơ dưới suối.

Gỗ lậu nhiều, xử lý quá... “khiêm tốn”?

Trước thực trạng khai thác gỗ lậu công khai trong khu rừng phòng hộ như đã phản ánh ở trên, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Thái Minh Hiệp – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Con Cuông, trao đổi với chúng tôi ông Hiệp, cho biết: “Tình trạng khai thác gỗ trên địa bàn xã Thạch Ngàn đã diễn ra nhiều năm nay, các đối khai thác gỗ hầu hết là người dân địa phương, chủ yếu là khai thác gỗ đưa về dựng nhà ở ”.

Hình ảnh các đối tượng đang vận chuyển gỗ bằng trâu kéo
Hình ảnh các đối tượng đang vận chuyển gỗ bằng trâu kéo

Ông Hiệp cho biết thêm: “Trên địa bàn xã Thạch Ngàn cơ quan cũng đã có kế hoạch giao cho Trạm kiểm lâm đóng trên địa bàn Thạch Ngàn, từ đầu năm 2016 tại địa bàn Thạch Ngàn đơn vị cũng đã xử lý hai trường hợp vận chuyển gỗ lậu với tổng số lượng hơn 3 khối. Còn sự việc có nhiều cây gỗ quý bị đốn hạ thì cơ quan chưa nắm được, vì địa bàn xã Thạch Ngàn khá rộng, hơn nữa có thể khu vực nơi các đối tượng khai thác gỗ thuộc khu vực quản lý của rừng phòng hộ. Tuy nhiên, qua vấn đề phản ánh trên tôi sẽ trực tiếp đi kiểm tra và báo cáo các anh sau”.

Gỗ lậu bị thu giữ tại trụ sở Hạt kiểm lâm Con Cuông
Gỗ lậu bị thu giữ tại trụ sở Hạt kiểm lâm Con Cuông

Cũng theo số liệu mà Hạt kiểm lâm huyện Con Cuông báo cáo thì từ đầu năm đến nay trên địa bàn xã Thạch Ngàn lực lượng kiểm lâm mới xử lý 2 vụ vi phạm lâm luật với khối lượng gỗ bị tịch thu chỉ vài mét khối. Dư luận cho rằng, với thực trạng khai thác gỗ trái phép đang diễn ra tràn lan như đã phản ánh ở trên nhưng cơ quan chức năng chỉ xử lý được 2 vụ việc với khối lượng gỗ chỉ vài mét khối là quá ít, không phản ánh đúng thực trạng đang diễn ra?

Quá trình khai thác và vận chuyển gỗ tại bản Kẻ Tắt (xã Thạch Ngàn) đã diễn ra trong một thời gian dài. Thậm chí, các đối tượng “lâm tặc” đang ngày càng mở rộng quy mô và phạm vi khai thác. Đặc biệt, trong quá trình tác nghiệp gần 3 ngày của PV tại khu vực khe Tắt thì chúng tôi không hề thấy sự xuất hiện của bất kỳ một cán bộ lực lượng chức năng địa phương đi “tuần tra”. Trong khi đó, các trạm quản lý, bảo vệ rừng đóng trên địa bàn xã Thạch Ngàn cách bản Kẻ Tắt chỉ vài cây số (?).

Trước thực trạng trên, đề nghị các lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An cần nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xử lý. Chấm dứt nạn phá rừng trái phép tại xã miền núi Thạch Ngàn.

Bài & ảnh: Phạm Tuân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Con Cuông (Nghệ An): Đại ngàn Kẻ Tắt "chảy máu"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO