Cơn "bão" vỡ hụi ở Mường Chà - Điện Biên

27/08/2013 00:00

(TN&MT) - Mường Chà, một huyện nghèo của tỉnh Điện Biên đã trải qua trận vỡ hụi từ trung tuần tháng 6/2013.

   
(TN&MT) - Người dân nơi đây được ví như vừa trải qua một cơn bão khô, càn quét tất thảy những gì ở dưới mặt đất bốc lên trời, cuốn phăng như vừa gội rửa, sạch trơn, đến mức không khỏi khiến con người phải bàng hoàng và thảng thốt.
   
Lòng tin... từ đâu mà có?
   
  Theo nhận định của người dân thì việc chơi phường hụi ở Mường Chà đã có từ rất lâu, từ năm 2006, chủ yếu tập trung ở khu thị trấn trung tâm huyện. Ban đầu người ta chỉ chơi với hình thức giúp đỡ nhau không lãi suất. Gia đình nhà ai có việc sẽ được ưu tiên lấy trước, sau rồi biến tướng với lãi suất tăng dần theo năm. Ban đầu người ta tính toán theo lãi ngân hàng tùy từng thời điểm, sau tăng dần theo mức cho vay nặng lãi từ 2,5%/ tháng lên đến 3,5%/tháng rồi tăng dần lên đến 5%/ tháng và lãi suất cứ tăng dần, tăng đến mức người ta không thể kiểm soát nổi đồng tiền. “Rất nhiều lần tôi muốn bốc hụi, nhưng không thể nào mà bốc nổi vì nhiều người khác họ đặt tiền và ra giá cao đến 60% (tức là muốn lấy được 10 triệu đồng thì chúng tôi phải bỏ ra 6 triệu đồng hoặc cao hơn nữa) nên tôi đành phải để họ bốc trước” - đó là ý kiến của chị Bùi Thị Duyến, tiểu thương tại Thị trấn Mường Chà (Điện Biên).
   
  Ông Đinh Xuân Tiến, Phó chủ tịch UBND huyện Mường Chà chia sẻ: Có nhiều người mất tiền nhưng không dám nói, bởi vụ vỡ hụi tại thị trấn Mường Chà có đến hơn 95% là phụ nữ và rất nhiều công chức, viên chức tham gia. Kẻ xấu đã đánh vào lòng tham và sự cả tin của phụ nữ. Song tôi không thể hiểu được từ đâu mà người dân lại có một lòng tin ghê gớm đến vậy? Đem tiền nhà ra chơi hụi trong khi không một mẩu giấy, không một căn cước để bảo đảm khi rủi ro có thể xảy ra. Thậm chí có người cắm cả nhà của mình, huy động cả anh em họ hàng dưới xuôi gửi tiền lên để chơi, cắm cả sổ đỏ nhà ở của người thân để lấy tiền đưa cho những người còn chưa rõ lai lịch. Và chỉ khi bà Lò Thị Ngọc  (SN 1959), trú tại khối 14, thị trấn huyện Mường Chà (Điện Biên) là một trong những chủ hụi ở Mường Chà uống thuốc cỏ tự vẫn lúc này người ta mới hoang mang trước những khoản tiền có nguy cơ mất trắng.
   
  Nhiều người đã đặt ra giả thiết, phải chăng con số vỡ hụi 27 tỷ đồng ở thị trấn Mường Chà (Điện Biên) đã phải là con số cuối cùng hay chưa(!?) Bà Ngọc và hai chủ hụi khác là Nguyễn Thị Dung (SN 1983) chủ của 44 phường, với số tiền còn nợ lại, chưa có khả năng chi trả gần 5 tỷ đồng và Nguyễn Thị Lệ My (SN 1983), là chủ của 68 phường với số tiền nợ lại khoảng 6 tỷ đồng. Trong đó, bà Ngọc là chủ 80 phường hụi.
   
Các PV làm việc với người dân vỡ hụi ở Mường Chà
    
   
  Vậy một câu hỏi đặt ra là tiểu thương ở đâu mà tham gia nhiều thế và niềm tin được gây dựng từ đâu?. Không nghiễm nhiên mà con người ta lại mang tiền ra để tham gia chơi khi không có niềm tin vào một đối tượng “có tóc” nào đó. Trong khi toàn bộ những người buôn bán tiểu thương của thị trấn Mường Chà chưa vượt quá con số 40 người, số còn lại là cán bộ, công chức viên chức. Phải chăng trong đám cán bộ công chức, viên chức tham gia chơi hụi có người là chủ hụi, hiện cũng đang âm thầm huy động tiền để trả các khoản cho những người tham gia chơi là đồng nghiệp mà chúng ta chưa thể xướng danh?.  Dẫu thế nào thì đó cũng là bài học đắt về sự cả tin cho những người tham gia chơi phường, hụi..!
   
Bán nhà trả chưa hết nợ...
   
  Đó là trường hợp của chủ hụi Nguyễn Chí Xuân (SN 1983) trú tại tổ 1, thị trấn Mường Chà đã bán căn nhà tại khu thị trấn Mường Chà được hơn 1 tỷ đồng đã đem ra UBND thị trấn Mường Chà trả cho một số người nằm trong hụi trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương và công an thị trấn.  Hiện nay, vợ chồng Xuân cùng 2 đứa con đang vất vưởng đi thuê nhà ở tạm.
   
  Người phụ nữ đứng bán giò chả ngoài cổng chợ, thấy tôi đeo máy ảnh trước ngực vào mua thức ăn, gầm đoán là phóng viên đã nói đổng: “Em đi viết báo à? Em viết cho nhiều vào, cho cái bọn lừa đảo nó bị túm sạch đi. Cái con ấy chị thừa biết, nó giả nhời ti vi mà nó vẫn giả vờ khóc than, kêu mất tiền để nó hòng khỏi phải giả tiền người khác! Chị cứ để nó khất, khất mà không trả chị cho nó mất việc...” Chị V.T.B (chị yêu cầu được giấu tên) giáo viên trường Mầm non Na Sang đưa cho tôi xem 2 tờ giấy vê – đúp là tên của 7 chủ hụi hiện đang nợ chị tổng hơn 200 triệu đồng. Hôm tôi xuống thăm chị và gia đình sau một loạt những biến cố xảy ra với chị. Chồng chị vừa mất không được bao lâu, mình chị nuôi 2 con ăn học, có bao nhiêu vốn liếng dành dụm chị mang ra chơi hụi ráo cả; và còn biết bao cô giáo cũng mất tiền như chị nhưng không dám kêu. Có cô giáo đã cắm cả nhà của mình, nhà của cả người thân cho ngân hàng để lấy tiền về chơi hụi. Hàng ngày, ngậm đắng nuốt cay đến đòi tiền các chủ hụi với hi vọng vớt vát được chút nào hay chút đó. Và cũng không ít các chủ hụi được thể “tát nước theo mưa” thấy chủ hụi kia không trả thì mình cũng không trả. Bởi họ biết điểm yếu của các cô giáo là viên chức. Tuy nhiên, cũng có còn nhiều chủ hụi hiện đang sinh sống tại thị trấn Mường Chà không có khả năng chi trả.
   
  Tại Công an huyện Mường Chà, ông Lù Văn Thưởng, Phó Trưởng Công an huyện Mường Chà (Điện Biên) cho biết: Đến nay chúng tôi vẫn đang tiến hành điều tra vụ việc. Nhưng cũng thật là khó khi Nhà nước ban hành Nghị định 144/2006/NĐ-CP, chơi hụi chính thức được pháp luật thừa nhận và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người chơi. Ngoài việc tuyên truyền thì chúng tôi không thể ngăn cấm tình trạng hay xử lý những trường hợp này trong dân. Bởi đến nay chúng tôi chưa có bằng chứng xác đáng hay giấy tờ gì để buộc tội người chơi và buộc tội thế nào, trừ những lời khai của người chơi hụi.
   
  Bài & ảnh: T.H
   
   
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơn "bão" vỡ hụi ở Mường Chà - Điện Biên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO